Cảm nhạc khúc ‘Đóa hoa vô thường’ của Trịnh Công Sơn : bài ca về tình yêu và ý nghĩa cuộc sống
‘Đóa hoa vô thường’ là một hiện tượng cực kỳ đặc biệt trong bộ sáng tác đồ sộ của Trịnh Công Sơn, vì ca khúc này đã hơi tách khỏi ba chủ đề chính thường thấy trong nhạc của ông là tình yêu, quê hương, và thân phận; hay nói đúng hơn đó là một sự hợp lưu và nâng cao khéo léo của cả ba dòng nhạc trên trong cùng một nhạc phẩm.
Dù cho nhận xét này có đúng hay không, ta hãy cứ xem bài hát như là lời tự sự của chính nhạc sĩ, và tạo cho mình một chút tự do đi vào khám phá cõi lòng bí ẩn của ông qua nhạc phẩm này, mà không phải băn khoăn quá nhiều về những câu hỏi đại loại như: Đó là ai? hay Đó là gì?
Trước hết có thể gọi đây là một bản trường ca của tình yêu và niềm tin, thể hiện đỉnh cao của sự lãng mạn trong tình yêu và niềm tin của Trịnh Công Sơn, là một hành trình gian nan nhưng đầy cảm hứng, với với một tình yêu dường như đã hoàn toàn thoát tục.
Cũng như trong nhiều bản tình ca khác của Trịnh Công Sơn, hình bóng người con gái ông yêu được hiện lên chỉ qua các hành vi cử chỉ của người đó, chứ không phải là những đặc điểm nhân dạng cụ thể; trong bài này cũng thế, đó là: em đi, em về, em đứng, em ngồi, em hát, em cười, em buồn, em vui… Và cũng như trong nhiều bài tình ca khác, người con gái mang đến cho ông niềm vui tột đỉnh của tình yêu được thăng hoa trong thời gian ngắn ngủi, nhưng rồi để lại cho ông một nỗi buồn dài lâu của sự kết thúc và chia ly; đó cũng chính là nằm trong sự “vô thường” của đời sống, của tạo hóa; tình yêu trong tim ông cũng chính là một đóa hoa vô thường, khi nở bừng mãnh liệt, lúc tàn lụi bất ngờ..
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Thị Tâm Anh có nhận xét về bài Đóa hoa vô thường như sau trên trang tin của Hội nhạc sĩ Việt Nam:
“Trịnh Công Sơn luôn nhận ra cái lẽ vô thường trong trời đất. Vô thường bàng bạc trong âm nhạc của ông khiến người nghe cảm thấy bâng khuâng và không cần hiểu hết ý nghĩa cũng đã thấy hay lắm rồi. Và trong đó còn chứa đựng chiều sâu triết lý làm rung động đến sâu thẳm tâm hồn mỗi con người… Với “Đóa hoa vô thường”, Trịnh Công Sơn đã nhạc hóa lý thuyết và lý thuyết hóa nhạc. Toàn bài là một chuyện tình với ẩn chứa đâu đó hình ảnh một người phụ nữ đẹp, một “đóa hoa vô thường”.
Ta cũng như nhiều người khác cũng đồng ý rằng, khi nghe nhạc Trịnh dù chưa hiểu hoàn toàn những điều ông muốn nói nhưng vẫn thấy hay, thấy cảm. Nhưng bên cạnh đó, ta cũng nhận ra rằng mình luôn ước vọng, như một điều rất tự nhiên, hiểu được tường tận, tới chân tơ kẽ tóc những ý tứ của ông trong từng bài hát. Với bản trường ca này, chúng ta sẽ đi từ đầu đến cuối để tìm xem “Đóa hoa vô thường” này thực sự là gì.
Một cuộc tình như trong cõi mộng
Ca khúc bắt đầu với một hành trình miệt mài tìm kiếm một con người – tựa như một người con gái – hoàn hảo, ngây thơ trong trắng đến mức gần như tuyệt đối:
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Ở đâu trên cuộc đời này sẽ có một con người như thế? Nhưng chàng trai đã không hề chùn bước, với cuộc tìm kiếm có thể nói là khắp chân trời góc bể, không bỏ sót nơi nào, hơn nữa là không ngừng nghỉ, không đếm kể thời gian, như cánh chim không bao giờ biết mỏi:
Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi…
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi…
Rồi:
Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em
Ở đây ta như thấy được tâm trạng của chàng trai luôn khắc khoải mong chờ có được một tình yêu cao thượng, trong sáng.
Và rồi, tình huống chàng trai tìm được người con gái trong mơ thật bất ngờ và bí ẩn; đối với thính giả thông thường thì đây là ô chữ khó giải đáp nhất trong toàn bộ trường ca tình yêu này.
Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Đây rõ ràng không phải là một cuộc gặp gỡ bình thường như bao cuộc gặp gỡ khác trong cuộc đời; đây là một cuộc gặp gỡ giao duyên, trong bầu không khí vô cùng trịnh trọng:
Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Chao ôi, đây là mơ hay là thực, chàng trai của chúng ta đã tìm ra ai vậy, là người hay là tiên nữ? Cảnh như trong mộng, có vẻ như cô gái không phải là một con người trần tục, hoặc là một người đã thoát tục..
Cuộc tình từ đây bắt đầu đi vào thời gian hạnh phúc nhất của nó với tình cảm thăng hoa và mừng vui tột độ. Chàng trai tìm được người yêu đúng như mong ước, như là một cô tiên giáng trần, tâm hồn chàng thăng hoa như một đóa hoa nở nơi tiên cảnh:
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Rồi, tiếp đến là một sự hạnh phúc và mãn nguyện tràn trề khi có em luôn ở bên:
Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Trong một điệp khúc dịu dàng, người chàng yêu được ví như bông sen hồng, thơm tho tinh khiết, cùng chàng chia sẻ những buồn vui, cao hứng, ngọt ngào của tình ái:
Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao, đến đêm ngọt ngào
Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao, đến đêm ngọt ngào
Ta thấy một sự hiến dâng cao cả của hai phía cho tình yêu, như để đền bù cho những ngày buồn trong quá khứ, khi tình chưa hội ngộ:
Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình. Em buồn đền trọn mối tình
Sen buồn một mình. Em buồn đền trọn mối tình
Những bài hát của Việt Nam viết về cuộc tình mãn nguyện như thế này thật là quá hiếm, kể cả những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Đây là một ngoại lệ, ông đem đến cho ta một dòng suối tràn trề yêu thương huyền ảo, mở căng sức tưởng tượng cho thính giả, nghe trong đó như có tiếng reo mừng; có tiếng chim hót, tiếng suối chảy trong tâm; chàng cảm thấy vô cùng may mắn, ví tình yêu trong lòng mình đã hót líu lo những tiếng yêu thương.
Từ nay anh đã có nàng, biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân
Mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân
Nhớ lại những ngày trước miệt mài tìm kiếm, trong gần như vô vọng, trong khó khăn không tưởng, như tìm những dấu giày còn in lại trên mặt sông băng đã tan chảy, như tìm một hạt sương trong miệng chú chim đã bay đi theo đàn:
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài
Tìm lại trên sông những dấu hài
Nhưng chàng đã gắng gỏi vượt qua mùa đông cô đơn lạnh giá, để đón nhận tình yêu bất ngờ đã đến thật tròn vành:
Mùa đông cho em nỗi buồn, chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên, chút tình mới chớm đã viên thành
Tàn đông con nước kéo lên, chút tình mới chớm đã viên thành
Đến đây ta chợt hoang mang và nảy ý nghi ngờ: đây có phải là một tình yêu nam nữ hay không? Vì con đường tình yêu trong ca khúc này rất giống với tâm cảnh của một người đi tầm đạo, bỏ ra rất nhiều công sức đi tìm cái đẹp đẽ trường tồn vĩnh cửu mà chưa gặp, chỉ gặp được những thứ vô thường, mặc dù đã có lúc rất gần với đạo rồi, đã có chút thăng hoa, ngỡ như đã tìm được đạo.
Trong bài hát này rõ ràng ông đã đưa vào sử dụng nhiều khái niệm trong văn hóa cổ và Phật giáo, như cành hoa mai, chim hạc, hoa sen, tiếng chuông chùa… Cành hoa mai tượng trưng cho sự thanh khiết và trường tồn qua bão tuyết, chim hạc tượng trưng cho sự đắc đạo (hình ảnh thường gặp trong văn hóa truyền thống là ông Tiên đắc đạo cưỡi hạc về trời); hoa sen là biểu tượng của sự cao quý và giác ngộ trong đạo Phật.
Một hành trình giác ngộ cao cả
Mới nghe hoặc thoáng nghe thì hoàn toàn có cảm giác như bài hát này đơn thuần nói về một tình yêu nam nữ, hay rộng hơn một chút thì chỉ là tình yêu giữa người với người; nhưng khi chú ý đi sâu vào cấu trúc bài và ngữ nghĩa của các ca từ thì lại phát hiện rằng không phải như vậy; mà nó giống như quá trình và tâm thái của một người đi tìm đạo và rồi ngộ đạo.
Có chăng là ở đây Trịnh Công Sơn đã ví quá trình này giống hệt như một cuộc tình: có đầu có kết có cao trào, với các cung bậc cảm xúc tương tự với tình yêu trai gái. Tuy nhiên, trong cuộc tình này rõ ràng là các cảm xúc cao thượng đã được coi trọng hơn là một người yêu cụ thể bằng xương bằng thịt.
Ta biết rằng Trịnh Công Sơn sinh thời đọc rất nhiều, bao gồm cả các sách về văn hóa cổ, tôn giáo và triết học. Vì vậy trong âm nhạc của ông đầy khắp những ca từ triết lý nhân sinh và ngôn từ của văn hóa truyền thống và tu Phật tu Đạo. Trang “Thư viện hoa sen” có nhận xét về cách dùng từ ngữ của Trịnh Công Sơn trong ca khúc này như sau:
“Hình ảnh “Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai” trong Đóa Hoa Vô Thường cho chúng ta thấy con đường tầm đạo của Trịnh. Đường tìm về với bản tâm, cội nguồn tâm thức trong trắng, thanh khiết như “cành hoa khôi”, sáng như “bờ giấy mới”, thơm như “bờ môi thơm” trong chính mình. Bởi khó tìm, nên “nụ cười” ấy rất “mong manh”, không dễ thấy. Có thấy được chăng, cũng “yếu đuối”, rất khó để duy trì sự bền vững, lâu dài”.
Đóa hoa vô thường được sáng tác vào khoảng năm 1972, khi đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh; quá nhiều sự chết chóc vô nghĩa đã làm cho con dân miền Nam đất Việt phải chịu những khủng hoảng trầm trọng; niềm tin không biết phải đặt vào đâu.
Khi đó, đi tìm niềm tin trong tôn giáo tự nhiên đã trở thành một nhu cầu và là điểm tựa cuối cùng, dù có thể chưa vững chắc, cho tâm hồn; tìm về với sự che chở của các đấng Thần Phật, Chúa trời. Tìm được đạo chân chính sẽ giúp tâm hồn được thăng hoa, tạm quên đi những muộn phiền của thực tế cuộc sống. Trịnh Công Sơn khi đó cũng đã bước qua tuổi “Tam thập nhi lập”, đã đủ chín chắn để nhận thức được bản thân và nhân tình thế thái.
Đến đây, ta bắt đầu hiểu rõ hơn được ý nghĩa của đoạn bài hát đã được nhắc tới bên trên về tình huống chàng trai tìm ra được người tình trong mộng:
Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Trang “Thư viện hoa sen” đã có lời giải khá thú vị về ý tứ của Trịnh trong đoạn bài hát này như sau:
“Trong biến thiên không ngừng thay đổi của vạn pháp hữu vi gọi là vô thường, tôi đã thấy được những lời kinh vang lên tiếng vọng sấm sét của người xưa. Giữa những lời kinh đó, tôi đã bất ngờ rung cảm được một đôi dòng chỉ thẳng về phía cội nguồn: “trực chỉ chân tâm”. Tôi thấy em, tôi đã thấy tôi chân thật của chính mình. Tôi trân trọng đảnh lễ cái suối nguồn xưa tinh khôi ấy, như nước mưa cam lồ gội rửa bụi trần, làm trong mát tâm tôi giữa mùi hương trầm bốn phương thơm ngát”.
Ôi, thì ra mối tình cao sang này chính là một sự ngộ đạo và kính ngưỡng đối với cái tâm chân thật, cũng là bản ngã, cái gốc chân chính của con người. Chàng trai và cô gái, cũng như thân xác với tâm hồn, tuy hai mà một, tuy một mà hai, đã tìm được sự đồng điệu và hòa hợp vô cùng, nên ông mới hát rằng:
Từ em tôi đã đắp bồi
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân
Một sự ngờ vực và mất niềm tin vào sự cứu rỗi
Nhưng dù cho niềm tin đó có lớn lao đến mấy và thăng hoa cao đến đâu, con người lúc đó vẫn không thể tránh khỏi phải đối mặt với thực tế của những khủng hoảng tinh thần và xã hội nghiêm trọng liên tục xảy ra trong thời chiến. Niềm tin dù đã đặt vào đâu cũng đã theo sự hỗn loạn của xã hội thời đó mà bị mai một theo; có những người đành buông thả theo thời cuộc, có những người thu mình khép kín, tự cách ly khỏi những thị phi.
Khủng hoảng tinh thần như trượt trên sườn dốc, tới một ngày niềm tin bất chợt bỏ ta mà đi, như người yêu ra đi, như tình yêu chết, cũng nhanh chóng như khi nó đến vậy. Hơn nữa trong tâm thức của Trịnh Công Sơn, cõi trần là cõi tạm, đến một ngày nào đó, cái ta chân chính trong sâu thẳm cũng sẽ phải rời bỏ cái thân xác bề mặt này mà đi khỏi nơi trần thế, mối tình này, dù đẹp đẽ đến mấy, trong cái luật Vô thường của tạo hóa cũng không thể tồn tại mãi:
Một chiều em đứng cuối sông, gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non, những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà
Chở lời kinh đến núi non, những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà
Ca khúc này cũng đã phản ánh được không khí bao trùm đời sống tâm hồn của con người nơi xã hội miền Nam thời đó; có đủ các sắc thái buồn, vui, khao khát, tin tưởng, hy vọng rồi thất vọng; có những lúc tưởng chừng như đã yên tâm với con đường và tín ngưỡng của mình, nhưng rồi lại bị dòng đời bụi bặm vô tình ác nghiệt cuốn đi, niềm tin đã bị lung lay, thậm chí đã hoàn toàn mất niềm tin trong hiện thực nghiệt ngã. Khi chuyến xe đã tới bến cuối cùng, sự chia tay là tất yếu:
Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Ôi áo xưa em là một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa
Ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa
Khi tình yêu đã rời xa, chỉ còn lại một mình ta bơ vơ ngơ ngác và đau khổ. Những giây phút thăng hoa tâm hồn đã trở nên quá hiếm hoi thiếu vắng. Khi niềm tin không còn, thì giọt sương trong vắt thuở nào cũng đã tan chảy, lòng người u tối, như đêm đen chỉ còn những đóa hoa muộn nở chóng tàn.
Từ đó ta nằm đau ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu
Một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mất trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mất trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường
Ta vẫn nhớ rằng Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ dù có đời sống nội tâm sâu sắc nhưng rất nhạy cảm với các biến động ngoài xã hội; ca khúc của ông dù là theo chủ đề nào thì cũng sẽ bàng bạc một màu sắc của xã hội đương thời.
Vì sao nhạc của ông một thời bị coi là nhạc phản chiến? Đó là vì nó đi ngược lại không khí sôi sục và căng như dây đàn của xã hội miền Nam thời chiến; nếu Trịnh Công Sơn sinh ra trong thời hòa bình yên ổn thì liệu những bài ca của ông có còn màu sắc “phản chiến” như thế không? chiếc dây đàn căng sắp đứt, ông đã giúp hạ chùng nó xuống, cân bằng lại chiếc cầu sắp lật, nhưng vẫn bị các nhà cầm quyền đương thời phản đối, cho là không hợp thời. Nhưng nhân dân đã là người quyết định đâu mới là giá trị thực cho con người và xã hội; nhạc Trịnh như thế xứng đáng được trường tồn.
Giá trị chân thực của ca khúc
Nói về thủ pháp nghệ thuật trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn trong ca khúc này đã sử dụng các nhịp điệu khác nhau để mô tả các trạng thái cảm xúc khác nhau: từ thong dong khi trải lòng tâm sự tới tâm trạng hớn hở khi đưa tình về; từ hiu hắt khi phải chia tay tới mạnh mẽ dồn dập khi đau đớn, rồi êm dịu lại khi chấp nhận một kết cuộc không thể thay đổi.
Đây đúng là một bản trường ca tình yêu kết hợp với liên khúc, có cao trào có thoái trào, khiến người nghe như được đi trên một dòng sông nhạc, lúc thì êm ái hiền hòa, lúc thì lại đầy sóng gió dữ dội. Về tầm triết lý của ca khúc, nhà nghiên cứu âm nhạc Tâm Anh đã nhận xét:
“Nhạc của ông không đơn giản chỉ là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài, mỗi ca khúc là một khúc tâm sự, một câu chuyện dài chưa đoạn kết. Nguồn cảm hứng của nhạc Trịnh khơi nguồn từ những nỗi khổ đau trong đời người, nỗi thất vọng, sự chông chênh, những gì không vuông tròn, đối xứng. Cảm xúc của ông dường như luôn đi trước một bước. Trong nỗi sống hình thành nỗi nhớ và nỗi chết, mới gặp gỡ mà đã có dự cảm chia lìa, mất mát… Những cặp phạm trù buồn – vui, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau, đắng – ngọt luôn tồn tại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng và từ đó lặng lẽ đi vào từng ca khúc của ông”.
Toàn bài Đóa hoa vô thường như thể đang nói về một tình yêu, nhưng cũng giống như tâm thái của một người đi tầm đạo. Ta cũng có thể hiểu được điều này trong nhạc Trịnh Công Sơn vì biết rằng tâm hồn ông vốn phức tạp, luôn có sự pha trộn giữa các tư tưởng tình cảm yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu văn hóa tín ngưỡng, dễ rung động trước mọi đổi thay. Ông sáng tác trong một nỗ lực gắn đời với đạo, gắn cái tình của con người với cái giác ngộ của người đi đạo.
Trong một nỗ lực hòa trộn mọi thứ xung quanh ta và trước mắt ta, ông đã đưa ra một thông điệp còn đôi chút rụt rè: Niềm hạnh phúc và hân hoan thực sự ta không thể tìm thấy nơi cõi trần. Tình yêu thực sự được tìm thấy chính là nhận ra được cội nguồn chân chính của sinh mệnh bản thân, là quá trình mà người tu đạo gọi là “phản bổn quy chân”.
Video "Đóa hoa vô thường" do Khánh Ly hát
Video "Đóa hoa vô thường" do Khánh Ly hát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét