Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2019
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 xin gửi đến các bạn thành viên AXIS Research Co ; Ltd lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công mới
Dân trí Trước đây, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Doanh nhân ngày nay gánh vác trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Phóng viên Dân trí đã thực hiện ghi nhận một số bình luận của các chuyên gia xung quanh vai trò cũng như nút thắt để phát triển mạnh mẽ hơn nữa đội ngũ doanh nhân Việt Nam:
Doanh nhân gánh vác trọng trách đưa đất nước trở nên hùng cường.
TS. Vũ Tiến Lộc: Chia sẻ xung quanh những thay đổi của đội ngũ doanh nhân sau 15 năm kể từ ngày ra đời (13/10/2004 - 13/10/2019), TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói: Trước đây, lứa doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Doanh nhân ngày nay gánh vác trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường.
Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.
Theo ông Lộc, cùng với làn sóng hội nhập, phát triển kinh tế, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vị thế là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nguồn lực cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Có thể nói chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được xác định và đánh giá cao như hiện tại.
Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua.
“Thực tiễn đã chứng minh, dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt. Việc thăng hạng của Việt Nam trong cuộc đua tranh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu là sự cộng hưởng của 2 yếu tố này, là đôi cánh để nền kinh thế Việt Nam bay lên”, ông Vũ Tiến Lộc bình luận.
Cũng theo người đứng đầu VCCI, xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu người dân, Việt Nam không hề thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng có một điều trăn trở, đó là về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số lượng này còn quá ít.
Yêu cầu hiện nay theo người đứng đầu VCCI, đó là đẩy mạnh nâng cấp doanh nghiệp trên mọi góc độ và khía cạnh. Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp cần định hướng và nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ tập trung nâng số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung nâng cao chất lượng.
Cùng với đó, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn sự chuyển đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp ứng dụng công nghệ số, những thay đổi rất lớn trong dòng chảy đầu tư toàn cầu, sự đổi chiều khó lường của các cuộc thương chiến giữa những nền kinh tế lớn trên thế giới…
Do vậy, để mở đường cho doanh nghiệp lớn lên, Chính phủ cần tháo gỡ và khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế, những vướng mắc, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh.
Muốn nâng cao vị thế quốc gia, trông chờ vào đội ngũ doanh nhân
GS. TSKH. Võ Đại Lược: Nhìn lại chặng đường dài phát triển, có thể thấy được những thay đổi quan trọng trong nhận thức, quan điểm về vai trò kinh tế tư nhân.
Nếu như trước đây có thời điểm chính quyền kỳ thị doanh nghiệp tư nhân, coi họ chỉ là “con buôn” thì đến năm 2004, với quyết định của cố Thủ tướng Phan Văn Khải về thành lập Ngày Doanh nhân Việt Nam thì vai trò của họ đã bước sang một sang trang mới.
Nhận thức, quan điểm khu kinh tế tư nhân sau đó tiếp tục có những sự thay đổi ngày càng rõ rệt hơn.
Thống kê cho thấy, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp rất lớn vào quy mô GDP, cơ cấu vốn và việc làm cho nền kinh tế. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần từng nhận định những năm vừa qua, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế.
Kinh tế hộ gia đình có vai trò mạnh mẽ lúc xoá đói giảm nghèo nhưng muốn phát triển, muốn bứt phá, nâng cao vị thế quốc gia thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Tuy nhiên, có một điều mà tôi cho rằng là nút thắt rất lớn khiến cộng đồng doanh nghiệp khó bứt tốc, đó là lãi suất quá cao. Doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé với lãi suất cao như vậy cạnh tranh sao được với các “đại gia” nước ngoài.
Thêm nữa, dù “nỗ lực” rất nhiều, nhưng tại sao đến nay vẫn còn tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh”. Điều tra khảo sát của VCCI cũng đã đề cập tới hàng loạt rào cản với doanh nghiệp, nhưng đến nay đã xử lý được bao nhiêu.
Gặp doanh nghiệp, họ vẫn còn kêu nhiều lắm, hết “chạy” mặt bằng, lại “chạy” thủ tục, lãi suất è cổ, vốn khó khăn… họ cạnh tranh kiểu gì, lớn thế nào hay đặc quyền đặc lợi cứ rơi vào những người có “quan hệ”?
Hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn lên. Doanh nghiệp tư nhân mới là chủ lực nền kinh tế, là động lực quan trọng. Cần nhớ rằng, DNNN với bao nhiêu khuyết tật thì sao cạnh tranh với thế giới được…
Uy tín, thương hiệu làm nên sự bền vững của doanh nghiệp
Chuyên gia Ngô Trí Long: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp xây dựng đất nước, đồng thời tham gia sâu, rộng hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể nói chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được xác định và đánh giá cao như hiện nay. Chủ trương Đảng, Nhà nước đều xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân.
Nhìn vào khối kinh tế tư nhân hiện nay, cũng đã có những “con sếu” đầu đàn, những doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín, làm ăn chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn, đáng ghi nhận. Phải tạo điều kiện để cho doanh nghiệp làm ăn tử tế, phục vụ lợi ích chính đáng của họ, tránh chuyện bị tiền mua chuộc.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tốt vẫn còn những mặt trái mà đội ngũ doanh nghiệp cũng cần cải thiện, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “sân sau”, lối làm ăn chộp giật…
Về phía cơ quan quản lý, dù luôn khẳng định nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng thực sự đã cải thiện nhiều chưa khi nạn “bôi trơn” vẫn còn, vẫn hoành hành.
Cuộc chống tham nhũng lớn đang diễn ra cao trào. Nhưng nạn tham nhũng vặt như “ngứa ghẻ” thì vẫn còn đó, tạo bức xúc, gây cản trở cho doanh nghiệp, kìm hãm họ phát triển.
Không còn cách nào khác, Nhà nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo sự công bằng, thông thoáng cho doanh nhân phát triển, xử lý triệt để nạn tham nhũng vặt đang nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Còn về phía doanh nghiệp, tốt nhất hãy làm ăn chân chính, đừng nghĩ chuyện chộp giật, uy tín và thương hiệu mới làm nên sự bền vững của doanh nghiệp cũng là sự sống còn của họ...
Nguyễn Mạnh (TheoDantri)
Kinh tế tư nhân là "ngôi sao hy vọng" của kinh tế Việt Nam
Dân trí "Chưa bao giờ khu vực kinh tế Việt Nam được đề cao là một trong động lực phát triển của đất nước như hiện nay. Các doanh nghiệp tư nhân đã "ấm lòng", có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình".
>>Thúc đẩy kinh tế tư nhân là trọng tâm thời hội nhập
>>Phát triển kinh tế tư nhân: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy cùng đi"
>>Kinh tế tư nhân chỉ muốn "công bằng", không cần "xin cho" ưu đãi
Đây là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017.
Theo ông Lộc, một năm sau Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức năm 2016, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ghi nhận những cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh, các kiến nghị các chính sách phát triển đã được lắng nghe, cổ vũ thực hiện.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, chặng đường cải cách còn gian nan, khiến chúng ta phải cố gắng, nỗ lực cao hơn. Năm 2030, nhiệm vụ đặt ra là Việt Nam phải xếp vào 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN nhưng thực tế, so với 3 nền kinh tế hàng đầu ASEAN hiện nay, chúng ta còn xa, đặc biệt so với chuẩn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) rõ ràng là thách thức lớn.
Ông Lộc dẫn giải: Chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang ở mức độ cao, tăng nhanh, mặc dù cuộc đối thoại đầu tiên của Chính phủ mới với DN với đề xuất giảm chi phí kinh doanh cho DN đã được thực hiện nhưng hiện các loại chi phí kinh doanh của Việt Nam vẫn cao, trong đó có lương tối thiểu tăng nhanh hơn tăng năng suất, chi phí BHXH, công đoàn... đang trở thành áp lực đối với các DN tại Việt Nam.
"Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng chi phí logistics cao nên hàng hoá kém cạnh tranh so với nhiều nước. Các chi phí về hành chính vẫn còn cao, thủ tục phiền hà và nặng nề...", Chủ tịch VCCI nhấn mạn.
Mặc dù còn nhiều tồn tại, song Chủ tịch của VBF năm 217 nhấn mạnh đến sự kỳ vọng đối với khu vực kinh tế tư nhân: Chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam được đề cao là một trong động lực phát triển của đất nước. "Các doanh nghiệp tư nhân đã ấm lòng, có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình", ông Lộc nói.
Bản thân khu vực kinh tế tư nhân trong nước thực tế chưa được phát triển xứng tầm, môi trường thể chế chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, vướng vào đầu tư, đầu cơ ngắn hạn, chưa có lực đẩy vươn tới chuẩn mực toàn cầu, nên không kết nối được các tập đoàn xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, nếu tạo cơ chế, hành lang và môi trường thông thoáng, khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể làm được. Ông Lộc nhấn mạnh: Đã có những DN tư nhân Việt Nam có thể làm ra hoặc kết hợp với DN nước ngoài một sản phẩm, công trình với chất lượng quốc tế, thời gian để hoàn thành công trình với tiêu chuẩn quốc tế nhanh kỷ lục. Chưa bao giờ khu vực tư nhân đóng góp trọng trách lớn như hiện nay.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự phát triển, ông này cho rằng, Việt Nam không chỉ phải giải phóng thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, mà còn cần đưa ra chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. Giải pháp này đã được các nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới làm và chúng ta nên học hỏi.
An Linh(TheoDantri)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét