Những gò đất khổng lồ bí ẩn giữa rừng Amazon
Hệ thống gò đất này rộng gấp 4000 lần kim tự tháp Giza, và nó lớn đến mức có thể quan sát được từ vũ trụ.
Ẩn mình trong khu rừng rậm phía Đông Bắc Brazil là một khu vực rộng lớn còn hơn cả hòn đảo to nhất nước Anh. Và tại đây có những đụn đất khổng lồ cực kỳ cổ xưa và bí ẩn mà dân địa phương gọi là murundus.
Các murundus có bề ngang tới 9m, cao 2,5m, nhưng có đến hơn 200 triệu đụn đất như thế, và chúng thông với nhau dưới lòng đất. Theo tính toán, toàn bộ hệ thống murundus được xây dựng bởi hơn 10 tỉ mét khối đất - nghĩa là gấp 4000 lần so với Đại kim tự tháp Giza của Ai Cập.
Nhưng ai là người đã tạo ra hệ thống kinh khủng này? Một bộ lạc người Amazon, hay một bộ tộc văn minh kiểu người Maya? Hay người ngoài hành tinh?
Đáp án là mối. Những con mối khổng lồ của rừng Amazon.
Các gò mối có tuổi đời hơn 4000 năm - tức là cũng ngang ngửa với thời điểm kim tự tháp xuất hiện. Các thế hệ mối đã ở đây xây tổ, tạo ra những ụ mối có kích cỡ khổng lồ. Chúng vốn được rừng cây che chở, nhưng thời gian gần đây sự phát triển của con người đã làm lộ ra, và giúp con người có cơ hội tìm hiểu thêm về cấu trúc xây tổ của chúng.
"Đối với người địa phương, các gò mối này giống như một phần của địa hình, nên họ chẳng cảm thấy gì," - trích lời Stephen Martin, tác giả nghiên cứu về tổ mối mới đây. "Nhưng thực sự thì quy mô là quá lớn, đến mức chẳng ai tưởng tượng được rằng nó được xây dựng bởi một loài động vật."
Trong nghiên cứu của mình, Martin chỉ ra quy mô khổng lồ của các tổ mối là lớn đến mức có thể quan sát được từ... trên vũ trụ.
"Các gò mối này không phải là tổ. Đó là những gì chúng thải ra trong quá trình đào một hệ thống đường hầm cực kỳ lớn dưới lòng đất," - Martin cho biết.
Căn nguyên cũng chỉ là vì tập tính ăn uống khá độc đáo của loài mối rừng Amazon. Chúng chỉ ăn các loại lá cây rơi xuống từ cây caatinga xung quanh khu vực. Bởi vậy, chúng phải tạo ra một hệ thống rộng lớn, nhằm nhanh chóng thu thập thức ăn và để tránh kẻ thù bắt gặp.
Cũng theo Martin, có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là khoảng cách giữa các gò mối có sự tách biệt nhất định. Từ đây, các chuyên gia đặt ra giả thuyết có một sự cạnh tranh giữa các đế chế mối trong khu vực này.
"Giả thuyết đặt ra là mỗi ụ mối sẽ được một đế chế chiếm đóng, và nếu chúng đang có chiến tranh, tổ sẽ được xây tách xa dần," - Martin cho biết.
"Tuy nhiên, do mật độ các gò mối là quá lớn trong khi thức ăn rơi xuống thì có hạn, khả năng mỗi ụ có một tổ mối riêng khó mà xảy ra được."
Hiện tại vẫn còn khá nhiều bí ẩn chưa được giải mã, như việc khoa học không thể tìm ra nơi ở của mối chúa trong quần thể này. Cấu trúc của hệ thống cũng chưa ai biết. Nhưng dù sao, khoa học cũng xác định được rằng murundus là công trình xây dựng to lớn nhất và cổ xưa nhất do một loài động vật (khác con người) dựng lên.
"Thực sự là khó tin khi trong thời đại này, chúng ta vẫn có thể tìm ra một kỳ quan sinh học to lớn và cổ xưa đến thế," - Martin chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.
Tham khảo: IFL Science
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét