Một góc nhìn về văn hóa biển đảo Kiên Giang

1:45:00 CH
Một góc nhìn về văn hóa biển đảo Kiên Giang

Một góc nhìn về văn hóa biển đảo Kiên Giang

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển, với diện tích lãnh hải lớn gấp nhiều lần so với đất liền. Mỗi người dân Kiên Giang đều tự hào vì trên quê hương mình có đến 143 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng điều thú vị là hòn đảo lớn nhất Việt Nam cũng nằm ở tại Kiên Giang. Và câu chuyện về văn hóa biển đảo cũng bắt đầu từ đây

Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc – nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý về văn hóa biển đảo Kiên Giang
Kiên Giang có thế mạnh về kinh tế biển đảo với một vùng đảo rộng lớn và hàng trăn hoàn đảo lớn nhỏ, bao gồm Phú Quốc- hòn đảo được xem là lớn nhất nước ta. Đó là chưa kể quần đảo Thổ Chu và huyện đảo Kiên Hải, cũng là những đảo lớn giàu tài nguyên và tiềm năng kinh tế.
Mũi Hòn Ngang
Với đặc thù của một vùng đất có điều kiện tự nhiên phong phú như vậy, người dân Kiên Giang từ bao đời nay sống gắn bó với biển, biển cũng không phụ lòng người, che chở và cung cấp nguồn hải sản dồi dào, không chỉ nuôi sống mà còn giúp người dân Kiên Giang làm giàu.
Nghề nuôi cá lồng bè ở xã An Sơn huyện Kiên Hải
Chính vì điều nêu trên mà một cách rất tự nhiên, vùng đất Kiên Giang được các nhà nghiên cứu văn hóa xếp vào những địa phương có văn hóa biển đảo đặc thù. Tính chất đặc thù của văn hóa biển đảo thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, nhưng về mặt trực quan chúng ta có thể thấy số lượng các lễ hội dân gian và các di tích lịch sử, cơ sở thờ tự tín ngưỡng như đình, lăng, dinh, miếu,vv… gắn với tín ngưỡng thờ các vị thần cửa sông, cửa biển ở Kiên Giang có rất nhiều, hàng mấy chục di tích.
Một góc nhìn về văn hóa biển đảo Kiên Giang
Rộn ràng lễ hội Nghinh Ông
Bộ xương Cá Ông trong Dinh Ông Nam Hải xã Hòn Tre huyện Kiên Hải
Phú Quốc cũng là một vùng sinh thái văn hóa đặc thù, phong phú và đa dạng. Với bề dày trên 300 năm khai phá, phát triển và bảo vệ đảo, cư dân Phú Quốc được hình thành từ nhiều nguồn rất khác nhau, do đó nét văn hóa ở đây cũng rất đặc biệt, đó là sự hội tụ giao lưu, giao thoa văn hóa gần như cả khắp nơi trên đất nước ta. Trong tiến trình phát triển của mình Phú Quốc đã dung nạp khá nhiều thành phần dân cư, đồng thời tiếp biến các nền văn hóa khác nhau như Hoa, Khmer, Chăm.. để tạo nên cho mình một sắc thái văn hóa dân gian riêng biệt.
Mộ chum cổ phát hiện tại Phú Quốc
Không chỉ có nhiều cảnh đẹp tự nhiên mà Phú Quốc còn có hàng chục di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh có giá trị trong đó có thắng cảnh Dinh Cậu. Biển đảo Phú Quốc nằm trên con đường giao thông thời xa xưa, từ Trung Hoa, Nhật Bản đến các nước ASEAN. Với lịch sử khai phá của dân tộc người Việt, Hoa, Khmer từ thế kỷ XVII đến nay đã đầy vơi 300 năm, cư dân trên đảo đã tiếp thu văn hóa từ nhiều vùng của cả nước để làm nên một diện mạo văn hóa đặc thù mang tên Phú Quốc. Đó là những lễ hội cầu ngư, những phong tục mang phong cách biển, những con người phóng khoáng và giàu lòng mến khách, nét văn hóa ẩm thực cũng thật khó lẫn với một nơi nào khác du khách từng đặt chân tới.
Phong tục của người Phú Quốc mang tính giao thoa của phong tục các vùng trong cả nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhân dân các nơi về đây sinh sống trên đất đảo khá nhiều. Lớp cư dân mới này mang theo phong tục nơi chôn nhau, cắt rốn, những phong tục đó khó phai mờ đối với những người xa xứ. Tuy nhiên, những phong tục được hình thành từ vài trăn năm trước vẫn còn tồn tại và chi phối đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa của người dân Phú Quốc.
Trên đảo Phú Quốc có một số lễ hội mang tính tập quán, truyền thống của địa phương như: Ngày 16-10 âm lịch là lễ hội Dinh Cậu; ngày 20-12 lễ Dinh Thủy Long Thánh Mẫu; ngày 15-7 lễ lập đền thờ; ngày 30-7 lễ Sùng Hưng Cổ Tự; ngày 25,26-9 lễ Suối Đá; ngày 15 tháng Giêng lễ tưởng nhớ vua Gia Long… vào những ngày này, nhân dân khắp nơi tụ họp về rất đông, các nghi thức được tiến hành rất trọng thể. Nhìn chung, phong tục của người dân Phú Quốc mang đậm nét nho giáo cộng hưởng với phong tục, tập quán của vùng đất biển đảo.
Chùa Sùng Hưng Cổ Tự - Phú Quốc
Trong tâm thức của người dân Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng, các vị thần linh gắn với yếu tố sông nước luôn được coi trọng và hóa thân vào những truyền thuyết như một lực lượng siêu nhiên có thể che chở hay trừng phạt con người, như Cá Ông được thờ cúng nhiều nơi, là vị thần hộ mệnh đối với dân đi biển đã được phong sắc là thần Nam Hải Đại Tướng quân dưới triều Nguyễn; các vị Thành Hoàng Bổn Cảnh ở những làng cổ xưa có xuất làm nghề chài lưới hay Bà Chúa Ngọc Nương Nương, Cậu Tài, Cậu Quý vốn có uy linh trên những vùng cửa sông cửa biển.
Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu ở Phú Quốc
Có thể kể đến những di tích tiêu biểu gắn với tín ngưỡng biển như Dinh Cậu, Dinh Bà, Đình Nam Hải (huyện Phú Quốc) Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá , Đình thần thờ Cá Ông và Đình thần Nam Hải (xã Lại Sơn huyện Kiên hải)vv… Tuy nhiên nếu xét về quy mô và tính chất của Lễ hội thì có lẽ Lễ hội Nghinh Ông ở xã Lại Sơn huyện Kiên Hải có quy mô lớn nhất sau đó là lễ hội Dinh Cậu ở Phú Quốc. Dự kiến, Sở Văn hóa, Thể thao Kiên Giang sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng kịch bản nâng cấp Lễ hội Dinh Cậu ở Phú Quốc theo hướng lên quy mô Lễ hội cấp tỉnh.
Hiện nay có rất nhiều tỉnh ven biển nước ta trong đó có Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa… cũng thành công trong việc xây dựng các festival lớn, quảng bá và thu hút du lịch dựa trên nền tảng những lễ hội dân gian có sẵn ở địa phương. Đây cũng là những gợi ý rất hay để Kiên Giang khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch văn hóa biển đảo trong thời gian tới.
https://dulich.petrotimes.vn/
Bùi Công Ba

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.