Người vợ Sài Gòn nửa đời chấp nhận chồng mình thành phụ nữ
Người vợ Sài Gòn nửa đời chấp nhận chồng mình thành phụ nữ
Chiều mưa, bà Hai đứng ngóng chồng về, “sợ ông ấy bị ướt”, dù “ông ấy” đã bơm ngực, bơm mông để giống con gái từ lâu.
Ở tuổi 76 tuổi, ông Ngô Văn Sang (tên nữ là Trang Kim Sa) ở trọ trong căn phòng tồi tàn, ẩm thấp rộng chỉ 12m2 (ở khu phố 4, Phường Linh Xuân, Quận Thủ Đức, TP HCM) với người từng là vợ mình, bà Hai, 67 tuổi. Mấy năm nay, dù trời nắng hay mưa, chân khập khiễng, đầu đội mũ lưỡi trai, ông đi khắp nơi bán vé số kiếm ngày 100 ngàn đủ lo cho cuộc sống hiện tại. Chẳng để dành được tiền, tài sản cũng không có, ông để mặc cho tương lai may rủi.
Giờ nghỉ trưa, ông nằm xem lại những chương trình truyền hình thực tế có các nghệ sĩ tham gia, miệng cười tủm tỉm. Ngoài trời nắng chang chang, căn phòng vốn đã chật còn chứa hai chiếc giường, hai chiếc ti vi, quần áo, xoong nồi treo lỉnh kỉnh trở nên bức bối hơn. Ông Sang bảo mình thích nghe tin tức, chuyện bốn phương, bóng đá, còn bà Hai thì thích xem phim, vì thế, mỗi người một chiếc ti vi cho khỏi tị nhau. Hai chiếc giường là thế giới riêng của mỗi người.
"Đồ dùng thì vậy, nhưng ăn uống, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa chúng tôi hỗ trợ nhau", ông Sang nói. Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng, hai người cùng dậy, vệ sinh cá nhân xong, bà Hai nấu ăn sáng, ông Sang cho chó, mèo ăn rồi cùng nhau đi làm. Trưa về, người đi chợ, người nấu ăn, rồi vui vẻ cùng nhau dùng bữa.
Ông Sang khoe, vừa rồi đã cùng bà Hai tham gia chương trình "Mãi mãi thanh xuân" và được nhận cúp của ban tổ chức. Ảnh: P.T.
|
Ông Sang kể, ông là con trai út trong một gia đình ở quận 1. 14 tuổi, Sang đã nhận thức rõ mình chỉ thích là phụ nữ. Cậu thích mặc những bộ váy đẹp, để tóc dài và thích chơi với con trai nhưng sợ bị dị nghị nên không bộc lộ ra bên ngoài.
Những năm sau đó, Sang đi học đại học, đi nghĩa vụ quân sự, rồi vào làm việc trong ngành không quân tại Sài Gòn. Gần nhà có cô gái Lê Thị Kim Ngân (thường gọi là Hai), 16 tuổi, phụ bán quán cà phê. “Hồi đó, ông ấy cao lớn, da trắng, nói chuyện nhẹ nhàng, hay qua quán uống nước, hay hỏi thăm, nói chuyện với tôi. Tôi bị bệnh, ông ấy mua thuốc cho uống. Nhà có vựa trái cây, trái gì ngon là ông ấy mang sang cho tôi”, bà Hai nhớ lại.
Dù trong sâu thẳm lúc này, Sang chỉ muốn mình là một cô gái, được xúng xính áo quần, đi giày cao gót, nhưng anh không dám đối diện với sự thật: “Suy nghĩ của tôi lúc đó là lấy vợ, sinh con để làm bình phong che giấu con người thật. Bà Hai khi ấy lại thật thà, nhanh nhẹn, dễ gần, nên tôi thấy yên tâm”.
Năm 1978, được sự tán thành của hai gia đình, Sang và bà Hai thành vợ chồng, không tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn. Một năm sau, họ đón con gái chào đời.
Trang Kim Sa (áo đen, bên phải) bên người bạn lúc còn theo các đoàn lô tô đi hát. Ảnh: NVCC.
|
“Có con rồi, khát khao được làm phụ nữ trong tôi càng cháy bỏng. Ngày đi làm, phụ vợ chăm sóc, giặt giũ tắm rửa cho con, đêm đến tôi đi gặp mấy đứa bạn cùng cảnh tận sáng hôm sau mới về”, ông Sang nhớ lại.
Thấy chồng đêm nào cũng vắng nhà, người vợ ban đầu nghĩ chắc anh ấy đi làm, kiếm thêm tiền nuôi vợ con, hay kiêng cữ cho vợ sau sinh. Con gái được 5 tuổi, Sang thổ lộ mong muốn là phụ nữ cho vợ nghe.
Bà Hai ban đầu không tin, cho rằng chồng nói xàm. Nhưng vài lần bắt gặp ông tay trong tay với đàn ông, cùng những lần bị cự tuyệt tình cảm, bà bắt đầu ngợ ra. Bà bế con gái về quê sống cùng bố mẹ. Còn Sang bỏ việc, bán căn nhà bố mẹ cho để đi theo con đường ca hát.
Năm 1983, bước qua tuổi 44, Sang bắt đầu để tóc dài, mua các bộ đồ con gái, đổi tên nữ là Trang Kim Sa, theo các đoàn hát đi diễn khắp nơi, dọc Nam chí Bắc. Bao nhiêu tiền làm ra, Sa đổ hết vào quần áo, phấn son và việc làm đẹp. “Tôi cùng mấy đứa bạn mua silicon về tự tiêm vào ngực, mông, môi rồi má. Nhưng tôi may mắn, chỉ tiêm một lần duy nhất và giữ được mạng sống. Mấy đứa khác, đứa bị biến chứng, đứa chết sau khi tiêm”, ông Sang nhớ lại.
Hơn 30 năm chồng bỏ đi, không một lời hỏi thăm, không làm tròn vai cha, bà Hai tần tảo nuôi con bằng nghề làm đầu bếp cho các quán ăn, không đi thêm bước nữa.
"Thương cho con gái lúc đó cứ nhắc đến ba, hỏi hoài ‘sao ba đi miệt vậy, khi nào ba về’, mà tui phải nói dối ba đi làm xa. Có lần, nó được vào công viên Đầm Sen chơi, thấy ông ấy hát trên sân khấu thì reo lên, nhưng chỉ gặp được chút thôi”, bà Hai nhớ lại.
"Được sống với giới tích thật của mình, sướng vô cùng, tôi chẳng nhớ phía sau mình còn có một gia đình”, ông Sang tâm sự.
Năm 2010, ông Sang bị tai biến liệt nửa người, phải nằm một chỗ ngoài Nha Trang. Đang làm việc trong quán ăn, bà Hai được đoàn hát báo tin. Mặc người nhà phản đối, bà vẫn dùng tiền tiết kiệm đi đón chồng cũ về chăm sóc. “Ông ấy chẳng còn ai bên cạnh cả. Tôi thì già rồi, dù gì cũng có với nhau một đứa con”, bà Hai bảo.
Hai năm sau, ông Sang khỏi bệnh, đi lại được. Thấy thu nhập từ nghề giúp việc nhà của bà Hai không đủ cho các chi phí sinh hoạt, ông Sang tập tành đi bán vé số kiếm thêm. “Ở nhà hoài một chỗ mệt lắm. Rong ruổi khắp nơi bán từng tờ vé số, có tiền, phụ bà ấy đóng tiền nhà, phụ thêm khoản chợ búa, mình cũng vui”, ông nói.
Ông Sang với nét mặt đậm chất nữ tính. Ảnh: P.T.
|
Từ năm 2012 đến nay, bà Hai sống với chồng như hai bà bạn tri kỉ cuối đời. 5 giờ chiều, ngoài trời mưa tầm tã. Nấu xong bữa cơm vẫn chẳng thấy bạn già về, bà Hai cứ ngóng ra ngóng vào. “Không biết ông ấy có bị mắc mưa không”, bà lo lắng.
Sống xa bố mấy chục năm, nhưng con gái họ, chị Ngô Thị Thụy Lân Sơn (39 tuổi, đang làm quản lý cho một nhà hàng tại quận 1), vẫn không một lời trách cha. Chị cho biết 14 tuổi đã nghe mẹ kể chuyện về ba và biết rằng ông đang đi làm xa. Lớn hơn một chút, tự tìm hiểu về cuộc sống của người chuyển giới, chị nghĩ rằng ba mình là một người không may mắn.
“Trước đây, tôi trách ba vì đã bỏ mình mà đi. Nay đã có gia đình riêng và hai đứa con, tôi hiểu rằng, bố mẹ bỏ con đi là có nỗi khổ tâm riêng. Bây giờ, tôi chỉ mong cả ba và mẹ sống vui vẻ, mạnh khỏe bên nhau. Tôi vẫn gọi ông là ba. Các con tôi vẫn gọi là ông ngoại”, chị Lân Sơn nói.
Ông Trần Phan Thương, công an phụ trách khu phố 4, phường Linh Xuân và bà Ba Kiều (74 tuổi) chủ khu trọ bà Hai đang thuê cho biết, bà Hai và ông Sang đã sống cùng nhau hơn 5 năm nay. “Tôi đăng ký tạm trú cho ông Sang là giới tính nam, tên Ngô Văn Sang. Tôi và những người hàng xóm khác cứ gọi là ông Sang bán vé số. Nhìn bên ngoài ông ấy đẹp như phụ nữ, nhưng tôi không hỏi về quá khứ. Ông ấy hiền lành, sống khép kín, ít giao lưu với người xung quanh”, bà Ba Kiều nói.
Hiện nay, ông Sang đã bỏ hết những bộ đồ con gái, chuyển sang mặc đồ nam. Mái tóc đen dài ngày xưa cũng rụng hết, chỉ còn lưa thưa những sợi ngắn, bạc. Việc làm đẹp, ông cũng bỏ mặc. Người ngoài nhìn kỹ mới nhận ra ông là người chuyển giới với cặp lông mày, mí mắt được xăm đen, đôi môi hình trái tim và làn da sáng bóng, căng mọng.
“Trước đây, tôi rất khát khao được làm con gái. Còn bây giờ, tôi già rồi, chỉ mong có sức khỏe, sống vui vẻ là được. Ai gọi tôi là bà, là ông cũng được”, ông Sang nói.
Khác với người đồng tính, người chuyển giới là người có giới tính mong muốn khác với giới tính lúc sinh ra.
Phan Thân (Theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét