'Yểm trinh nữ' giữ kho vàng trong ngôi mộ khổng lồ ở Quảng Ninh
by DI
2:35:00 CH
Read
Bạn có biết
2:35:00 CH
Ly kỳ chuyện 'yểm trinh nữ' giữ kho vàng trong ngôi mộ khổng lồ ở Quảng Ninh
Theo ông Thinh, anh chàng soi ếch chui vào hầm mộ lấy vàng và đã gặp 'trinh nữ', tức thần giữ của và bị ám hại, mới bị tâm thần như thế.
Sau loạt bài về những lăng mộ khổng lồ trong lòng đất ở vùng Hải Dương, phóng viên nhận được thông tin, ở Quảng Ninh cũng có một ngôi mộ khổng lồ, hiện nằm dưới… đống rơm trong vườn nhà dân.
PV đã tìm về xã Song Khoai và ngạc nhiên khi phát hiện ngôi mộ khổng lồ, như biệt thự trong lòng đất.
Loạt bài mộ khổng lồ trong lòng đất ở Hải Dương
Kỳ 6 (kỳ cuối): Kỳ quan mộ gỗ hình cũi trong lòng đất
Vùng đất lăng mộ
Thôn 5, xã Song Khoai (Yên Hưng, Quảng Ninh) nằm dưới chân một dãy núi thấp đột khởi khỏi cánh đồng. Người dân gọi quả núi đó là Dốc Ngắn. Vốn có chút hiểu biết về mộ Hán, đứng từ xa, nhìn dãy núi thấp mọc lên giữa cánh đồng ấy, tôi chợt nhớ tới lời của nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương rằng, dọc vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, cứ giữa cánh đồng mà có gò đống, thì nhiều khả năng dưới đó có mộ Hán. Gò đống càng to, thì khả năng mộ càng lớn.
Những dải núi dọc Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương), kéo dài xuống vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng), rồi dọc dải Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh), tiếp giáp với đồng bằng, là nơi có rất nhiều mộ Hán vĩ đại. Rất nhiều công trình mồ mả kỳ vĩ, bí ẩn, thậm chí có cả cổ vật quý, còn chìm dưới lòng đất, chưa được khai phá. Vậy nên, đứng từ xa, nhìn quả núi đất đỏ au ấy trồi lên khỏi cánh đồng, tôi tin rằng, nơi đây người xưa sẽ đặt mộ rất nhiều, thậm chí, sẽ có những lời đồn đại, những huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn về mộ Hán.
Vừa vào làng, gặp người đàn ông chở thóc đi xát, hỏi chuyện ngôi mộ xây hình vòm khổng lồ (người dân vùng quê thường chỉ gọi mộ Hán là mộ vòm, vì xây hình vòm cuốn), anh này bảo: “Mộ xây như cái cống phải không? Ở đây nhiều lắm. Ngay cạnh nhà tớ cũng có 3 ngôi, một ngôi trong sân nhà tớ luôn”.
Nghe lời giới thiệu của anh thật hấp dẫn, tôi liền theo anh về nhà. Anh là Đinh Văn Thắng, quê gốc ở xã Hiệp Hòa, kế bên. 10 năm trước, xã Song Khoai có dự án xây dựng khu văn hóa thiếu nhi, đặt tại xóm 5, nên đã san gạt khoảnh đất rộng. Còn thừa nhiều đất, nên chia lô bán cho dân. Anh Thắng đã mua một mảnh. Hồi anh chuyển về, thì khu văn hóa cũng khởi công xây dựng.
Theo lời anh, chỉ đào khu đất xây ngôi nhà, mà phát hiện tới 3 ngôi mộ vòm rất lớn trong lòng đất. Hồi đó, các nhà khoa học ùn ùn về nghiên cứu, thu gom di vật, rồi đi hết. Nhân dân phá bỏ mộ, xây dựng nhà văn hóa, rồi khu mộ cổ bị quên lãng.
Thời điểm đó, anh Thắng cũng đào móng xây nhà, thì trúng ngay vòm cuốn. Anh kêu thợ đào rộng ra, nhưng đào rộng đến 50 mét vuông, vẫn chỉ thấy nóc ngôi mộ. Biết rằng, đây là ngôi mộ khổng lồ, nên anh lấp lại, không đào nữa, mà xây nhà lùi về phía sau. Ngôi mộ lớn đó hiện giờ vẫn nằm dưới sân và bức tường nhà anh.
Anh Thắng bảo, rồi đào mở rộng, xuyên cả ra ngõ, thì lại chạm ngay ngôi mộ vòm cuốn nữa ở dưới ngõ. Một ông trong xóm đục lỗ chui vào, lấy được cái hũ rất đẹp, đừng tàn tro và than đen. Ông này đổ hết than tro, rồi mang hũ về. Sau, chính anh Thắng cùng người dân trong vùng lấp ngôi mộ lại, để người chết đỡ tủi.
Theo lời anh Thắng, khu vực này có thể từng là nghĩa địa khổng lồ, nên đào chỗ nào cũng sẽ thấy mộ vòm cuốn thời xưa. Anh cũng không biết đó là loại mộ gì, chỉ biết rằng, người dân Thôn 5 thường gọi là “Hố Vàng”, bởi họ tin rằng, người Tàu xây dựng những công trình đó để… chôn vàng.
Tôi hỏi về ngôi mộ khổng lồ ở phía chân núi, anh Thắng bảo: “Mình mới về đây nên không nắm rõ, chưa tận mắt, nhưng người dân ở đây, đặc biệt các cụ già kể nhiều chuyện ly kỳ về Hố Vàng lắm. Mình cũng chỉ nghe vậy, và biết vậy, chứ không nắm được gì”. Anh Thắng chỉ đường cho tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng thôn 5.
Ngôi mộ khổng lồ
Hỏi ông Nguyễn Quang Vinh, ông Vinh xác nhận có… Hố Vàng ở ngay chân núi và nhiệt tình dẫn tôi đến tận nơi. Tôi khá bất ngờ, khi Hố Vàng lại nằm ở chái bếp nhà dân. Miệng Hố Vàng được xây quây lại bằng gạch và đổ nắp bê tông. Phía trên nắp bê tông là đống rơm. Ngay cạnh là gốc cây buộc trâu, phân trâu bốc mùi xú uế.
Một cô gái trẻ bụng to, giới thiệu là con gái chủ nhà, về thăm mẹ đẻ ra tiếp khách. Cô bảo, hồi còn nhỏ đã nghe các cụ kể đó là Hố Vàng, chỗ người Tàu chôn vàng. Tuy nhiên, các cụ bảo Hố Vàng đã bị yểm bùa, người ta chôn sống trinh nữ để giữ kho vàng, nên không ai dám đến. Mặc dù lớn lên cạnh Hố Vàng, nhưng đến giờ cô vẫn sợ, chẳng dám đến gần, chứ đừng nói đến chuyện chui xuống Hố Vàng ấy. Cả nhà cô ai cũng sợ.
Mấy người hàng xóm thấy chúng tôi còn chạy sang kể rằng, thường xuyên nhìn thấy một cô gái mặc áo trắng, da trắng muốt, tóc đen, mắt đỏ, ngồi trên nắp Hố Vàng. Có đêm còn thấy cô gái ấy bay lượn trong vườn nhà mình. Trẻ con ở quanh xóm đều được nghe chuyện về ma nữ trông giữ Hố Vàng, nên tuyệt nhiên không dám bén mảng đến gần.
Tôi dọn đống rơm chất trên nắp bê tông, thì lộ ra nắp hầm. Nhấc chiếc nắp bê tông, hố sâu hun hút, tối đen như mực hiện ra. Ông Vinh sai mấy thanh niên trong xóm đi kiếm chiếc thang dài cùng chiếc đèn pin để tôi xuống. Ông Vinh từ chối xuống hầm mộ, bởi ông sợ dưới đó có khí độc. Khi tôi phân tích rằng, hầm mộ đã được mở từ lâu, lại có khe hở, nên khí độc nếu có sẽ đều thoát ra ngoài rồi, thì ông Vinh lại bày tỏ nỗi sợ… thần giữ của.
Việc sợ hãi hầm mộ, mà người dân gọi là Hố Vàng này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân, thành nỗi sợ mơ hồ rất khủng khiếp. Ai cũng tin rằng, Hố Vàng được trông giữ bởi một người con gái, và nếu ai xâm phạm, sẽ bị trừng phạt. Chỉ sau khi tôi tụt xuống, lại trèo lên, thấy an toàn, thì ông Vinh mới bám thang xuống cùng.
Tôi đã từng cùng các nhà khảo cổ khai quật, nghiên cứu nhiều ngôi mộ Hán, từng nhiều lần về xem ngôi mộ Hán được cho là lớn nhất Việt Nam, hiện trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương, song vẫn phải sững sờ trước ngôi mộ này. Lối xuống hầm mộ thực ra không phải là đường xuống, mà đỉnh vòm mộ đã bị thủng. Nhiều khả năng bị trộm xâm nhập.
Hầu hết bọn đào mồ cuốc mả, trộm cắp báu vật trong các hầm mộ đều đào từ trên xuống và xâm nhập theo đường nóc mộ cho dễ, ít phải đào bới. Chúng chọc thuốn xuống lòng đất, gặp mộ, chỉ đào một đường thẳng, phá nóc vòm cuốn là xâm nhập được vào bên trong. Điều đánh kinh ngạc là vòm cuốn ngôi mộ này cao hơn 4 mét, bằng ngôi nhà mái bằng. Đấy là chưa kể nền hầm mộ đã bị đất bồi lấp, cao lên cả mét nữa. Nếu nạo vét nền, thì ngôi mộ còn cao hơn nhiều. Từ vòm cuốn này, các hầm mộ, các vòm cuốn ngang dọc mở ra như thể ma trận.
Theo TS. Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, hầm mộ này được xây dựng bởi hàng vạn viên gạch cỡ lớn.. Tất cả gạch xây đều có in hoa văn nổi trên các cạnh khiến hầm mộ như một bức tường phù điêu lộng lẫy. Hầm mộ gồm ba gian lớn. Gian chính giữa hình chữ nhật, mỗi chiều 3-4m. Các tường cạnh của gian này được xây thẳng đứng rồi thu dần vào tạo thành một đỉnh vòm bốn múi hình thót nhọn, tạo thành một lỗ thoát hồn lên trời.
Như vậy, lối xuống hầm mộ từ đỉnh múi hình thót nhọn này do bị trộm phá để đột nhập, hay là lỗ thoát hồn của kiến trúc, còn là vấn đề tiếp tục nghiên cứu. Cũng theo tiến sĩ Việt, đây là một kiểu hầm mộ quý tộc xây theo kiến trúc xếp gạch giật cấp rất điêu luyện, bắt đầu phổ biến vào thời Đông Hán. Ngôi mộ được cho là của Tào Tháo vừa mới phát hiện ở Hà Nam (Trung Quốc) cũng được xây dựng theo kiến trúc tương tự, chỉ khác ở số lượng gồm tới hai vòm và bốn phòng nhánh vòm cuốn ở hai bên.
Tại hầm mộ mà người dân gọi là Hố Vàng này, hai phía bắc, nam của gian vòm cao chính giữa người xưa làm thêm hai gian vòm cuốn nữa. Gian chính ở phía nam dài gần 6m, rộng khoảng 2m, cao 2m là nơi đặt quan tài chủ nhân, gian kia dài 2m rộng 2m, cao 2m là nơi chứa đồ tùy táng. Ở mỗi gian đều có một ngách cổng phụ cao và rộng mỗi chiều 1m. Mặc dù đã bị trộm xâm nhập nhiều lần, song đồ tùy táng vẫn còn khá nhiều ở ngách cửa phụ gian chính giữa. Nền các gian được lát gạch chéo chứ không song song với chiều tường hầm mộ, có nơi dày tới ba lớp gạch.
Hố Vàng yểm trinh nữ?
Ông trưởng thôn Nguyễn Quang Vinh dẫn tôi đến nhà ông Đinh Văn Thinh, là một trong số những người đầu tiên đến khu vực chân núi Dốc Ngắn. Vợ chồng ông Thinh sống trong ngôi nhà nhỏ, cũ nát, xây dựng từ thập kỷ 70. Dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn tinh tường đục đẽo, đóng đồ gia dụng. Thập kỷ 70, khu vực này hoang vu, không có người ở. Năm 1978, ông cùng một số hộ gia đình lên đây khai hoang, lập làng. Theo ông, quả núi này rộng rãi, đất đai màu mỡ, nhưng xưa kia người dân không dám ở là bởi họ tin rằng quả núi bị yểm bùa.
Theo lời truyền miệng, xưa kia, người Tàu chọn quả núi Dốc Ngắn làm nơi tích trữ vàng bạc, của cải mà họ vơ vét, cướp bóc được của người Việt. Để cất giữ của cải, họ đào nhiều hầm ngầm trong lòng núi, rồi yểm thần giữ của vào những vị trí cất giữ kho báu.
Những cô gái chết trẻ thường rất thiêng, nên đối tượng được chọn làm thần giữ củ là các trinh nữ tuổi từ 13 đến 18. Chỉ có những trinh nữ mới đảm bảo độ thuần khiết và sự linh thiêng. Người Tàu thường mua các cô gái này từ nhỏ, rồi nuôi đến lớn, hoặc họ sẽ lập ra màn kịch cưới vợ lẽ, nhưng thực ra là để làm thần giữ của. Những cô gái xinh đẹp thì càng tốt, bởi khi họ bị chết oan, thì nỗi ẩn ức càng lớn, và như thế bùa càng thiêng. Cô gái được chăm sóc đặc biệt ở một chỗ riêng, tuyệt đối không tiếp xúc với đàn ông. Trước khi đưa đi yểm, họ sẽ được tắm rửa sạch sẽ, sức dầu thơm, ăn đồ chay tịnh. Cô gái sẽ được đưa lên kiệu và được quân lính khiêng đến căn hầm đã xây dựng sẵn.
Để tránh việc cô gái phản kháng, họ cho uống thuốc loại thuốc gây tê, khiến không thể cử động được, không nói được, mặc dù vẫn mở mắt, tỉnh táo. Cô gái sẽ được đặt nằm trong quan tài. Phù thủy làm lễ, rồi nhét miếng sâm vào miệng. Phù thủy sẽ sử dụng phép thuật để cô gái sống được đúng 100 ngày mà không phải ăn uống gì. Cô gái phải sống trong cảnh chờ chết, rất oan ức, tuyệt vọng, hận thù, nên khi chết sẽ biến thành thần giữ của. Lúc này, chỉ những người biết thần chú, thần giữ của cho phép, thì mới vào được. Bất kỳ ai cố tình xâm phạm vào kho giữ của, thì đều mất mạng, hoặc tâm thần điên loạn. Nếu vì lý do nào đó mà lấy được của, thì thần giữ của cũng sẽ đeo bám, hành hạ đến khi trả lại thì thôi. Đó cũng là lý do mà người dân ở đây đồn thổi thi thoảng vẫn nhìn thấy cô gái mặc áo trắng lởn vởn ở khu vực Hố Vàng.
Theo lời ông Thinh, dọc quả núi Dốc Ngắn có vài điểm chôn của bị yểm bùa. Tuy nhiên, nhiều đời nay, nhiều người tìm cách chiếm hữu song không thành công. Các cụ còn đồn rằng, Hố Vàng ở núi Dốc Ngắn nối với đồi Nhớ Lùn, đồi Na bằng các đường hầm chạy sâu trong núi. Sau này, khi người dân vào đây khai hoang, thì phát hiện thêm hầm mộ khổng lồ ở cả đồi Nhớ Lùn và đồi Na.
Vào đầu thập kỷ 70, người dân trong vùng gặp toán người Tàu sang, cầm theo bản đồ, thuê người ở nơi khác đến đào bới nhiều ngày. Người dân tin rằng, họ là con cháu của người Tàu xưa, mang bản đồ và gia phả sang đây lấy kho báu về. Nghĩ rằng, người Tàu đã giải bùa, nên năm 1978, người dân mới dám vào khai hoang. Vào năm 1979, khi đào rãnh thoát nước từ trên núi xuống, thì phát hiện ngôi mộ gạch khổng lồ, còn gọi là mộ Hán ở thôn 5.
Người dân tin rằng, “lâu đài” dưới lòng đất chính là nơi cất giữ kho báu của người Tàu, nên nhân dân đã chui vào hầm mộ đào bới, tự ý lấy đi rất nhiều đồ vật trong mộ. Người dân vẫn còn đồn rằng, người nọ, người kia lấy được hũ vàng, tượng đồng đen, chum tiền cổ, ngọc quý… tuy nhiên, có một điều lạ, là những người bị đồn lấy được của, hiện đều sống trong nghèo khó. Nhiều gia đình còn gặp tai ương suốt từ đó đến nay.
Khi đó, ngay cả chính quyền cũng nghĩ rằng, đây chính là Hố Vàng, là Hố Của, là nơi cất giữ của cải của người xưa, nên đã ra sức canh giữ, bảo vệ ngày đêm. Thế nhưng, một đêm, người đàn ông chuyên soi ếch ở xã cạnh đã tổ chức một nhóm người xâm nhập vào ngôi mộ trong một đêm mưa gió để đánh cắp của cải. Không rõ nhóm người này có lấy được gì từ mộ hay không, nhưng anh chàng soi ếch kia từ một người khá ranh mãnh bỗng bị tâm thần. Anh này suốt ngày đi lang thang và nhìn đâu cũng thấy “ma nữ” mặc áo trắng (?!). Theo ông Thinh, anh này vào hầm mộ và đã gặp “trinh nữ”, tức thần giữ của và bị ám hại, mới bị tâm thần như thế.
Trông giữ Hố Vàng một thời gian, thì chính quyền cũng đã tự tổ chức đào bới, nhưng không tìm được vàng bạc, kho báu nào, mà chỉ lấy được một số đồ tùy táng.
Lời đồn về trinh nữ bị yểm bùa trong Hố Của khiến người dân trong vùng sợ hãi, không ai dám xâm phạm nữa, nên ngôi mộ bỏ không từ bấy đến nay mà không ai dám vào.
Vào năm 2002, xã Song Khoai san gạt mặt bằng xây nhà văn hóa thiếu nhi và trường học, phát hiện khá nhiều mộ gạch, nên đã thông báo với cấp trên. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cùng TS. Nguyễn Việt được mời về xem xét, khai quật. Ông Việt đã khảo sát núi Dốc Ngắn và được người dân chỉ đến Hố Của.
TS. Nguyễn Việt đã sững sờ khi tận mắt ngôi mộ Hán khổng lồ, còn khá nguyên vẹn trong vườn nhà dân. TS. Nguyễn Việt đã tiến hành nghiên cứu, đo đạc, vẽ sơ đồ hầm mộ có tên Hố Của và công bố trong “Báo cáo khai quật chữa cháy mộ gạch sau Công nguyên tại Yên Hưng, Quảng Ninh năm 2002”. Ông đã trình bày tại Hội nghị Khảo cổ học, Hà Nội và tại một hội nghị về khảo cổ học ở Trung Quốc vào tháng 9-2010.
Suốt từ đó đến nay, TS. Nguyễn Việt và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á của ông liên tục về núi Dốc Ngắn nghiên cứu, tìm cách bảo quản ngôi mộ khổng lồ, đặc biệt quý hiếm này. Theo TS. Nguyễn Việt, ngôi mộ Hán khổng lồ này có niên đại khoảng thế kỷ 2 sau công nguyên, cách ngày nay hơn 1800 năm. TS. Yang Yong, chuyên gia mộ Hán Trung Quốc khi nghiên cứu hầm mộ này đã khẳng định rằng, ngay cả ở Trung Quốc cũng khó tìm thấy ngôi mộ Hán lớn và đẹp như ngôi mộ này.
Đây là ngôi mộ được trang trí rất cầu kỳ. Thống kê cho thấy có tới 100 loại hoa văn khác nhau trên các viên gạch. Nhiều viên gạch có ký tự khác lạ, khả năng là chữ cổ, chưa giải mã được. TS. Nguyễn Việt đã thu thập một số hiện vật trong mộ và đưa về Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á để nghiên cứu.
Ông đã phát hiện một hiện vật khắc chìm dưới men mỏng hai chữ “Lý thị”, tức họ Lý. Điều này có nghĩa, nhiều khả năng chủ nhân của ngôi mộ là người họ Lý, hoặc dòng họ Lý đã cúng tiến chiếc đĩa này cho người chết. Người xưa thường chia của cho người chết, nên trong các mộ Hán thường có rất nhiều đồ đạc, vật dụng, thậm chí vàng bạc, châu báu. Chính vì thế, những vật dụng thường là của người đã chết, hoặc là của người nhà.
Cũng theo TS. Nguyễn Việt, họ Lý là một trong những dòng họ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Đầu Công nguyên, họ Lý là một họ lớn của Giao Chỉ, nhiều người làm tới thứ sử Giao Châu. Họ Lý cũng nắm giữ nhiều ngành kinh tế quan trọng. Đã có nhiều đồ đồng, đồ sứ phát hiện ở Giao Châu có ghi danh “Lý thị tác”, thậm chí còn ghi rõ “Giao Chỉ Lý thị tác”.
Niên đại trên các món đồ ghi rõ họ Lý chế tác thường có niên đại từ 118 đến 145 sau Công nguyên. Như vậy, việc phát hiện chiếc đĩa gốm tráng men khắc chìm hai chữ “Lý thị” trong hầm mộ của một đại quý tộc ở xã Sông Khoai đã hé lộ một phần thông tin về lăng mộ. Việc khai quật hầm mộ này, sẽ còn làm sáng tỏ nhiều điều thú vị về thời kỳ đầu Công nguyên ở nước ta. Hy vọng chính quyền địa phương sẽ quản lý tốt, không để ngôi mộ bị xâm hại.
Video: Khai quật mộ cổ 2.000 năm tuổi ở Quảng Ninh
Phạm Dương Ngọc (TheoVTC)
'Yểm trinh nữ' giữ kho vàng trong ngôi mộ khổng lồ ở Quảng Ninh
Reviewed by DI
on
2:35:00 CH
Rating: 5
Tags :
Bạn có biết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét