Tháng 8 năm 1945, quân Nhật tuyên bố đầu hàng trên mặt trận Thái Bình Dương, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 dài kỳ và đau khổ cuối cùng cũng đi đến hồi kết thúc. Trước tin vui ấy, rất nhiều người trên thế giới đã đổ ra đường để ăn mừng. Cũng trong khoảnh khắc ấy, tại quảng trường Thời Đại, nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt đã kịp ghi lại một nụ hôn lãng mạn giữa người thủy thủ trẻ và cô y tá xinh đẹp.
Nụ hôn trên quảng trường Thời Đại là biểu tượng của sự lãng mạn, của tình yêu và hòa bình trong suốt nhiều năm trời.
Hình ảnh tuyệt đẹp của cặp đôi sau đó đã trở thành một biểu tượng của thời đại, của tình yêu và hòa bình. Bức ảnh sau đó được đăng trên tạp chí LIFE và cho đến nay, nụ hôn trên quảng trường Thời Đại đó vẫn được biết đến như nụ hôn nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Điều khiến cho nhiều người thắc mắc đó chính là danh tính của cặp đôi trong ảnh vẫn mãi là một bí ẩn suốt cả thập kỷ trời. Liệu đôi tình nhân ấy có tiếp tục bên nhau hay không? Mãi cho đến thế kỷ 21, người ta mới tìm ra được hai nhân vật trong ảnh, khi ấy họ đều đã 90 tuổi, đó là ông George Mendonsa và bà Greta Zimmer Friedman. Sự thật về nụ hôn nổi tiếng mà chúng ta vẫn ngưỡng mộ bao nhiêu năm nay cuối cùng đã được tiết lộ, hóa ra lại không hề lãng mạn như vậy.
Cả ông George và Greta đều không hề quen biết nhau, chưa từng gặp nhau cho đến lúc bức ảnh họ hôn nhau được chụp. Vào thời điểm ấy, bà Greta đã có người yêu, ông George đã có bạn gái và sau này là vợ ông, bà Rita Petry. Bà Rita cũng vô tình xuất hiện trong khung hình ngay phía sau hai nhân vật chính trong một góc ảnh khác - bức ảnh do nhiếp ảnh gia Victor Jorgensen ghi lại, sau này được đăng trên tờ New York Times.
Ở một góc ảnh khác, người phụ nữ bên góc trái chính là người yêu và cũng là vợ của anh thủy thủ chứ không phải là cô y tá mà anh đang hôn say đắm.
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí, ông George nói rằng vì quá vui mừng trước tin quân Nhật đầu hàng, cộng thêm trong người có chút men rượu, ông đã chạy xuống đường ôm luôn một cô gái trong trang phục y tá và trao nụ hôn đắm đuối. Cả ông George và bà Greta đều không ngờ khoảnh khắc nhỏ của họ đã bị chụp lại và trở nên nổi tiếng.
"Một anh thủy thủ bỗng chụp lấy người tôi. Anh ta rất mạnh mẽ. Anh ta ghì lấy và hôn tôi. Tôi không chắc lắm về nụ hôn đó… nó chỉ là một sự ăn mừng chứ không phải một khoảnh khắc lãng mạn gì cả", bà Greta nói.
Cũng chính vì điều này, nụ hôn lãng mạn của đôi tình nhân sau đó đã trở thành đề tài bàn tán và tranh luận của rất nhiều người. Có ý kiến cho rằng hành động của ông George có thể xem là một sự tấn công tình dục vì thực tế bà Greta đã bị ông cưỡng hôn.
"Tôi không hôn ông ta, chính ông ta đã hôn tôi", bà Greta nói.
Cả ba người sau này cũng trở thành những người bạn thân thiết.
Trong một bài viết của tác giả Andy Martino được cư dân mạng lan truyền, ông luôn giữ vững quan điểm của mình rằng bức ảnh nụ hôn tại quảng trường không phải là một biểu tượng đẹp mà chỉ là ví dụ điển hình của sự quấy rối tình dục. Andy cũng hy vọng mọi người nên nhìn nhận lại về bức hình ấy, cũng như có cái nhìn nghiêm túc thật sự về vấn đề vô cùng nhạy cảm này dù nó là thứ đã diễn ra trong lịch sử.
"Ông George hoàn toàn có quyền ăn mừng, nhưng nó không có nghĩa là ông có thể xâm phạm đến thân thể người khác", Andy viết.
Tuy nhiên bà Greta từng cho biết bà không hề bị tổn thương hay thấy khó chịu về nụ hôn của ông George. Về phía bà Rita, vợ ông George, chia sẻ rằng bà đã vô cùng kinh ngạc khi thấy chồng mình hôn một người phụ nữ khác nhưng bà không hề giận ông. Sau này vợ chồng ông George và bà Greta rở thành những người bạn thân thiết, rất nhiều lần gặp gỡ và thăm hỏi nhau.
Vợ chồng ông George hiện vẫn sống hạnh phúc trên đảo Rhodes, tuy nhiên bà Greta đã qua đời tại thành phố Richmond, bang Virginia hồi năm 2016 vì tuổi cao sức yếu.
Phước Anh ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét