Nhớ phố Lò Đúc ngày xưa...

1:44:00 CH
...Còn nhớ cuối phố Lò Đúc những năm 60 có cây đa rất to, nay vẫn còn, không hiểu sao người ta gọi là cây đa Nhà Bò. Cây đa cao vời vợi, tán xòa rộng mát sang cả hè phố bên này. Hàng đàn chim chào mào, chim sáo, chim khuyên đến ăn quả đa. Những con chim chào mào đậu chót vót ở trên cao nom như những quả vải. Cây đa không lúc nào vắng bóng chim. Phố xá vắng vẻ, không tiếng xe chạy, tiếng chim hót ríu rít, râm ran không lúc nào ngừng nghe như một bản nhạc vô tận mà thiên nhiên ban tặng. Trên cây đa chỗ chạc ba cao nhất, có một tổ chim rất to, ở dưới nhìn lên như một chiếc rổ, đấy là tổ của đôi quạ khách, chúng kêu khành khạch suốt ngày, dưới gốc đa là một cái miếu nhỏ treo đầy bình vôi, khói hương ngào ngạt làm cho cây đa trở nên thiêng liêng, huyền bí.

Vẫn những năm ấy, có thể nói phố Lò Đúc hơn hẳn rất nhiều phố ở các nước châu Âu về số lượng chim sinh sống trên các cây trong phố. Đoạn từ rạp Mê Linh lên đến đầu phố nơi có các cây sao cao vút, những năm đó cò, vạc, cốc, chim cu gáy về làm tổ nhiều vô kể. Đi ở dưới đường nhiều khi phân chim rơi cả vào người.

Ngày đó người ta gọi phố Lò Đúc là “bang cò ỉa” cũng không ngoa. Vào buổi sáng lũ trẻ mang ống bơ đi dọc phố để nhặt những con cá nhỏ như lươn, chạch, rô non mang về cho mèo ăn. Những con cá ấy do cò, vạc bố mẹ tha về cho lũ con ăn, lũ chim con vụng dại đã đánh rơi xuống đường. Những khi mưa to gió lớn cò con rớt xuống đường là thường, chỉ tiếc rằng sau ngày máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, lũ cò, vạc bay đi đâu không thấy quay trở lại...

1 nhận xét:

Việt nói...

Xin được đính chính lại 1 chút, Cô Nguyễn Công Như Thường là Kỹ Sư Hóa chứ không phải Thạc sĩ QTKD!

T.D.Việt

Được tạo bởi Blogger.