Tuyến đường sắt xuyên biển kỳ lạ ở châu Âu
Tuyến đường sắt trên biển Hindenburg là công trình vĩ đại giữa biển khơi của người Đức. Hàng ngày, hơn 100 chuyến tàu hỏa đi qua tuyến đường này.
Bắt đầu hoạt động vào năm 1927, tuyến đường sắt trên biển Hindenburgdamm, hay còn gọi là Hindenburg Dam nối liền đảo Sylt (thuộc North Frisian) với Schleswig-Holstein, bang xa nhất về phía bắc của Đức. Đoạn đường này dài 11 km.
Trước khi có tuyến đường sắt này, việc di chuyển từ đất liền đến đảo Sylt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết trên biển. Sóng càng dữ, chuyện đi lại càng khó khăn.
Hồi ấy hành khách phải mất tối thiểu 6 tiếng để di chuyển từ đất liền tới đảo Sylt bằng tàu biển.
Đặc biệt, vào mùa đông, băng trên biển Wadden tạo thành rào cản. Tàu và thuyền không thể xuyên qua khiến rất ít du khách có thể tới đảo Sylt.
Tuy nhiên, đầu thập niên 20 của thế kỷ trước khi khu nghỉ dưỡng Westerland bên bờ biển đảo Sylt ngày càng nổi tiếng. Do đó, giới cầm quyền Đức quyết định lên kế hoạch làm tuyến đường ray xuyên biển, nối đất liền với đảo.
Quá trình làm đường sắt trên biển bắt đầu từ năm 1923. Trong 4 năm sau đó, công nhân và các phương tiện cơ giới đã đưa hơn 3 triệu m3 cát và đất sét, 120.000 tấn đá từ đất liền ra biển để xây đập.
Chính phủ Đức gọi tuyến đường theo tên của Tổng thống Đức hồi đó, Paul von Hindenburg. Ông Hindenburg chính là người chủ trì lễ khánh thành đường ray vào ngày 1/6/1927.
Trong 45 đầu tiên kể từ khi bắt đầu hoạt động, Hindenburg chỉ có một làn ray. Năm 1972, người ta mở rộng tuyến đường và đặt thêm làn ray thứ hai.
Ngày nay, hơn 100 chuyến tàu di chuyển trên đập mỗi ngày. 1/2 số đó vận chuyển ôtô.
Kim Ngân (Theo Zing)
Ảnh: Shutterstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét