CÓ THỂ TÔI BỊ CHỬI

7:03:00 SA


 CÓ THỂ TÔI BỊ CHỬI

Tôi cũng nhận thấy điện tái tạo như thủy điện nhỏ, như điện mặt trời, như điện gió đều rất tốt. Cũng như mọi người, tôi cũng cổ súy cho việc phát triển nguồn điện này. Nhưng, có một số người một khi đã chê thì chê thái quá, và khi đã khen thì cũng khen thái quá.
Bà con mình chê điện than, điện đốt bằng dầu, khí rồi đến điện nguyên tử đều có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khủng khiếp đến sức khỏe người dân, nhất là điện hạt nhân. Thế là phản đối rầm rộ.
Đến lượt khen, sướng nhất là phát triển điện mặt trời, chẳng phải đầu tư nhiều, chẳng dùng nhiên liệu nên cứ thoải mái mà phát triển. Cũng đúng!
Nhưng thói đời, khi người ta thích cái gì thì người ta chỉ nói mặt ưu điểm của nó, quên mất mặt bên kia nó còn chứa đựng những khuyết điểm nữa. Tôi không nói các ưu điểm của các nhà máy dùng nhiên liệu hóa thạch, để tránh bị người đời phê phán, nói dân giã là bị người đời chửi!
Tôi biết khi nói ra thì thế nào cũng bị chửi, nhất là những nhà đầu tư đang chạy theo lợi nhuận cao mà điện mặt trời (solar energy) mang lại, rồi đến các nhà lập chính sách cũng chửi. Song tôi thích thế.
Trong năng lượng tái tạo, xin chỉ đề cập đến năng lượng mặt trời.
Theo như kế hoạch phát triển điện từ nay đến năm 2035, nhà máy điện mặt trời sẽ có các loại với công suất như sau:
Trên mặt đất: 309 GW
Trên mặt nước: 77 GW
Trên mái nhà: 48 GW
[Chú thích: 1 GW (giga-watt) = 1 triệu kW; 309 GW = 309.000 MW = 309 triệu kW]
Điện trên mặt nước, trên mái nhà là các tấm pin mặt trời (solar panel) được lắp đặt trên đó. Thôi kệ. Ta nói về các dự án điện mặt trời trên mặt đất.
Có thể bạn chưa biết. Một nhà máy nhiệt điện đốt bằng dầu như nhà máy điện Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh, có công suất lắp đặt là 165 MW, nó chiếm một diện tích đất là 15 Ha. Cứ cho là 10 MW/1 Ha, mỗi năm có 8.760 giờ, trừ đi các thời gian tiểu, trung, đại tu thì bình quân nhà máy hoạt động 4.000 giờ/năm.
Trong khi đó, để có 1 MW điện mặt trời ta cần một diện tích đất là 1 Ha (gấp 10 lần nhiệt điện dầu). Trong những năm tới, nếu ta phát triển đủ 309 GW (tức là 309.000 MW), đương nhiên phải dành cho nó một diện tích đất 309.000 Ha. Những nhà đầu tư bảo tập trung đầu tư ở Nam trung bộ và Nam bộ, nơi đó có độ bức xạ cao, mà đất đai lại sẵn, đặc biệt là vùng Ninh Thuận, Bình thuận đất đai không được mầu mỡ! Nếu tôi không nhầm, cái nước Do Thái Israel còn trồng rau củ trên đất sa mạc thì sao nhỉ?
Một khi đã chỉ nói đến mặt tốt của điện mặt trời, người ta quên hoặc cố tình không nói cho chúng ta biết một thực tế, rằng cái solar panel ấy không phải là vĩnh cửu. Nếu nhập từ nước có công nghệ thấp thì tuổi thọ của nó đâu là 20-30 năm, nơi có công nghệ tiên tiến thì dài hơn nhưng phí đầu tư sẽ cao hơn. Khi các tấm pin đó hết hạn xử dụng, sẽ là một nguồn chất thải chẳng sạch sẽ gì đâu, vì nó không tự phân hủy được. Chi phí xử lý những tấm pin này khoảng 200 EUR/tấn.
Rôi đến các “cục” pin (như bình ac-quy) tích trữ năng lượng (điện). Vì dòng điện từ các solar panel, phát ra là điện một chiều, điện áp tính bằng watt (1.000 watts = 1 kW), cho nên nó cần bộ phận tích điện năng, đó là các “cục pin” Li-ion, như trong các bình ac-quy xe hơi cần có acid vậy. Để xử lý chất thải bỏ Lithium-ion, phải tốn 5.000 USD/tấn. Mà các cục pin tích điện này có tuổi thọ tính bằng năm chứ không phải mấy chục năm như tấm solar panel.
Nói sơ sơ như vậy để đừng ai cứ nghĩ rằng, điện mặt trời là sạch lắm. Song cũng nên làm để tận dụng nguồn năng lượng sẵn có của một nước nhiệt đới như ta (đặc biết là ở miền trung và miền nam), song không phải nó có ưu điểm tuyệt đối.
Chưa kể đâu, thời gian hoạt động của một solar panel chỉ giới hạn khi trời có nắng và còn nắng, cho nên người ta tính công suất điện mặt trời là watt peak (Wp), tức là công suất tối đa (lúc bức xạ cao nhất) mà ta đạt được. Chứ không như những nguồn điện khác, công suất hoạt động của nó có thể ổn định suốt năm suốt tháng, bất kể ngày hay đêm, miễn là cho nó ăn đầy đủ (nhiên liệu hoặc nước).
Xin nhắc lại là tôi không phản đối phát triển nguồn điện mặt trời (hơn nữa với vị trí của một thường dân có phản đối thì ai nghe?), song sự trung thực là cần thiết, có tốt nói tốt, có dở nói dở. Tôi sẽ bị chửi, song tôi thích thế!
Hình trong bài: Một dự án điện mặt trời.
Phạm Tiến Khoa

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.