'Người nhái' kéo cáp ngầm xuyên biển ra đảo Trần

7:02:00 SA

 



QUẢNG NINHThạch Thái Phong, 43 tuổi, mỗi ngày lặn dưới đáy biển khoảng 2 tiếng để thi công cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần, huyện Cô Tô.

Đảo Trần là hòn đảo xa đất liền nhất của Quảng Ninh, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 12-15 hải lý. Việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo là mong ước hàng chục năm nay của người dân và chính quyền tỉnh.

Để thực hiện nhiệm vụ, từ tháng 1, Phong, quê Sóc Trăng và đội thợ lặn gồm 20 người được chia làm hai nhóm, mỗi nhóm làm việc 6 tiếng luân phiên cả ngày lẫn đêm. Vật dụng cho thợ lặn gồm kính, giày, quần áo giữ ấm bó sát người, bình dưỡng khí. Qúa trình lặn, thợ sẽ được bơm khí từ sà lan xuống bằng ống thở.

Nhiệm vụ của thợ lặn là kiểm tra đèn, camera, độ sâu của cáp, xem robot hoạt động có ổn định không, báo tín hiệu lên trên để kỹ thuật điều chỉnh. Robot làm nhiệm vụ xẻ rãnh rộng dưới đáy biển khoảng 30 cm, sâu 1,5 m để chôn cáp. Robot cày rãnh đến đâu sẽ đặt cáp đến đấy, phía sau đất và cát sẽ vùi đến đó.

"Gặp phải khu vực có đá không chôn cáp được, chúng tôi sẽ dải cáp dưới đáy biển rồi bảo vệ bằng các rọ đá", anh Phong nói. Mỗi lần lặn xuống biển thi công gồm hai người, thợ lặn chính và phụ, làm việc khoảng một tiếng rồi lên, cặp khác lại xuống thay ca.

Thợ lặn Thạch Thái Phong, thi công cáp ngầm xuyên biển ra đảo Trần. Ảnh: Phạm Tăng

Thợ lặn Thạch Thái Phong thi công cáp ngầm xuyên biển ra đảo Trần. Ảnh: Phạm Tăng

Cũng là người đầu tiên tham gia kéo cáp ngầm xuyên biển ra đảo Cô Tô năm 2013, anh Phong đánh giá, thi công cáp ngầm ra Cô Tô gặp nhiều khó khăn hơn vì có nhiều bãi đá. Với đảo Trần, chỉ khu vực cách đảo khoảng một km mới có đá nên rất thuận lợi.

"Quá trình thi công chỗ sâu nhất khoảng 20 m. Vùng biển ở Quảng Ninh có hai nguồn nước rõ ràng, khi đang ở trên bờ khoảng 30 độ, nhưng khi lặn xuống dưới đáy chỉ còn gần 20 độ. Nhiệt độ chênh lệch cao nên hay mất sức", anh Phong nói.

Nghề lặn nguy hiểm nhất là ở mực nước cạn 6-7 m. Anh Phong giải thích vì mực nước này bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Nếu đang lặn mà có tàu chạy bên trên sẽ gây ra tiếng động rất lớn. Thợ lặn nào yếu sẽ bị ảnh hưởng đến tim.

Nếu lặn sâu, sợ nhất cấp khí xảy ra sự cố hoặc các trường hợp vướng phải dây dợ, mảnh lưới trôi dưới đáy biển mà thợ lặn không quan sát được do nước đục. Những vật này vướng vào quần áo cũng rất nguy hiểm.

Anh Ngô Minh Vương, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công hạng mục cáp ngầm xuyên biển, cho biết hạng mục cáp ngầm dưới biển dài hơn 13 km, kết nối từ trạm VT29 thôn 2, xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái ra đảo Trần.

Các thiết bị máy móc để phục vụ thi công gồm tàu lai dắt, sà lan công suốt lớn, tời neo, hệ thống định vị dẫn đường, cày cáp, xe cẩu, đầu xẻ phá đá, dàn máy thổi tạo rãnh... Gần 100 cán bộ công nhân, trong đó có 20 thợ lặn, tham gia thi công.

"Chúng tôi làm việc 24/24h. Quá trình thi công diễn ra thuận lợi vì tránh được mùa mưa bão. Điều quan trọng nhất phải có sự kết hợp nhịp nhàng giữa các thợ lặn với đội ngũ kỹ thuật trên sà lan", anh Vương nói.

Thi công cáp ngầm xuyên biển ra đảo Trần. Ảnh: Đỗ Phương

Thi công cáp ngầm xuyên biển ra đảo Trần. Ảnh: Đỗ Phương

Theo anh Vương, quá trình sản xuất lõi và thử nghiệm dây cáp tại Tây Ban Nha, sau đó hoàn thiện cáp và thử nghiệm hoàn tất tại Na Uy. Cáp được vận chuyển từ cảng Drammen, Na Uy đến cảng Cái Lân, Quảng Ninh trên tàu vận chuyển viễn dương. Các dải băng màu đen và vàng được quấn bên ngoài cáp để nhận biết dễ dàng và quản lý cáp cũng như theo dõi kiểm tra cáp bằng các máy quay ROV. Đây cũng là lớp ngụy trang để tránh các sinh vật biển tấn công sợi cáp.

Ngày 2/9, đảo Trần, nơi có 12 hộ dân sinh sống được đóng lưới điện quốc gia sau 8 tháng thi công. Người dân vui mừng vì được dùng điện lưới thay vì máy phát điện với tiếng máy nổ ồn ào như trước đây.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng thôn đảo Trần, cho biết vợ chồng chị là hộ dân đầu tiên đặt chân lên đảo sinh sống từ năm 2006. Chị vẫn nhớ những đêm dài mò mẫm dưới ánh đèn măng xông, đèn dầu để sinh hoạt qua ngày. Sau này dân cư trên đảo đông đúc hơn, mọi người chuyển sang dùng máy phát điện. "Có điện lưới rồi, chúng tôi không phải dùng máy phát nữa, chi phí sẽ rẻ đi", chị Cảnh nói.

Đảo Trần ở Quảng Ninh có điện lưới quốc gia

Đảo Trần, điểm xa đất liền nhất tỉnh Quảng Ninh với 12 hộ dân sinh sống được đóng lưới điện quốc gia ngày 2/9.

Điện lưới quốc gia được đưa từ xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái ra đảo. Dự án được khởi công từ tháng 1, tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.

Quy mô dự án gồm xây dựng mới gần 20 km đường dây trung áp 22 kV, trong đó có trên 13,5 km cáp ngầm dưới biển và gần 7 km đường dây trên không; xây 3 trạm biến áp với tổng công suất 460 kVA, 3,2 km đường dây hạ áp 0,4 kV và 65 công tơ đo đếm điện.

Thi công cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thi công cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần. Ảnh: Đỗ Phương

Trước đó năm 2016, để chuẩn bị đủ điều kiện kết nối điện lưới quốc gia từ đảo Vĩnh Thực ra đảo Trần, Điện lực Quảng Ninh đã thi công mở rộng lộ xuất tuyến, xây dựng mới đường dây, cáp ngầm trên cạn, cáp ngầm xuyên biển từ TP Móng Cái ra đảo Vĩnh Thực với tổng vốn đầu tư 197 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định việc đầu tư xây dựng điện lưới quốc gia cho đảo Trần có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dự án hoàn thành giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, là hòn đảo xa đất liền nhất của Quảng Ninh, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 12-15 hải lý. Ngoài các đơn vị quân đội, biên phòng, trạm radar, hiện đảo có 12 hộ dân với 55 nhân khẩu. Đây đều là gia đình thanh niên ra lập nghiệp, sinh sống bằng nghề đánh bắt, thu mua hải sản.

Minh Cương(TheoVNexpress)

g

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.