Nằm ở phường 10, cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 5 km, Ga Đà Lạt được xem là nhà ga tàu hỏa cổ đẹp nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương. Nhà ga được người Pháp xây dựng từ năm 1932-1938, là đầu mối trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km.
Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Người thi công công trình là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 franc.
Tòa nhà chính của ga có phong cách kiến trúc độc đáo, với ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Langbiang, nhà rông Tây Nguyên; chiều dài 66,5 m, ngang 11,4 m và cao 11 m. Chóp trung tâm vẽ mặt đồng hồ to ghi lại thời gian bác sĩ Yersin phát hiện ra Đà Lạt.
Sân ga có 3 đường ray, mái che dài tỏa ra hai bên. Khu nhà dành cho nhân viên đường sắt, xây cùng thời với nhà ga nằm bên phải.
Không gian bên trong tràn ngập ánh sáng tự nhiên với những ô cửa kính màu rực rỡ theo phong cách các nhà thờ ở châu Âu.
Cùng với Ga Hải Phòng, Ga Đà Lạt là một trong hai nhà ga cổ và lâu đời nhất Đông Dương. Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 hoàn thành. Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090 m). Toàn tuyến có 2 đoạn phải sử dụng đường ray răng cưa dài gần 14 km vượt đèo.
Từ năm 1968 tuyến đường sắt này ngừng khai thác và đến năm 1975 được khởi động lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì dừng hoạt động. Ga Đà Lạt là ga duy nhất có đầu tàu chạy bằng hơi nước kiểu Pháp, hiện đang được trưng bày trong sân ga.
Bên trong đầu máy hơi nước có lò đốt than tạo hơi nước, hệ thống kỹ thuật còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Các toa tàu của đầu máy hơi nước được thiết kế, sử dụng thành quán cà phê phục vụ khách tham quan.
Trong tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt nhiều thăng trầm, bị lãng quên, hiện nay một phần từ nhà ga Đà Lạt đến Trại Mát dài 7 km được sử dụng để phục vụ du lịch.
Một bên sân ga có hai đường ray và một đường chuyển hướng phục vụ tuyến du lịch.
Hàng ngày có 5 lượt tàu khách đi và về từ Ga Đà Lạt xuống Trại Mát với giá vé khứ hồi từ 108.000-150.000 đồng/người. Các toa tàu cổ này vận chuyển tối thiểu 15 khách và tối đa 164 khách
Nội thất phong cách cổ điển bên trong một toa tàu. Tùy theo ghế cứng, ghế mềm, ghế VIP sẽ có mức gia khác nhau.
Việc lưu giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc ga, các thiết bị đầu máy, toa tàu cổ tạo nên một không gian hoài cổ hiếm có của ga Đà Lạt.
Ga Đà Lạt là địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố mộng mơ này của hầu hết du khách.
Từ nhà ga, sân ga, đầu máy đến những toa tàu cổ đều là những nơi có thể lưu lại những khung hình cưới cho các cặp đôi và hình lưu niệm cho du khách.
Đặc biệt, nhà ga cũng là địa điểm chụp hình ưa thích, thu hút giới trẻ nhiều năm qua.
Lê Quân - Hoài Thanh(TheoZing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét