Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Mẹ
(1914 - 2014)
Ảnh Ba Mẹ chụp ngày 17//4/1949
Ba Mẹ và chúng con năm 1955 ở 95 Lò Đúc Hà Nội
Sáu con của Mẹ : Khôi - Chi - Diệp - Vinh - Thư - Đính (ảnh chụp năm 1974)Mẹ sinh ngày 21-7-1914 (tức 29 -5 dư năm Giáp Dần , hồi 1 h sáng) trong một gia đình công chức gia phong ở Hà nội . Ông ngoại là cụ Nguyễn văn Phúc , hậu duệ của Nguyễn Trãi . Cụ là ông "phán" làm công chức tiếng Pháp ở bưu điện Hà nội . Bà ngoại là Trần thị Sâm , một người đàn bà đẹp và phúc hậu , con gái một lang y ở Hà nội . Các cụ sống phong lưu sang trọng , sinh được 3 người con gái , mẹ là con gái thứ 2 . Chị của mẹ là bác Nguyễn thị Thịnh , chồng là bác Đỗ Xuân Hợp - anh ruột của Ba . Em gái là cô Nguyễn thị Loan chồng là chú Trần Anh . Ba con rể của các cụ đều là bác sĩ có tiếng tăm sau này.
Hồi nhỏ mẹ là nữ sinh trường Đồng Khánh HN , sau này đổi tên là trường Trưng Vương ( về sau 3 chị em Chi-Đính-Vinh cũng học ở đó). Mẹ học đến hết cấp II thì bị ốm thương hàn nặng suýt chết nên các cụ cho thôi. Thật tiếc , vì với tư chất thông minh chắc mẹ còn có thể học cao lên nhiều nữa . Mẹ được giáo dục nề nếp gia giáo , đồng thời được tiếp thu một nền giáo dục văn minh kiểu Pháp , trở thành một thiếu nữ Hà thành thanh lịch - thông minh và xinh đẹp . Mẹ thật may mắn đến với một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu ( ở xã hội thời đó là rất hiếm). Ông bà cho ba me tự tìm hiểu , chơi bóng bàn cùng nhau ..
.Ba Me cưới vào ngày 14/8/1936 , lúc đó Ba đang học năm thứ 2 trường thuốc , mãi đến năm 1941 mẹ mới sinh chị cả Kim Chi .
Ảnh chụp Ba Mẹ năm 1939
Tuy sức khỏe yếu từ bé , nhưng được Ba nhiều lần trực tiếp đỡ đẻ và chăm sóc tận tình nên Me sinh thêm được 4 cô con gái nữa . Như thế là gia đình đã có "ngũ long công chúa". Mẹ cho cô con gái thứ 5 (là cô Diệp) mặc quần áo con trai , tóc thì húi cua . Cụ nội - bố chồng của me - rất tốt và tâm lý , cụ sợ ba me buồn nên cụ khen cô con gái thứ 5 là "con bé kháu quá, con gái thế này thì bằng mấy con trai " để động viên me . Nhưng me nhất quyết không chịu bó tay , quyết tâm đẻ cho Ba và gia đình họ Đỗ một cậu con trai nối dõi mới thôi. Thế là Me đi cầu tự ở chùa Thuyền Quang , quả nhiên sinh được chú Khôi út ít năm 1954, năm đó Me đã 40 tuổi . Me thật yêu ba , và thật dũng cảm . ( Tử vi của chú Khôi cũng thể hiện rõ chú là con cầu tự ). Sáu chị em sau này lớn lên khỏe mạnh , học hành đến nơi đến chốn , không phụ lòng ba me , trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội . Có 2 tiến sĩ , 3 cử nhân , 1 kỹ sư, chị cả (chị Chi) nối nghiệp Ba một cách xuất sắc. Nhớ về Mẹ , trên hết cả là tình yêu thương của mẹ ( và Ba) dành cho các con . Mẹ đã cùng Ba vượt qua nhiều khó khăn sóng gió trong cuộc đời , từng chặng đường một , để nuôi nấng giáo dục cả đàn con nên người . Thời kỳ Ba đi kháng chiến , rồi ở tù , thời kỳ bao cấp kinh tế rất khó khăn , thời kỳ chiến tranh bom đạn phải đi sơ tán ..., Mẹ luôn là người phụ nữ có bản lĩnh mạnh mẽ , dám đương đầu với mọi thử thách , cầm lái con thuyền gia đình thật vững vàng . Me là hậu phương vững chắc cho Ba . Năm 1946 Ba đi kháng chiến , đến năm 1948 bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò , lúc đó nhà có 3 chị em Chi -Đính -Vinh , me và bà ngoại đã phải thổi xôi chè bán để kiếm sống , chẳng có cửa hàng gì mà chỉ có một tủ kính nhỏ để vỉa hè , vậy mà nhiều người ở xa nghe đồn cũng tìm đến để ăn .Ngày nào 3 chị em cũng được cạo nồi ăn cháy chè . Xôi chè ngon lắm , mãi sau này tôi tập mãi mà không thể thổi được ngon như thế .Ba chị em được me cho đi học ở trường Saint-Marie và trường Lycee Albert Sarraut đầy đủ .
Lần thứ 2 Me cũng phải bán xôi sáng để kiếm tiền ( phụ cho Ba ) cho các con ăn học, đó là vào những năm 1970-85 , thời kỳ sống bằng tem phiếu rất gian khổ . Trong nhà có đồ đạc quý me đều bán sạch cả tủ chè, sập gụ , salon chạm trổ, đồng hồ quả lắc ... Gia đình lúc đó đã có 6 chị em , một đàn cháu ngoại,và cả 3 cụ nội ngoại nữa . Vậy mà Me không ca thán ngại khổ . Tôi còn nhớ sau này có người bạn bảo tôi :"Sao cậu lại để mẹ , một mệnh phụ phu nhân như thế , phải bán xôi ở ngoài cổng ?" Nhưng tôi hiểu mẹ tôi , người phụ nữ rất thương yêu gia đình , không sĩ diện hão , dám đối mặt với mọi khó khăn thử thách của cuộc đời , coi lao động là vinh quang , không có gì phải xấu hổ. Quả thật Me là người phụ nữ "Lợi phu ích tử " ( trong tử vi của mẹ cũng thể hiện điều này) .
Có một thời kỳ thật sung sướng , chỉ một mình Ba đi làm có chức vụ cao mà nuôi được cả gia đình sống giầu sang phú quý . Mẹ là một phu nhân xinh đẹp , quý phái , đoan trang . Tuy thế nhưng Mẹ không kênh kiệu , sống rất đôn hậu , đối xử với người làm rất tử tế thương người : người giúp việc nhà , vú em , anh tài xế , và cả những y tá hộ sinh làm ở bệnh viện tư của Ba nữa . Ba Mẹ luôn giúp đỡ họ hàng và những người cần đến mình , giúp rất vô tư, không ăn hối lộ , không tham nhũng đòi hỏi gì như một số quan chức . Sau này tôi có gặp lại một số người đó , họ đều kể về Ba Me với thái độ kính trọng biết ơn rất cảm động . Mẹ không phó thác các con cho người giúp việc , mà luôn chú ý nuôi dưỡng các con theo một chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học , sinh hoạt điều độ có giờ giấc. Me đề cao giáo dục cấc con có phẩm chất đạo đức tốt , bên cạnh việc học hành kiến thức. Me thường xuyên kiểm tra bài vở , thuê gia sư dậy ở nhà , tôi còn nhớ hàng ngày phải vào đọc bài cho Mẹ và hôn mẹ một cái trước khi đi học . Mẹ còn biết lái xe ôtô , lúc đó nhà có một xe ôtô 4 chỗ (hồi đó ở Hà nội là rất hiếm), chủ nhật nào ba me cũng lái xe cho các con lên Hồ Tây chơi .
Ảnh chụp sau ngày Hà Nội giải phóng năm 1954 Ba Làm Giám Đốc BV Bạch Mai -Hà Nội
Năm 1955 , sau khi giải phóng Thủ đô , Mẹ đã chuyển cho 3 chị em lớn sang học ở trường nữ trung học Trưng Vương để được hưởng chế độ giáo dục mới của thể chế "dân chủ cộng hòa " . Bản thân Mẹ cũng thay đổi tích cực và rất nhanh chóng để thích nghi với cuộc sống mới . "Bàn tay ta làm nên tất cả ": đó là phương châm của Mẹ . Để giúp cho Ba giải quyết khó khăn kinh tế , nuôi gia đình 6 con và 3 cụ nội ngoại , Mẹ đã không ngần ngại tham gia vào tổ đan len tức là đan áo thuê. Mẹ đan rất đẹp , biết nhiều kiểu . Me đan áo cho cả nhà ( hồi đó ở ngoài làm gì có quần áo bán sẵn mà mua ) . Tôi còn nhớ mẹ đan áo len cho chị em gái mặc giống nhau như sinh đôi sinh ba vậy , mặc đi học trông rất đẹp và chỉnh tề . Có ấn tượng nhất với tôi là cái áo len mầu vàng pha nhiều con bướm mầu nâu trước ngực , chính nhờ nó mà sau 50 năm tôi mới ... nhận ra tôi trong một bức ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp đệ thất (lớp 5) đem ra hỏi tên các học sinh trong ảnh.
Ảnh Mẹ chụp năm 1950
Năm 1960 mặc dù đã 46 tuổi , me đi làm Dược tá cho cửa hàng Dược phẩm Hàng Khay (thuộc Công ty Dược phẩm và thiết bị y tế Hà nội) , một cửa hàng thuốc to nhất HN thời đó , CH ở đầu phố Hàng Bài , trông ra Hồ Gươm.Trước đó mẹ phải đi học chuyên môn và học ngoai ngữ. Nghe các cô chú đồng nghiệp nói me rất thông minh , tuy đã lớn tuổi nhưng nắm bắt được bài vở còn nhanh hơn các người trẻ khác. Phải chăng Mẹ vừa thông minh vừa là phu nhân của một " doctor giỏi " suôt ngần ấy năm ? Mẹ rất có năng khiếu ngoại ngữ , thành thạo cả 3 thứ tiếng Anh , Pháp , Nga , do đó được phân công bán hàng tiếp khách quốc tế . Hàng ngày Mẹ đi làm bằng xe đạp , có môt lần mẹ bị ngã đổ xe vào hẳn trong gầm một xe ô tô to vừa chạy đến , khi mọi người ùa đến kéo me ra thì chiếc khăn quàng ở cổ còn mắc lại dưới bánh xe ô tô, vậy mà người chỉ bị xây xát qua loa . Đúng là mẹ có Phúc to, được trời Phật phù hộ (trong lá số tử vi của me , cung nào cũng có sao "thiên giải"). Trong công tác Mẹ rất tận tình , có tinh thần trách nhiệm cao , nhiều sáng kiến , nên suýt nữa được bầu chọn là chiến sĩ thi đua . Thỉnh thoảng mẹ còn nhờ mấy chị em dậy hát để tham gia văn nghệ . Me làm được 9 năm thì về nghỉ hưu với một tấm huy chương kháng chiến hạng nhất . Về già rồi , me vẫn còn nhớ nhiều tiếng ngoại ngữ lắm để bảo cho các cháu ngoại học khi bố mẹ chúng còn quên
Mẹ chủ trì các cuộc họp lớn của họ hàng tại 95 Lò Đúc Hà Nội.
Mẹ là người phụ nữ tân tiến , luôn tôn trọng ý kiến các con , tuy rất sít sao theo dõi các bước tiến của các con . Mẹ luôn luôn liên hệ với nhà trường để kịp thời uốn nắn việc học tập và giáo dục các con.Các con có thể tự do lựa chọn ngành nghề , ước mơ , Ba me tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp cho các con bước vào đời một cách vững vàng . Cho đến bây giờ tôi còn nhớ lắm hình ảnh Mẹ ngồi đạp máy khâu , may màn chuẩn bị cho tôi đi nhận công tác ở nhà máy Phân đạm HàBắc.Tôi là con đầu tiên rời tổ ấm gia đình "bay vào đời". Thật ra trong lòng tôi không hề buồn , chỉ rất háo hức , còn vui nữa là khác, nhưng ai ngờ thấy me vừa sụt sịt vừa đạp máy khâu , xong lại chuẩn bị quần áo cho tôi vào một cái vali bằng nhôm mầu trắng ghi to đùng . Từ đó cái vali nhôm làm cho tôi " nổi tiếng" ở nơi công tác . Me cũng tự tay chuẩn bị cho các chị em như thế , nhất là chi Chi phải đi nhận công tác tận Yên Bái , nơi "rừng thiêng nước độc" . Me luôn động viên các con phải "Đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần, làm bất cứ việc gì tổ chức phân công", vì hồi đó càng là con cái Hà nội - tiểu tư sản , càng phải phân công công tác ở xa để rèn luyện . Me rất thấm nhuần tư tưởng đó cứ như Tổng bí thư Đoàn Thanh niên hoặc Vụ trưởng tổ chức vậy , không hề chạy chọt để các con được ở Hà nội .Mẹ cho phép các con tự do tìm hiểu , tự lựa chọn người mình yêu , nhưng trong khuôn khổ gia giáo có phép tắc . Mẹ tôn trọng quyết định của các con , chỉ góp ý răn dậy vừa phải , không bao giờ làm cho các con phải căng thẳng buồn phiền . Mẹ là người chủ hôn cho tất cả con gái con trai . Đồng thời là người tổ chức lễ cưới cho tất cả 6 con ở chính ngôi nhà 95 Lò Đúc này -ngôi nhà hạnh phúc- dù trong bất cứ hoàn cảnh nào , thời chiến cũng như thời bình .Bốn chàng rể và một nàng dâu đều sống chung với Ba Me dưới một mái nhà . Me cho mỗi gia đình con một buồng để ở và 1 bếp để đun nấu .Tuy nhà rất đông người nhưng mỗi gia đình đều có không gian riêng của mình để các con rể có thể tự do phát huy vai trò làm chủ gia đình mình , tự do nuôi dậy con cái theo ý riêng . Me luôn tôn trọng và quý các con rể như con đẻ , lại khéo léo cư xử , nên đảm bảo được sự đoàn kết nói chung trong đại gia đình .Các con rể đều rất quý Ba Mẹ , sống thoải mái và không mặc cảm .
Mẹ lên chức "Bà " năm 1966 khi cháu ngoại đầu tiên ra đời , đó là Tuấn Minh con anh chị Chi-Di . Và tiếp theo lần lượt cả một tiểu đội cháu ra đời - toàn con trai (chỉ có cháu gái Phương Liên con cô Vinh nhưng ở xa , sau có Minh Thu con cô Thư nữa) . Chúng nghịch ngợm ầm ĩ , nhưng me vẫn nhẫn nại chăm sóc các cháu thật tận tình , dậy bảo các cháu đến nơi đến chốn những khi bố mẹ cháu bận đi làm . Cháu Minh Hiếu con Đính -Cự là do Bà ngoại đặt tên . Và cháu Đỗ Xuân Nguyên con trai chú Khôi, cháu nội đích tôn của ông bà là do bà nội đặt tên .Thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ , Me không ngại ngần đưa các cháu và Ông Bà đi sơ tán ở nhiều nơi , giúp cho Ba và các con ở lại thành phố yên tâm công tác , lại đảm bảo an toàn cho các cháu . Thật là một người Bà tuyệt vời rất thương yêu các cháu , chẳng có khó khăn nào lại không dám vượt qua .
Con gái lớn của Mẹ TS.BS Đỗ Kim Chi nay đã 73 tuổi
Đám cưới con trai út Đỗ Xuân Khôi năm 1983
Ảnh con út Đỗ Xuân Khôi lúc 11 thángẢnh Mẹ bế cháu đích tôn Đỗ Xuân Nguyên (con chú Khôi)năm 1984
Nay Nguyên đã trưởng thành sinh sống tại Mỹ cùng với người yêu
Hai cháu nội sinh đôi Minh-Đức con Khôi&Nhung
Me được đến lớp học ít , nhưng hiểu biết lại rất nhiều . Có ai dậy Me vẽ và thiết kế đâu , thế mà các con rất thán phục mẹ khi Mẹ vẽ thiết kế nhà cửa . đầy đủ cả mặt cắt ngang , mặt cắt đứng , tỷ lệ kích thước ... Me một mình trông thợ sửa chữa và xây mới nhà cửa nhiều lần , không cần phiền đến Ba ..Chị Chi có nguyện vọng được chuyển vào Sài-Gòn sinh sống , lúc đầu me cũng buồn nhưng sau đó mẹ đồng ý để chị thực hiện nguyện vọng của mình , còn khen chị dũng cảm có bản lĩnh dám "thay đổi con đường mòn quen thuộc để đến với con đường lớn nhưng xa lạ". Mẹ bảo vì chị có mệnh "Tân Tỵ"...Mẹ chủ trương cắt 2 đoạn đầu nhà bán lấy tiền để giúp cho Chị Chi , và cô Vinh nữa , tạo dựng nhà cửa và ổn định cuộc sống trong TP Hồ chí Minh . Thế là hình thành " Chi nhánh 95 Lò đúc" ở trong đó, để mọi người có cơ sở đi lại ở cả 2 miền .Me cho các con thảo luận đóng góp ý kiến nhiều lần vào dự kiến chia nhà cửa và tài sản khi ba me trăm tuổi để đảm bảo tính công bằng và sự đoàn kết giữa các con sau này . Mẹ có sự thông qua của Ba , đã tự tay viết bản di chúc để lại cho các con với nét chữ tròn trịa rất đẹp . Các con rất phấn khởi , biết ơn ba me , luôn đoàn kết không tị nạnh nhau như mong muốn của Ba Mẹ . Cách làm này của Me rất độc đáo ở thời đó , đầy sáng tạo và thông minh vô cùng . Nhiều gia đình do bố mẹ không làm như vậy ,đã dẫn đến sự cãi vã lộn xộn mất đoàn kết giữa các con rất đáng tiếc .
Mẹ là người con rất hiếu thảo . Xưa kia các cụ thân sinh ra mẹ không có con trai , theo lời các cụ thì Mẹ là người con gái hiền dịu nhất nhà và Ba là người con rể hiếu thảo nên được các cụ rất quý . Các cụ sống với ba me và được ba me chăm sóc cho đến tận cuối đời , được trường thọ - thanh thản và bình an . Cụ nội - cụ Ba Đạt- thân sinh ra Ba , cũng được ba me đón về cùng sống ở 95 Lò đúc . Mẹ cũng chăm sóc cụ rất tốt , chiều ý cụ bữa cơm nào cũng bưng lên cho cụ ăn trước . Cụ rất hiền , trông rất quắc thước , và cũng rất quý con dâu . Mẹ sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo Đạo Phật từ lâu đời . Ông ngoại có hiệu là Tĩnh Cương Phúc Chí , Bà ngoại có hiệu là Diệu Nhung đều là đệ tử quy y Phật . Mẹ cũng được giác ngộ những giáo lý của đạo Phật , những tư tưởng của Lục độ Bát Nhã , của Bát chính đạo ,..., sống từ bi hỷ xả , giữ gìn ngũ giới , hết sức thành tâm tu tại gia .Khi tôi (và chồng) quy y đạo Phật , thỉnh thoảng Mẹ có giảng giải cho tôi nghe. Ngày nào Mẹ cũng thắp hương niệm Phật liên tục cho đến tận cuối đời .Mẹ có một cái chuông to gia truyền , hàng ngày nghe tiếng chuông ngân rất hay lòng tôi có một cảm xúc khó tả . Me dành tiền hưu trí để làm từ thiện . Me có hiệu là Diệu Thanh . Mẹ dặn các con mặc áo nhà Phật cho me lúc lâm chung , mời các vị sư - vãi tụng kinh cho Me . Được trời Phật phù hộ , mẹ rất minh mẫn cho đến ngày cuối cùng , tự lo được vệ sinh cá nhân cho bản thân . Me còn say sưa chơi mặt chược với các cụ chỉ 2 ngày trước khi ra đi
Các con , các cháu và các chắt của Mẹ họp mặt tại 95 Lò Đúc ngày giỗ Mẹ
Me biết trước ngày ra đi của mình , me gọi chú Khôi con trai duy nhất xuống để ôm hôn , mẹ bình thản dặn các con không được kêu khóc , chỉ niệm Phật A-Di-Đà . Sau này tôi đọc sách mới biết đó là cái Phúc thứ 5 , trong "Ngũ phúc" mà Phật phù hộ độ trì cho một đời người . Xin đa tạ Phật , và cầu Phật dẫn dắt chân linh của Mẹ chúng con về cõi Niết bàn . Mẹ đã quy tiên ngày 13 tháng 4 âm lịch năm 2005 , thọ 92 tuổi . Tôi làm theo lời mẹ dặn , đã mời được một hòa thượng , một đại đức , một sư ông chùa Quang Minh , mặc quần áo mũ Địa tạng rất đẹp , cùng đông đảo các vãi đến tụng kinh và dẫn độ chân linh mẹ . Mẹ và Ba được các con đưa lên chùa Đức Viên , để mãi mãi được làm những đệ tử của Đức Phật từ bi.
Lễ thượng thọ Mẹ năm 1993
Mẹ và Ba nhận cho chúng con muôn vàn sự biết ơn và tưởng nhớ .
Ảnh mẹ chụp với con Kim Đính lúc 6 tháng tuỗi (3/9/1943)
Bài viết của con thứ Đỗ Kim Đính
Đỗ Kim Đính
2 nhận xét:
Bài viết của mẹ Đính hay quá!
Đăng nhận xét