Chuyện của một cựu chiến binh Mỹ thích tiếng Việt

7:07:00 SA
Trong mấy ngày Tết Canh Tý vừa qua, chợ Tết Phúc Lộc Thọ, Little Saigon, thuộc Oranges County, CA., có thêm màn ‘giúp vui văn nghệ’ của một người Mỹ, hát tiếng Việt hay không thua gì ca sỹ Việt. Đó là Patrick Gregory – một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.
Ấn tượng Việt Nam
Năm 1967, Patrick Gregory chàng thanh niên 19 tuổi, vừa xong trung học, quyết định gia nhập quân đội. Không lâu sau khóa học và được tuyển chọn vào binh chủng nhảy dù, ông được điều động sang chiến trường miền Nam Việt Nam.
Cậu học sinh Patrick Gregory. Hình chụp năm 1963, do nhân vật cung cấp. 
Ông nhớ lại: “Thời gian mới nhập ngũ, lúc còn học ở trường, tôi gặp một trung úy là người Việt Nam. Đó là người Việt Nam đầu tiên tôi biết và có ấn tượng rất tốt đẹp vì anh ta vui tính lắm.”
Chơi thân với một người Việt, nên khi nhận lệnh sang Việt Nam tham chiến, Patrick rất vui, chẳng sợ gì. Ông nói: “Tôi được giải thích rằng vì Cộng Sản bắc Việt muốn chiếm miền Nam, nên chúng ta (quân đội Hoa Kỳ) cần phải đi giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa. Nghe vậy tôi hăng hái lắm, và cảm thấy mình trưởng thành lên.”
Patrick là một trong số binh lính dù Hoa Kỳ có mặt tại Bình Dương trong trận Mậu Thân 1968. Ông kể: “Những ngày trước Tết Mậu Thân, tôi nghe nói Bắc Việt sẽ cho lính nghỉ ba ngày để ăn Tết, không ‘uýnh nhau’. Đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng được về phép. Khi đó đơn vị tôi đóng quân ở Bình Dương.”
Patrick Gregory năm 1968. Hình do nhân vật cung cấp.
Patrick kể tiếp: “Năm ngày trước Tết Mậu Thân, một hôm lúc đang trong đồn, tôi thấy có một thanh niên rất trẻ, khoảng 17, 18 tuổi, mặc chiếc áo chống đạn, không có súng giơ tay cao và tiến về phía đồn. Tôi gọi điện vào Bộ Chỉ Huy để báo tình hình. Sau đó, nhận lệnh đưa thanh niên ấy vào trong Bộ Chỉ Huy. Tôi bịt mắt anh ta, rồi dẫn vào đường thép gai bí mật. Phải bịt mắt để anh này không biết đường vào. Anh này là người Việt, ra chiêu hồi.”
“Đó là lần đầu tiên tôi gặp Việt Cộng, thấy ‘nó’ tội nghiệp quá chừng”, Patrick nói, và kể tiếp về tính tò mò của mình. “Tôi nghe một trung tá nói anh này sẽ được phỏng vấn tại chỗ, trong bụng cũng muốn coi anh chàng này vì sao mà chiêu hồi. Chừng 10 phút sau, một đại tá tới, bắt đầu cuộc phỏng vấn. Ông trung úy nhìn tôi và mấy đồng đội của tôi, rồi hướng mắt ra phía khác, nói: “Các anh ra kia đi, đừng đứng đây đông làm cho thằng bé nó sợ. Lát nữa phỏng vấn xong, tôi kể cho mà nghe.”
Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, Patrick không kềm nén sự tò mò, đi tìm viên trung úy để nghe kể chuyện. Và câu chuyện mà ông nghe được là: thanh niên chiêu hồi ấy (có thể là bộ đội), là người miền Bắc, nói với viên đại tá rằng phía Việt Cộng đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công, đánh chí mạng vào dịp Tết Mậu Thân, nên mọi người phải sẵn sàng hy sinh vì chiến tranh nổ ra là sẽ chết rất nhiều. Nghe vậy, cậu bé sợ quá, tìm cách bỏ trốn.
“Trong chiến tranh, ai cũng biết đã gia nhập quân đội là coi như… xong đời. Sống-chết trong gang tấc. Nếu còn sống lành lặn mà trở về được với gia đình, thì trúng số độc đắc cũng không bằng. Nghe xong câu chuyện của cậu bé, tôi chẳng dám nghĩ gì. Nhưng cuối cùng, tôi… “trúng số” thiệt.”, Patrick nói.
Patrick không nằm trong danh sách hơn chục ngàn lính Mỹ chết trong cuộc tổng tấn công Tết mậu Thân 1968, và được điều động đến vài chiến trường khác, cho đến năm 1969 thì được về lại Mỹ. Sau đó ông xuất ngũ và làm việc cho một công ty ở Hoa Kỳ, nhưng lại có ‘cơ duyên’ trở lại Việt Nam làm việc ở phi trường Tân Sơn Nhất và ở phi đạo Bắc Long Thành. 
Patrick Gregory – hình chụp làm visa năm 1970. Hình do nhân vật cung cấp.
Học tiếng Việt để… “cua gái”
 “Trước năm 1975 tôi đã trở về Mỹ, dạy lái phi cơ ở một trường tại Tennessee. Ở đây, vào năm 1982 tôi gặp bà xã.”, Patrick kể. Nghe tới đây, bà Le Ann Gregory, vợ ông Patrick tham gia câu chuyện. Bà kể tiếp: “Tôi làm ở nhà hàng, ổng tới chỗ đó ăn thường xuyên lắm, và lần nào cũng tip cho tôi 1 USD. Tôi nghĩ bụng, tay này nhìn tướng tá cũng đẹp trai ra phết, mà sao keo quá, tip có 1 USD. Nhưng một lần, ổng đưa tôi tờ 1 USD, nói tôi nhìn xem có gì lạ. Tôi thấy có dòng chữ “I love you so much” (Anh yêu em nhiều lắm). Tôi quen ổng từ đó, và giữ tờ giấy bạc 1 USD này suốt 38 năm qua.”
Có ấn tượng với người Việt Nam, nên Patrick đã học lõm bõm vài câu tiếng Việt trước khi làm quen với cô gái Việt. Ông nói: “Lúc ở Việt Nam thời chiến tranh, tôi thấy người dân khổ quá, nên muốn làm cho họ vui. Muốn nói mà nói không được. Tức lắm. Nhưng mà tiếng Việt khó học quá. Câu tiếng Việt đầu tiên tôi học là: “Mạnh giỏi không?” và vài câu thông dụng khác. Có điều tôi nói chuyện với mấy người trong khu gia binh thì họ hiểu, tôi nói họ cũng hiểu, nhưng khi ra Huế, tôi nói y chang mấy câu đó, người ta hổng có hiểu. Mà người ta nói gì tôi cũng hổng hiểu luôn. Tiếng Việt khó thiệt, mà tôi thích!”
Mê hát nhạc Việt
Hỏi ông bí quyết để học tiếng Việt, Patrick nói: “Có gì đâu, nếu các ngôn ngữ khác có 3, 4 thanh điệu, thì tiếng Việt có 6 thanh, đúng không? Cứ phát âm đúng thanh điệu là người ta hiểu thôi. Nhưng thật ra muốn giỏi là phải hát. Patrick thích hát, đặc biệt là nhạc Việt. Ông kể: “Bản nhạc đầu tiên tôi tập là bài ‘Không’. Bài đó dễ ẹt, “Không, không, tôi không còn yêu em nữa,…” cứ lập đi lập lại, chỉ có đoạn sau là hơi khó nhớ chút thôi, mà sau này có karaoke rồi, còn dễ hơn.” 
Khi được hỏi sao không hát nhạc Mỹ, Patrick trả lời: “Nhạc Mỹ… “thường” rồi, hát lúc nào chẳng được, hát tiếng Việt mà người Việt hiểu, mới là hay chứ!”
Patrick Gregory và vợ – cô Le Ann Gregory. Hình: SGN
Patrick thuộc nhiều bài hát Việt và đi đâu, tới chỗ nào có người Việt hát là ông tham gia. “Hôm đi hội chợ Tết ở ngoài Phúc Lộc Thọ, thấy dzui quá nên tôi cũng nhào vô hát, mà nghe tôi hát người thích, thế là tôi hát hoài.”, Patrick cười khoái chí, “tôi hát tới khản cổ luôn nè.” Ông khoe tiếp, vào năm 2016, trong lần sang Georgia chơi và dự một hội chợ của công đồng người Việt Nam tổ chức, ở đó có cuộc thi ‘Hát cho nhau nghe’, Patrick tham gia và ‘ẵm’ luôn giải Ba. Ông vẫn giữ giải thưởng là tờ giấc bạc 50 USD. 
Giải Ba cuộc thi ‘Hát cho nhau nghe’, tại Hội chợ mùa Thu – Georgia, ngày 04-09-2016. Patrick Gregory giữ ‘giải thưởng’ này để làm kỷ niệm. 
Năm nay là lần thứ hai, ông bà Patrick qua California ‘chơi Tết’. “Đi trên phố Bolsa, tôi nhớ tới Sài Gòn năm xưa. Bên này đông người Việt Nam, vui quá! Lần sau, vợ chồng tôi quyết định ở chơi lâu hơn, vì bây giờ về hưu rồi, rảnh mà!”
Lượm trên mạng


Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.