Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa

2:59:00 CH

Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 1



Chuyên mục “Visionary” (Tầm nhìn) của New York Times gồm loạt bài phỏng vấn những nhân vật đến từ nhiều quốc gia - những người được xem là đang nới rộng, đẩy lùi những giới hạn trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa nằm trong số ấy.

Thiết kế kiến trúc để tạo nên sự thư thái, làm sao để hình ảnh thiên nhiên, cây cối luôn hiện diện trong tâm trí, đó là tâm niệm của kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa trước mỗi dự án. Mới đây, tờ tin tức New York Times (Mỹ) đã có bài phỏng vấn chuyên sâu đối với anh, đăng tải ở chuyên mục “Tầm nhìn”.
Chi tiết mà New York Times đặc biệt nhấn mạnh, đó là các nhân viên làm việc trong công ty của KTS Nghĩa đều… tập thiền mỗi ngày, điều đó giúp họ trong cách tiếp cận công việc, cách tương tác với bối cảnh đời sống trong không gian đô thị.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 1
Nhấn để phóng to ảnh
KTS Võ Trọng Nghĩa đã dành ra hai năm lưu lại một thiền viện nằm trong rừng ở Myanmar.
Chuyên mục “Visionary” (Tầm nhìn) của New York Times gồm một loạt bài phỏng vấn những nhân vật đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, tất cả họ đều là những người đang nới rộng, thậm chí đẩy lùi giới hạn trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Trong đó, KTS Võ Trọng Nghĩa được nhìn nhận như một nhân vật có tầm nhìn trong lĩnh vực kiến trúc.
Hiện nay, xu hướng nhà ở đô thị đang được “mềm hóa” trong cách thiết kế, đưa lại cảm nhận về vườn tược, cây cối, đòi hỏi các KTS phải đưa cây xanh và vật liệu tự nhiên vào trong xây dựng; với xu hướng ấy, KTS Võ Trọng Nghĩa được nhìn nhận như một phong cách độc đáo ấn tượng trong giới kiến trúc đương đại.
Khi tới thăm công ty của KTS này tại TP.HCM, News York Times ấn tượng với không gian làm việc đầy màu xanh, kiến trúc độc đáo với sự ứng dụng của tre, rơm rạ, dòng nước... Các công trình kiến trúc mà công ty của KTS Nghĩa thực hiện cũng luôn đề cao yếu tố thân thiện môi trường.
Tất cả những nỗ lực trong thiết kế của KTS Nghĩa và các cộng sự đều xoay quanh một “tầm nhìn”: sáng tạo nên phong cách kiến trúc kết hợp được yếu tố thiên nhiên, nguyên vật liệu tự nhiên, và thông qua những nguyên vật liệu cùng phương pháp xây dựng hiện đại, tạo nên thiết kế kiến trúc xanh đương đại.
KTS Nghĩa coi những công trình như vậy không chỉ giúp làm đẹp cho kiến trúc thành phố mà còn đưa lại cảm nhận về sự thanh bình, thư thái trong thế giới mà chúng ta đang sống.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Công trình nhà trẻ nông trại dành cho những em nhỏ có cha mẹ làm việc tại một công ty sản xuất giày ở gần đó. Nhiều loại rau củ được trồng ngay trên tầng mái xanh tươi của ngôi trường.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 3
Nhấn để phóng to ảnh
Một cấu trúc bao lơn bao quanh một quán cafe với ý tưởng như một cánh chim, đưa lại khung cảnh hòa hợp với thiên nhiên mở ra ngay cạnh đó.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 4
Nhấn để phóng to ảnh
Một công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng với những mái vòm được tạo bằng khung tre gợi nhớ tới hình ảnh của những ngọn núi gần đó.
Là người đứng đầu một công ty kiến trúc, nhưng hiện tại, KTS Nghĩa (43 tuổi) đang điều hành công việc từ xa. Anh đã tập thiền từ năm 2012 và dành hai năm qua để lưu lại một thiền viện nằm trong rừng ở Myanmar.
Với công việc, anh tham gia cùng các cộng sự thông qua những cuộc gọi, dù vậy, thời lượng dành cho những cuộc gọi này khá ngắn gọn. Hiện tại, kế hoạch của anh là quay trở lại Việt Nam vào đầu năm tới.
Tại công ty của mình, toàn bộ nhân viên của anh đều tập thiền ít nhất hai tiếng mỗi ngày, và họ đều cần tuân thủ những quy tắc đạo đức nghiêm ngặt trong môi trường làm việc, như không uống rượu, không hút thuốc, không nói dối...
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của New York Times với KTS Võ Trọng Nghĩa:
Anh muốn mọi người biết gì về công việc của mình?
Trước hết, tôi muốn mọi người biết về việc chúng tôi thiền mỗi ngày và có những quy tắc hành xử nghiêm ngặt trong công ty. Nếu bạn có thể thiền vài tiếng, rất nhiều điều sẽ trở nên sáng rõ trong tâm trí. Khi ấy, bạn sẽ thấy mình giống như siêu nhân so với con người trước đây của mình. Kiến trúc lúc ấy cũng trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Chúng tôi không yêu cầu nhân viên làm việc thật cần mẫn suốt nhiều giờ đồng hồ, nhưng chúng tôi muốn họ dọn dẹp tâm trí, thanh lọc xúc cảm. Đó là lý do tại sao công việc của chúng tôi diễn ra tốt đẹp.
Từ khía cạnh kiến trúc, chúng tôi tập trung vào việc kết nối con người với thiên nhiên. Chúng ta có ít công viên trong thành phố, không gian sống có ít sự hiện diện của thiên nhiên. Đó là một phần lý do khiến chúng ta chịu nhiều áp lực, xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống.
Nếu không có sự hiện diện của thiên nhiên xung quanh mình, chúng ta sẽ cảm thấy bức bối, mất cân bằng, nên chúng tôi cố gắng đưa thiên nhiên vào trong kiến trúc đô thị.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 5
Nhấn để phóng to ảnh
Một ngôi nhà ở TP.HCM với cây xanh mọc lên từ… sàn nhà, giúp giảm bớt cường độ ánh nắng chiếu vào, làm mát không khí trong nhà và đem lại màu sắc cho không gian sống.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 6
Nhấn để phóng to ảnh
Một văn phòng nằm ở TP.HCM với mặt tiền gồm nhiều chậu cây trổ ra.
Ai hay điều gì truyền cảm hứng cho anh bước vào lĩnh vực này?
Trước hết, tôi yêu cây cối. Khi tôi nhìn thấy một cái cây, tôi sẽ ngắm lá của nó, xem nó cần đất trồng và ánh sáng thế nào. Tôi lớn lên ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Bình. Nơi đây khí hậu rất nóng, khi tôi còn nhỏ, nhà không có điện. Tôi nhanh chóng nhận thấy tầm quan trọng của cây cối trong không gian sống.
Miền quê của tôi đã từng trải qua chiến tranh khốc liệt, bom rơi đạn nổ, nhiều người đã chết trong chiến tranh. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác trong làng - rất nghèo. Tôi nghĩ rằng nếu mình trở thành kiến trúc sư, mình sẽ giàu. Về sau, tôi nhận ra điều đó không đúng, cũng chẳng sao, bởi tôi yêu kiến trúc.
Giờ đây, tôi muốn đưa lại cho đất nước mình một phong cách kiến trúc truyền thống hiện đại, tôi muốn tạo nên một thứ kiến trúc hòa hợp cùng thiên nhiên, để người ta không cần sống trong điều hòa, công trình xây dựng chỉ cần sử dụng vật liệu đơn giản, giá rẻ... Tôi muốn tạo nên một thứ ngôn ngữ kiến trúc mới ở quê hương mình.
Anh đã học ở đâu?
Tôi học kiến trúc 10 năm tại Nhật. Tôi từng học ở Viện công nghệ Nagoya, tôi nhận bằng cử nhân từ trường Đại học Tokyo. Tôi đã học về sự trung thực trong thiết kế và trung thực trong đời sống.
Tôi đã học về cấu trúc công trình, tuần hoàn không khí, về gỗ, bê tông, về thiết kế cho môi trường khí hậu nhiệt đới. Khi trở về Việt Nam, tôi thấy điều mà các thành phố đang thiếu chính là màu xanh của thiên nhiên cây cối trong kiến trúc.
Rào cản nào tồn tại trong lĩnh vực của anh?
Kiến trúc luôn thách thức. Nhưng thách thức lớn nhất đối với chúng tôi chính là hòa hợp được sự đông đúc của mật độ dân cư với yếu tố thiên nhiên trong phong cách kiến trúc mà chúng tôi theo đuổi, giúp cho kiến trúc ấy bền vững. Người ta nói về kiến trúc xanh bền vững nhiều rồi, nhưng họ làm nên những thứ chỉ tồn tại trong vài năm. Vậy thì bền vững ở đâu?
Giờ đây, người ta chỉ muốn xây dựng thật nhanh. Nhưng chúng tôi không muốn tạo nên những đống rác khổng lồ từ kiến trúc. Để làm nên được những công trình bền vững, trước hết cần phải xây dựng đúng cách, từ cấu trúc lớn cho tới chi tiết nhỏ. Không phải cứ chi nhiều tiền là được, mà cần sử dụng đúng vật liệu, đúng cách.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 7
Nhấn để phóng to ảnh
KTS Võ Trọng Nghĩa thiền bên vợ và con gái.
Báo Mỹ “lặn lội” tìm hiểu về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - 8
Nhấn để phóng to ảnh
Gia đình của KTS Võ Trọng Nghĩa đang cùng anh tập thiền tại một thiền viện.
Anh có thể nói nhiều hơn về vật liệu tự nhiên?
Chúng tôi sử dụng tre, gỗ, đất nện, đá... Chúng tôi dùng cây xanh, nhưng không phải chỉ để trang trí mà đó là một yếu tố cần thiết trong kiến trúc. Nhiều người xây xong nhà thì đặt các chậu cây lên tầng thượng. Chúng tôi thì cần cây xanh và các vật liệu tự nhiên để tương tác với công trình.
Tương tác với ánh nắng, với tiếng ồn, với chất lượng cuộc sống của con người giữa bối cảnh đông đúc, chật chội trong thành phố… Chúng tôi còn đưa vào những hệ thống tái chế nước, pin mặt trời. Chúng tôi kết hợp cả năng lượng tự nhiên và vật liệu tự nhiên.
Anh làm gì để tạo nên thay đổi trong lĩnh vực của mình?
Chúng tôi muốn sử dụng phong cách kiến trúc truyền thống bản địa và kiến trúc hiện đại để giải quyết những vấn đề của không gian thành phố đông đúc. Thiết kế kiến trúc bản địa vốn đề cao sự hòa hợp với thiên nhiên. Kiến trúc ấy đã có từ trước khi chúng tôi có điện.
Kiến trúc ấy biết cách xử lý những vấn đề của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Giờ đây, dân cư đông, mật độ dày, diện tích đất ít, kiến trúc xưa không thể đem áp dụng 100% được nữa, nên chúng tôi phát triển một dạng kiến trúc mới để hòa hợp với điều kiện mới và phong cách sống hiện đại bây giờ.
Ở văn phòng của mình, chúng tôi có lắp điều hòa nhưng không cần dùng bởi chúng tôi có nhiều cây xanh, được tưới tắm bằng hệ thống tích trữ nước mưa. Hệ thống mạch nước giúp làm mát không khí, mà chúng tôi thực hiện những điều ấy với giá rất rẻ, lại chứa đầy những chi tiết đẹp giản đơn. Mỗi công trình dù lớn dù nhỏ, chúng tôi đều đưa vào yếu tố sân vườn, cây xanh.
Anh định nghĩa thế nào về thành công?
Sự khai mở. Cho dù tôi có trở thành một kiến trúc sư rất nổi tiếng, điều đó cũng vô nghĩa nếu đem so sánh với sự khai mở.
Thiền đã tác động thế nào tới hoạt động thiết kế của anh?
Nếu bạn đạt tới sự tập trung sâu sắc, bạn sẽ thấy rất yên bình, thư thái và ý tưởng thiết kế sẽ trở nên dễ dàng. Tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ về ý tưởng. Không phải chỉ tập trung, mà cần vô cùng tập trung. Tôi có thể rất tập trung trong 3 tiếng liên tiếp.
Với một tâm trí không vướng bận, nếu bạn muốn phát triển một ý tưởng, nó sẽ tới khá dễ dàng. Thay vì nghĩ về ý tưởng, tôi thiền và rồi tôi chỉ cần khoảng 5-10 phút là tìm ra một ý tưởng phù hợp.
Bích Ngọc(TheoDantri)
Theo New York Times

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.