Tranh 'Thiếu nữ Hà Thành' của Lê Văn Xương bán với giá 8500 EUR

7:17:00 SA

 TGVN. Tối 22/9, bức tranh 'Thiếu nữ Hà Thành' của họa sĩ Lê Văn Xương vẽ năm 1942 bằng phấn tiên trên giấy đã được bán với mức giá 8.500 EUR (tương đương hơn 230 triệu đồng) trên sàn đấu giá Lynda Trouvé (Pháp), chưa tính phí gần 28% mà người mua phải chi trả thêm.

5014-chan-dung-co-thanh-nga-1
Tác phẩm Thiếu nữ Hà Thành (chất liệu phấn tiên, kích thước 29,5x22,5cm, năm 1942) của họa sĩ Lê Văn Xương được gõ búa với mức giá 8.500 EUR. (Nguồn: Nhà đấu giá Lynda Trouvé)

Đây là mức giá đáng ngạc nhiên cho tác phẩm của một họa sĩ không thuộc hàng “đình đám” nhưng lại được giới chuyên gia đánh giá là “quá hời” cho nhà sưu tập khi sở hữu một tác phẩm hiếm có từ thời Đông Dương. Cũng trong phiên đấu giá này, bức tranh "Phố Hàng Đồng" (chất liệu sơn dầu) của Lê Văn Xương (1917-1988) cũng được gõ búa ở mức giá 6.500 EUR (gần 180 triệu đồng).

Bức “Thiếu nữ Hà Thành” (tên tiếng Pháp: Portrait d'une jeune femme de Hanoï hay L'Amante du Nord) với kích thước 29,5x22,5cm được họa sĩ Lê Văn Xương sử dụng chất liệu phấn tiên thực hiện với tầng tầng lớp lớp màu mỏng xoa lên nhau, tạo hiệu ứng mặt hoa da phấn kiêu kỳ của các cô gái Tràng An. Thưởng thức tác phẩm này, người xem khó cưỡng lại nét quyến rũ yêu kiều của người đẹp trong tranh.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, đây là cách vẽ phấn tiên mà Lê Văn Xương đã áp dụng đúng theo phương pháp của người vừa là bạn vừa là thầy của mình – họa sĩ Nhan Chí (được mệnh danh là danh họa phấn tiên một thời).

Một họa sĩ đặc biệt

Mặc dù rất có năng khiếu hội họa và xuất thân trong một gia đình khá giả, họa sĩ Lê Văn Xương là một trường hợp hiếm hoi trong số các họa sĩ thời kỳ Đông Dương, bởi ông không phải là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương như các họa sĩ cùng thời, mà thuê thầy về dạy tại nhà. Trước năm 1954, hiếm có họa sĩ Việt Nam và họa sĩ người Pháp sống tại Việt Nam có thể tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân, nhưng Lê Văn Xương làm được điều đó. Năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt.

Đáng chú ý nhất là ngày 28/4/1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm là một thành công lớn, thu hút được giới chính khách, quan chức, doanh nhân và giới yêu nghệ thuật. Báo chí đã dành nhiều "đất" ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. 9/29 tác phẩm được giới thiệu tại Triển lãm đã sớm tìm được chủ nhân. Đến dự Triển lãm, Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã viết cảm nhận: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”.

Cũng với triển lãm này, họa sĩ NGYM Trần Quang Trân đã bày tỏ: “Trong nhiều lần đến xem triển lãm họa phẩm tại Nhà hát lớn Hà Nội, đây mới là lần đầu tôi được thỏa mãn trong đời khó tính - xin thú thật - của tôi về phương diện mỹ thuật”. Ngoài ra, Lê Văn Xương kết bạn với các họa sĩ tài năng như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Mạnh Quỳnh, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Thọ…, cùng nhau đi thưởng ngoạn, vẽ tranh, nhờ đó mà tay nghề hội họa ngày càng điêu luyện – nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết.

5434-z2089553830765-8c03d6e2cebed51bfe344e5bd804c614-1
Tác phẩm Phố Hàng Đồng (tranh sơn dầu, kích thước 42x50cm, năm 1952) của họa sĩ Lê Văn Xương được gõ búa ở mức giá 6.500 EUR.(Nguồn: Nhà đấu giá Lynda Trouvé)

Sự tươi mới của “thiếu nữ” U80

Khác với cách pha màu của các chất liệu khác là pha màu trên bảng màu, với phấn tiên, họa sĩ trực tiếp pha màu vẽ trên giấy. Có thể hiểu nôm na, phác họa chân dung bằng phấn tiên giống như người ta trang điểm – sai một ly là đi một dặm bởi sự sơ xuất không chỉ làm tác phẩm kém đẹp, kém hoàn hảo mà còn bởi nó không thể sửa chữa được nữa. Tuy nhiên, một khi đã thành phẩm, một tác phẩm vẽ bằng phấn tiên có thể có tuổi thọ hàng trăm năm khi được bảo quản đúng cách. Như chúng ta đã thấy qua tác phẩm "Thiếu nữ Hà thành", thật khó tin khi biết bức tranh này đã bước qua gần 8 thập kỷ mà vẫn giữ được nét thanh xuân tươi mới.

Ở phương Tây, các họa sĩ có trên 500 thứ phấn màu nên tha hồ lựa chọn màu sắc, nhưng ở Việt Nam thời kỳ đó – chính hoàn cảnh thiếu thốn chất liệu vẽ - đặc biệt là phấn màu đã làm “ló” cái biệt tài pha trộn màu sắc của Nhan Chí - tạo nên một cái gì riêng biệt của anh mà không thể tìm thấy được ở họa sĩ khác. Dường như Lê Văn Xương đã lĩnh hội được toàn bộ những gì mà Nhan Chí truyền đạt và thể hiện xuất sắc kỹ thuật ấy trong tác phẩm “Thiếu nữ Hà Thành” của mình” – nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định.

Theo nhà đấu giá, “Thiếu nữ Hà Thành” là một tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân, trong một gia đình người Pháp truyền lại cho con cháu. Cách đây hai năm, diễn viên – người mẫu Lê Y Lan đã lựa chọn từ bộ sưu tập Lê Văn Xương của mình 101 bức để trưng bày tại triển lãm tranh kỷ niệm 101 năm ngày sinh của tác giả. Lê Y Lan là con gái duy nhất của họa sĩ Lê Văn Xương và văn sĩ Diệu Tiên. Chị đã dành nhiều thời gian và công sức tìm kiếm và mua lại rất nhiều các tác phẩm của cha mình, có những bức đã lưu lạc ở nước ngoài nhiều năm, như những bức tranh trong cuộc đấu giá lần này.

“Việc sàn đấu giá Lynda Trouvé lựa chọn cho phiên đấu giá lần này hai bức tranh của Lê Văn Xương, mà “Thiếu nữ Hà Thành” là một trong số đó, khiến giới sưu tập tranh Đông Dương khá ngạc nhiên. Đây là bức tranh hoàn hảo và con số 230 triệu đồng vẫn là một mức giá quá hời cho một tác phẩm thuộc hàng quý hiếm trong dòng tranh Đông Dương hiện nay” nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi khẳng định.

TheoBaoquocte.vn

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.