Người phụ nữ thứ 5 giành Giải Nobel Hóa học trong lịch sử

2:34:00 CH

Người phụ nữ thứ 5 giành Giải Nobel Hóa học trong lịch sử

Giải Nobel Hóa học 2018 đã vinh danh nhà khoa học nữ người Mỹ Frances H. Arnold về quá trình tiến hóa và sử dụng nguyên tắc biến đổi và chọn lọc gene để phát triển các protein giúp giải quyết các vấn đề hóa học của nhân loại.
Giáo sư Frances H. Arnold (người Mỹ) là người phụ nữ thứ 5 trong lịch sử giành giải thưởng Nobel Hóa học 2018. Bà là nhà khoa học đầu tiên thực hiện tiến hóa có định hướng cho enzyme, protein xúc tác cho phản ứng hóa học vào năm 1993. Enzyme tạo ra qua tiến hóa có định hướng được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ nhiên liệu sinh học đến dược phẩm.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Hóa học cho 3 nhà nghiên cứu Frances H. Arnold, George P. Smith và Gregory P. Winter với công trình kiểm soát tiến hóa, sử dụng thay đổi và chọn lọc di truyền để phát triển protein. Bà Arnold sẽ được tặng thưởng một nửa số tiền 9 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD), trong khi hai người cùng thắng giải sẽ chia sẻ nửa còn lại.
Thành viên của Ủy ban Nobel giải thích các nhà khoa học đã "áp dụng nguyên tắc của Darwin vào trong ống nghiệm". Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, những phương pháp mà 3 nhà khoa học trên phát triển giờ đây đang được nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy ngành hóa chất xanh, chế tạo các vật liệu mới, sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững, giảm thiểu bệnh tật và cứu sống tính mạng bệnh nhân.
Bà Frances H. Arnold từng được Nữ hoàng Anh Elizabeth II tiếp đón tại cung điện Buckingham
Bà Frances H. Arnold được trao giải thưởng nhờ nghiên cứu enzyme theo phương pháp tiến hóa có định hướng. Năm 1993, bà Arnord, làm việc tại Viện Công nghệ California (Mỹ), đã tiến hành quá trình tiến hóa có định hướng đầu tiên đối với các enzyme, vốn là các protein làm xúc tác cho các phản ứng hóa học. Enzyme được sản xuất thông qua quá trình tiến hóa có định hướng được sử dụng để tạo ra mọi thứ từ nhiên liệu sinh học đến thuốc men.
"Khi tôi bắt đầu biến đổi protein, tôi không biết công việc này khó khăn tới mức nào. Sau nhiều thí nghiệm thất bại, tôi nhận ra mình phải tìm một cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề. Cuối cùng, công bố nghiên cứu của tôi đã chứng minh có thể ổn định hóa enzyme, biến đổi đặc tính, khiến chúng hoạt động tích cực hơn. Đây là những điều chưa ai biết cách làm", nữ giáo sư Arnold chia sẻ.
Các nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học 2018
Tiến sĩ George Smith (người Mỹ) phát triển phương pháp mang tên Kỹ thuật hiển thị trên thể thực khuẩn (phage display) năm 1985, trong đó vật ăn vi khuẩn có thể được dùng để tiến hóa protein mới. Giáo sư Gregory Winter (người Anh) ứng dụng phương pháp này để tiến hóa có định hướng các kháng thể, nhằm sản xuất những loại thuốc mới. Loại thuốc đầu tiên ra đời nhờ phương pháp phage display là adalimumab, dùng để điều trị bệnh thấp khớp, bệnh vẩy nến và bệnh viêm ruột. Ngày nay, phase display tạo ra những kháng thể giúp trung hòa độc tố, chữa trị các bệnh tự miễn và ung thư di căn.
Năm nay đánh dấu lần thứ 110 giải Nobel Hóa học được công bố. 109 giải Nobel Hóa học được trao trước đó vinh danh tổng cộng 178 nhà khoa học từ năm 1901, trong số đó chỉ có 4 phụ nữ (với hai người là mẹ con). Nhà khoa học Ba Lan Marie Curie đoạt giải năm 1911 cho công trình khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium.
Nhà khoa học Irène Joliot-Curie (đứng) cùng mẹ - nhà khoa học Marie Curie
Con gái của bà Marie Curie - nhà khoa học Irène Joliot-Curie - chia sẻ giải Nobel Hóa học năm 1935 với chồng, ông Frédéric với công trình nghiên cứu về sự phát xạ nhân tạo.
Nhà khoa học nữ người Anh Dorothy Crowfoot Hodgkin
Nhà khoa học nữ người Anh Dorothy Crowfoot Hodgkin được vinh danh năm 1964 nhờ công trình xác định công thức cấu tạo của các chất hoạt động sinh học bằng kỹ thuật tinh thể học tia X.
Bà Ada Yonath
Tới 45 năm sau mới có một phụ nữ khác đoạt được giải thưởng này năm 2009 là bà Ada Yonath. Bà là một nhà tinh thể học người Israel được biết đến nhờ các công trình nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của ribosome.
Ngự Bình Nobel prize, Guardian, Reuters

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.