Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc

2:56:00 CH

Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc

Tại sao có những người cứ mãi sống trong khổ đau mà không thể thoát ra khỏi tâm trạng tiêu cực ấy? Tại sao có những chuyện chúng ta cần nhớ thì không thể nhớ, mà có những chuyện muốn quên thì mãi chẳng thể quên?
Tại sao có những người cứ mãi sống trong khổ đau mà không thể thoát ra khỏi tâm trạng tiêu cực ấy? Tại sao có những chuyện chúng ta cần nhớ thì không thể nhớ, mà có những chuyện muốn quên thì mãi chẳng thể quên?
Có một người đàn ông với vẻ mặt rất khổ sở đến hỏi một vị hòa thượng:
“Thưa thầy, có một số thứ và một số người, tại sao con lại không thể buông bỏ được?”
Vị hòa thượng nói:
“Không có gì là không thể buông bỏ được.”
Người đàn ông kia vẫn khẳng định:
“Có những thứ và những người mà hết lần này đến lần khác con vẫn mãi không buông bỏ được!” ​
Vị hòa thượng liền bảo anh ta cầm một cái chén lên rồi ngài rót nước trà vào chén. Hòa thượng cứ rót mãi cho đến khi nước trà trong chén tràn cả ra ngoài. Nước trà nóng đổ lên tay người đàn ông khiến anh ta không thể chịu được nữa liền vội vàng đặt chén trà xuống.
Lúc này, vị hòa thượng mới điềm đạm nói: “Trên đời này không có gì là không buông bỏ được, chỉ cần con cảm thấy đau đớn đã đủ rồi, thì tự con sẽ bỏ xuống được thôi.”
Thực ra, sâu thẳm trong mỗi chúng ta ai cũng có những vết thương lòng, ai cũng có những nỗi khổ đau day dứt khó nguôi ngoai. Nói rằng thời gian rồi sẽ chữa lành tất cả, kỳ thực chỉ là dối người và tự lừa gạt chính mình. Nếu không thì tại sao thời gian chỉ chữa lành cho người này mà lại không chữa lành cho người khác?
Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc - Ảnh 1.
Có những người vì phiền não khổ đau mà lựa chọn những cách giải quyết rất tiêu cực như mắng chửi, bạo hành người khác, tìm cách trả thù đời, trả thù người, tìm đến với những thú vui như rượu, thuốc kích thích, cờ bạc, tình dục… để tạm quên đi nỗi khổ trong lòng mình và được trải nghiệm cảm giác “hả hê” trong thoáng chốc. Nhưng cho đến khi nào mà chúng ta vẫn còn đi tìm những cách giải quyết khổ đau cho mình ở bên ngoài thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được, mỗi ngày chúng ta lại tiếp tục thấy những nỗi khổ đau, day dứt chất chồng thêm. Đó là lý do mà nhiều người rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng, bế tắc và thậm chí dẫn đến việc tự kết thúc đời mình.
Hóa ra thời gian thì vô tình, chỉ có tâm người là hữu ý. Chẳng qua khi thời gian trôi đi đã đủ lâu, tâm tình, suy nghĩ của chúng ta vì thế mà thay đổi, đến khi cảm xúc của chúng ta được lắng lại, tâm thức có được chút bình yên thì lúc ấy có thể bao dung, cởi mở, có thể nhìn rộng và buông xuống những buồn phiền, oán giận khi xưa. Nhìn lại cuộc đời như gió thoảng mây bay, quá khứ trôi qua như mộng ảo không còn gì để nắm giữ được thì bỗng nhiên không còn muốn cố chấp nữa. Bởi vậy, không phải là thời gian có thể chữa lành những vết thương lòng, mà chính do cái tâm chúng ta đến lúc nào mới chịu buông xuống mà thôi.
Nhưng thông thường, ai cũng muốn đổ lỗi cho số phận, cho cuộc đời, cho người khác, chứ ít ai chịu thấy ra sự thật rằng đau khổ là do chính mình. Khổ đau phiền não không do ai mang đến rồi bắt chúng ta phải nhận, mà do chính bản thân chúng ta cho phép mình nhận lấy những thứ không thiết thực, những thứ tạm bợ và sai lầm rồi tự mình đắm chìm vào đó.
Khi chúng ta quá bận tâm, đặt nặng một vấn đề thì những suy nghĩ trong đầu sẽ cứ loanh quanh luẩn quẩn, chẳng khác nào đang bị một sợi dây vô hình trói buộc và không thể nào thoát ra ngoài phạm vi của nó được. Do vậy, chúng ta không còn có thể thấy được điều gì mới mẻ, rộng mở và tốt đẹp hơn. Cũng giống như khi chúng ta chỉ nhìn vào một góc chụp nhỏ hẹp của chiếc ống kính máy ảnh mà vội đi đến kết luận về toàn bộ sự việc. Trong khi một góc ảnh nhỏ xíu đó không thể nào nói lên toàn bộ sự thật, thậm chí có đôi khi nó còn bóp méo sự thật, có thể làm sai lệch hoàn toàn câu chuyện thực sự đang xảy ra.
Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc - Ảnh 2.
Vì vậy hãy xem lại góc nhìn, quan điểm của mình, xem nó có đang bị giới hạn, bị che khuất bởi thứ gì không, và hãy học cách mở rộng tâm hồn, mở rộng tư duy để đón nhận những điều mới mẻ, thiện lành và tích cực. Tất cả là do tâm, do chúng ta tự cho rằng việc gì là bình thường thì nó trở thành bình thường, mà chúng ta nhận định nó là hệ trọng thì nó trở thành hệ trọng.
Ví dụ khi bắt gặp một câu nói của ai đó chê chúng ta là “mập ú”, nếu tâm tình đang tốt thì chúng ta cảm thấy rất bình thường, thậm chí còn lấy làm buồn cười nếu nó xuất phát từ một người mà chúng ta yêu quý. Nhưng nếu đang ở trong tâm trạng buồn bực không vui, hoặc khi ta nghe thấy nó từ những người mà ta đang giận dỗi, đang không ưa thích, thì câu nói ấy lại rất dễ khiến cho chúng ta tự ái, sân hận hoặc đau khổ vô cùng.
Bởi vậy, sự thật thì câu nói ấy vốn không mang tính chất vui hay khổ, mà do chính chúng ta tự nhận định nó là vui hay khổ mà thôi. Cho nên ai có thói quen hay nghiêm trọng hóa những chuyện đơn thuần thì sẽ luôn sống trong sầu não, bi ai và bị trói buộc bởi những suy nghĩ quẩn quanh, rồi từ đó hình thành những quan điểm sai lạc về cuộc đời, về chính mình và về người khác.
Người mà càng hay “chuyện bé xé ra to” thì càng có nhiều đau khổ. Khổ đau không chỉ riêng mình họ, mà nó còn tác động đến cả những người ở xung quanh khiến cho những nỗi đau khổ cứ tác động qua lại và nhân lên rất nhiều lần. Tương tự, sự tích cực cũng có tính chất lan tỏa và tác động qua lại y như thế. Cho nên hoàn cảnh sống tích cực hay tiêu cực cũng đều có thể thay đổi được nhờ tâm thái của chúng ta. Và thái độ sống chính là cái mà chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa.
Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc - Ảnh 3.
Một sai lầm nữa là do chúng ta cứ luôn muốn rằng mọi việc phải diễn ra theo ý của mình, muốn những điều tốt đẹp phải kéo dài mãi mãi mà không chịu chấp nhận một sự thật rằng bản chất của mọi việc, mọi điều là vô thường, là biến đổi, là không bền chắc. Nếu hiểu được cái tính tạm thời này, thì thay vì chán nản hoặc buồn đau, chúng ta sẽ biết trân trọng mọi thứ ta đã và đang có được, sẽ không lãng phí thời gian, không để lỡ đời mình.
Trăng còn có lúc tròn lúc khuyết, đời có lúc hợp lúc tan, việc có lúc thành lúc bại. Luôn vận động, biến chuyển và đổi thay chính là quy luật của vũ trụ, quy luật của cuộc đời. Biết vậy rồi thì chúng ta sẽ thấy mọi việc xảy ra đều là chuyện bình thường, chúng ta sẽ không còn xem việc gì đó là quá mức quan trọng, không còn phải oán than khi không có được, hoặc khổ sở dằn vặt khi bị mất đi thứ mình thương yêu.
Buông bỏ chính là như thế. Buông bỏ không phải là cố quên, là mặc kệ, là oán hận, là tìm cách trốn tránh, mà buông bỏ là chúng ta có thể dùng tâm thái bình thường để đối diện với nó, chúng ta không còn muốn kiểm soát mọi thứ, không còn gượng ép mọi việc phải xảy ra theo ý mình nữa. Chúng ta có thể an ổn khi việc đến vì biết “việc này do đủ duyên mà tạm thời xảy đến”, rồi khi nó đi thì chúng ta cũng có thể bình thản vì hiểu được “việc này đã làm xong nhiệm vụ của nó trong cuộc đời mình, hết duyên thì sẽ phải đi”.
Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc - Ảnh 4.
Tất cả những điều kiện bên ngoài chỉ tạm thời đến để hỗ trợ ta trong một khoảng thời gian nào đó, vậy mà chúng ta lại rất giỏi “nhận vơ” những thứ ấy là “của mình”, để rồi đau khổ khi không có được và ôm sầu ôm hận khi bị mất đi. Chúng ta luôn mải nhớ quá khứ hoặc lo lắng cho tương lại mà không lúc nào thực sự sống được thảnh thơi giữa phút giây hiện tại, trong khi phút giây hiện tại là thứ duy nhất chúng ta đang có được, là thứ duy nhất tồn tại với chúng ta ngay trong khoảnh khắc này.
Bạn có để ý rằng tâm trí của chúng ta cũng giống như những cái máy chiếu trong rạp chiếu phim? Vấn đề là ở chỗ nó thường hay chiếu đi chiếu lại những cuốn phim ký ức đầy buồn thảm, đắng cay làm cho chúng ta cảm thấy khổ đau, sầu não. Nhưng đây chỉ là một thói quen theo kiểu lối mòn của tâm thức mà chúng ta cần hiểu rằng nó hoàn toàn có thể thay đổi được. Và chỉ có chính chúng ta mới có thể giúp được mình hết khổ mà thôi.
Buông bỏ phiền não: Khó đấy, nhưng là chìa khoá tới hạnh phúc - Ảnh 5.
Để nuôi dưỡng thân thể thì chúng ta luôn có ý thức lựa chọn thực phẩm tốt mỗi ngày, nhưng dường như ít ai để ý rằng tâm thức của chúng ta cũng đang liên tục tiêu thụ những loại thức ăn riêng của nó. Thức ăn cho tâm thức là tất cả những gì chúng ta tiếp xúc thông qua việc nghe, nhìn, học hỏi, qua sách báo, các phương tiện truyền thông, qua các mối quan hệ… Vì vậy, hãy có ý thức lựa chọn cho tâm thức của chúng ta những loại thức ăn tốt lành, nhờ đó mà tâm ta sẽ thay đổi mỗi ngày theo chiều hướng ngày càng tích cực.
Khi tâm thức đã đủ rộng lớn, bao dung và sáng suốt, thì đến một ngày, nhìn lại những thứ mà mình đã từng cho là khổ đau phiền não cùng cực khi xưa, chúng ta có thể bình thản mỉm cười và thấy rằng sao mà chúng nhỏ bé, vụn vặt và thực sự không đáng phải khiến ta đau khổ. Giống như ai đó đã từng nói rằng: “Khi bạn từ một con kiến trở thành một con voi, thì tảng đá to lớn đã từng chặn đường khiến cho bạn không thể vượt qua nổi ấy, hóa ra chỉ là một hạt cát bé nhỏ nằm dưới gót chân bạn mà thôi”.
Theo YUKIMOON; DESIGN: DUKEMINK / Helino

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.