Tết Ông Táo

5:07:00 CH


Không biết năm nay thế nào mà bước sang tháng chạp trời lại rét thế. Gió bấc mưa phùn khiến đã rét lại càng rét hơn. Cái rét khiến cho tôi ít ra đường, thường cố co ro nán lại trong chăn mỗi sớm. Sáng nay cũng vậy, ngày nghỉ cuối tuần khiến tôi đã lười lại càng lười hơn. Thì rét thế, mưa thế dậy sớm làm gì cơ chứ? Mãi hơn tám giờ, tôi mới chui ra khỏi chăn. Ngó ra ngõ nghe xi xao tiếng người. Chợt thoáng thấy một người gánh đồ mã xanh xanh đỏ đỏ đi qua. Toàn mũ là mũ. Hình như có cả những đôi ủng lủng lắng giắt xung quanh nữa. Tôi bỗng giật mình, hình như đã đến Tết ông Táo. Nhìn vội bloc lịch trên tường, quả đúng vậy. Hôm nay là thứ bảy, ngày hai mốt tháng tháng chạp. Vậy là ngày kia, thứ hai là Tết ông Táo thật rồi! Tôi liền tung chăn vùng dậy, nhanh chóng vệ sinh cá nhân rồi ào ra đường. May mà hôm nay trời tạnh. Ngoài đường tấp nập người đi sắm tết. Bước chân ai cũng có vẻ vội vã lắm, chẳng như tôi cứ lơ nga lơ ngơ. Người ta gồng gánh con gà, mớ rau, buồng cau, trái chuối tất tả đi chợ. Để rồi, lại có một số người khác cũng vội vã mang theo những thứ đó đi ngược lại. Số người từ chợ về hầu như ai cũng có mũ, hia xanh đỏ, tím vàng bằng giấy. Đó là “trang phục” của Táo quân. Tôi chợt nhớ, ngày xưa khi còn nhỏ, đã khống dưới một lần bố tôi kể cho nghe về sự tích Táo quân và Tết ông Táo. Ly kỳ lắm, hấp dẫn lắm. Đêm đông mưa phùn gió bấc, chui trong chăn, nằm trên ổ rơm, hoặc quây quần bên bếp lửa mà nghe bố tôi kể chuyện ông Táo thì không còn gì thú vị bằng. Ánh lửa hồng, than đỏ rực thi thoảng lại nổ lép bép bắn những hạt lửa như hoa cà hoa cải ra xung quanh cùng với chất giọng trầm ấm của bố tôi, lúc thì thủ thỉ rì rầm làm cho chúng tôi tò mò, lúc lại cười lớn khiến chúng tôi ngỡ ngàng ngơ ngác trước câu chuyện hư hư thực thực về ông Táo. Chẳng còn cảm giác rét mướt nữa, chúng tôi bị cuốn hút theo câu chuyện của bố tôi kể. 


 


Ngày xửa, ngày xưa, ở một gia đình nọ, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi, hai người ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên họ sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ một người tên là Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Đi mãi, đi mãi, tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà. Hai người mừng mừng tủi tủi kể lại những chuyện đã qua. Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Đang lúc đó thì Phạm Lang trở về nhà. Sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, cũng liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Ở trên trời, Ngọc Hoàng nhìn thấy hết cảnh đó. Cảm động trước mối tình của cả ba người, và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, Ngọc Hoàng hóa phép họ thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp và phong chức Táo Quân để họ được ở bên nhau mãi mãi. Họ có nhiệm vụ trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, coi sóc mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, (còn gọi là Táo Công), là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, được gọi là Vua Bếp là vì lẽ đó. Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Từ xa xưa, ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo, các gia đình đều thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp giữ “bếp lửa” luôn nồng ấm, hạnh phúc. Theo tục lệ cổ truyền, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Tuần lễ đó, và cả tháng chạp thường gọi là tháng “củ mật” (bởi tháng ấy ngày đó có nhiều trộm đạo, mọi người, nhất là các tuần đinh, phải củ soát cẩn mật). Bố tôi còn kể rõ rằng, Táo Quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Kèm theo mỗi chiếc mũ là một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Hồi đó tôi đâu có biết ngũ hành là gì. Đến trò chơi “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” mà chúng tôi hay chơi với nhau cũng chỉ đọc do quen miệng chứ đâu hiểu hết ý nghĩa của nó. Ngày ấy, tôi háo hức nghe chuyện một phần là do nó ly kỳ, hấp dẫn, phần khác quan trọng hơn là sắp Tết. Tôi đâu có biết “Tết đến sau lưng con trẻ thì mừng, bố mẹ thì lo”. Ôi, cái thời nghèo đói, câu nói đó trở thành cửa miệng của người lớn. Bao nhiêu thứ phải lo. Quanh năm tất bật, cuối cùng ba ngày Tết vẫn không lo đủ. Mãi về sau này, lớn lên tôi mới hiểu rõ hơn về câu nói đó và càng thương cha mẹ hơn, hiểu rõ hơn về Táo quân và Tết ông Táo. Do quan niệm mỗi nơi, cộng thêm sự phong phú về nếp sống văn hóa ở mỗi vùng miền mà nghi thức cúng Ông Táo cũng có phần khác nhau. Từ Nghệ An trở ra Bắc, người ta thường mua cá chép sống về cúng rồi thả xuống sông, hồ hoặc thả vào giếng, nuôi cá cho đến lớn để cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông. Có gia đình quan niệm nên phóng sinh để cá hóa thành rồng đưa ông Táo lên trời. Riêng vùng Nam Trung Bộ trở vào thì tục lệ này có phần khác. Theo quan niệm của họ, để tỏ lòng biết ơn các Táo, họ có thể dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt... miễn là đồ ngọt, là cây nhà lá vườn chứ không cần cầu kì, chỉ cần lòng thành. Đặc biệt, ở các tỉnh nam Trung bộ thường có bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở, ở miền Nam là món bánh mè hay còn gọi là “thèo lèo”. Nhắc tới thèo lèo tôi lại nhớ em đến vô cùng. Lần đầu tiên nghe đến cái tên “thèo lèo” đó tôi đâu có hình dung ra nó là cái gì. Mãi đến khi em gửi thèo lèo ra cho tôi thì tôi mới biết đó là những thanh kẹo lạc, kẹo vừng ngoài bắc. Tết ông Táo đến rồi. Giờ này chắc em cũng đang đi chợ sắm Tết. Năm nay, em có làm nhiều kẹo thèo lèo không? Phương nam không có mùa đông, em bảo chỉ hình dung cái rét ngoài bắc qua sách báo và vô tuyến. Ôi, ước gì giờ này có em ở đây mà “thưởng thức” cái rét cuối cùng của mùa đông phương bắc, mà cùng tôi đi sắm chợ Tết! Tết ông Táo của tôi và em dứt khoát có thêm món kẹo thèo lèo, có hơi ấm phương nam để ngọn lửa tình yêu chung thủy từ Táo quân sưởi ấm chúng tôi, cho chúng tôi mãi mãi bình yên và hạnh phúc.

(THEO INTERNET )

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.