Người vợ Italy bỏ danh vọng theo chồng về Việt Nam
Người vợ Italy bỏ danh vọng theo chồng về Việt Nam
Ngày Elena theo chồng Việt về hẳn quê chồng sống, người thân ra sức phản đối. Giờ họ hiểu rằng bà đã lựa chọn đúng.
Người dân ở khu chung cư 76 Ngô Tất Tố, Bình Thạnh, TP HCM đã quen với hình ảnh "ông Việt bà Tây" dắt tay nhau ngồi cà phê quán cóc mỗi sáng. Đó là ông Trương Văn Dân và vợ - nhà văn Elena Pucillo. Mỗi khi bà lên hay xuống bậc hè, ông đều ân cần dắt tay hoặc đỡ vợ. Những hành động tình cảm đó đã theo họ hơn 40 năm qua, từ ngày lần đầu gặp.
Ngày đó, Dân 19 tuổi, vừa từ Bình Định sang Milano, Italia để học hóa và công nghệ dược phẩm, còn Elena mới là một nữ sinh trung học, con gái một gia đình luật sư giàu có. Hôm ấy, hồ bơi gần nhà hỏng, cô gái 16 tuổi đi đến hồ bơi ở xa nhà mình và tình cờ gặp chàng trai châu Á.
Chàng trai ấn tượng cô bé mắt xanh tóc vàng xinh xắn, đa cảm và nhân hậu. Còn trong mắt nàng, anh dễ thương, hiền lành nhưng cũng rất hài hước. Bị cô nữ sinh hớp hồn, chàng du học sinh kiếm cớ nhờ cô dạy tiếng để có cơ hội gặp gỡ.
Ông Dân cảm thấy may mắn vì rất ít người vợ Tây mà ông quen biết chịu về Việt Nam sinh sống giống như Elena. Ảnh: Trương Xuân.
|
Gia đình có truyền thống học luật và dược, nhưng cả hai đều say mê các tác phẩm văn học Pháp và Italy, họ có thể nói chuyện hàng giờ về đề tài này, rồi về cuộc sống, gia đình. Chưa tới Việt Nam, Elena vẫn có thể hình dung ngôi nhà ở quê của Dân ra sao, bố mẹ và 5 anh chị em của chàng tính tình thế nào. Họ nói chuyện tâm đầu ý hợp đến nỗi bây giờ Trương Văn Dân vẫn còn nhớ như in cảnh mình "nấu cháo" ở bốt điện thoại công cộng. Mỗi lần nói chuyện với nàng, anh liên tục phải thả thêm xu vào. Anh nhớ cả gương mặt những người đứng chờ bên ngoài bốt đập cửa vì anh giữ điện thoại lâu quá.
Bố mẹ nàng rất mến chàng trai Việt, nhưng khi biết tình cảm của đôi trẻ đi qua tình bạn thì người mẹ ra sức phản đối. "Đã có lúc mẹ dọa từ mặt nếu tôi tiếp tục yêu anh Dân. Bạn bè cũng khuyên ngăn. Lý do duy nhất là khoảng cách địa lý. Nhưng tình yêu bền bỉ giữa chúng tôi và tình yêu của tôi dành cho Việt Nam đã khiến cha mẹ tôi phải 'chịu'", Elena nhớ lại.
Elena kiên nhẫn chờ đợi người yêu ra trường, chờ anh kiếm tiền gửi về quê, chờ đến khi công việc của chàng ổn định, mới cưới.
"Mười ba năm quen nhau chưa dám làm đám cưới, thế mà Elena vẫn chờ cho đến lúc gánh nặng trên vai tôi nhẹ bớt. Nàng chấp nhận tôi từ khi còn là một 'công tử' ngu ngơ du học đến những năm khó khăn sau năm 75, ở nhà không lò sưởi, mùa đông trong nhà còn lạnh hơn ngoài trời; thời tôi còn không còn cả tiền ăn sáng...", sau này Trương Văn Dân viết về vợ trong một tùy bút. Trong thời gian ấy, từ cô nữ sinh, Elena đã trở thành một tiến sĩ ngôn ngữ và văn học Pháp.
Mãi đến năm 1985, mối tình của họ mới chuyển hóa thành hôn nhân. Mẹ chồng rất chiều Elena vì thương con dâu tiểu thư châu Âu về Việt Nam thời còn nghèo khó, điện không có, trẻ con người lớn tò mò chạy đến xem. Bố chồng là dược sĩ và giỏi tiếng Pháp, có thể nói chuyện thoải mái với cô, đặt cho cô cái tên tiếng Việt Lê Thị Lê Na.
Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ sau đó tiếp diễn tại Italy, nơi Elena giảng viên đại học lương cao, dạy ngôn ngữ và văn hóa Pháp (1982-2010), còn Dân là quản lý phòng nghiên cứu của một tập đoàn dược lớn. Năm 1995, sau khi thử sức dịch truyện, được bạn bè khuyến khích, Trương Văn Dân vừa làm dược, vừa dịch thuật và sáng tác văn.
Mỗi năm, Trương Văn Dân vẫn đưa vợ về thăm Italia ít nhất một lần. Ảnh: Quyên Nguyễn.
|
Cuộc sống ở châu Âu đủ đầy, nhưng Trương Văn Dân muốn dành nửa đời sau ở quê hương. Ông bị nhiều người ngăn cản nhưng lại được vợ tán thành. Năm 2012, họ hoàn tất việc chuyển về Việt Nam.
Yêu chồng, yêu Việt Nam, Elena thích nghi rất nhanh với cuộc sống ở đây. Bà tự tay dùng gàu múc nước uống ngon lành, bà ăn các món Việt giỏi hơn chồng, thậm chí dạy ông ăn sầu riêng. Từ chỗ chỉ bập bẹ "xin chào", "cảm ơn", tiếng Việt của Elena khá lên rất nhanh. Giờ đây nếu chỉ nghe tiếng mà không nhìn mặt, nhiều người có thể nhầm bà là một phụ nữ gốc Bình Định.
Elena đặc biệt thích mặc áo dài. Được mọi người gọi là "người Bình Định", "cô dâu Tây Sơn", "cháu gái Quang Trung"... bà vô cùng hạnh phúc.
Sống ở Việt Nam, Elena đã xuất bản được 3 cuốn tản văn, bên cạnh việc giảng dạy văn hóa Pháp và tiếng Italy tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Nhạc viện thành phố... Gần đây, bà nghỉ dạy để dành thời gian cho sáng tác. Còn Trương Văn Dân, ngoài dịch sách, ông cũng viết truyện ngắn và tiểu thuyết.
Nhận thấy quyền lực giàu có là những "gánh nặng trên vai. Trèo lên thì nặng nề mà đi xuống thì rất dễ mất thăng bằng", cặp vợ chồng chọn lối sống giản dị trong căn hộ 70m2 tại một tòa nhà không có thang máy giữa trung tâm TPHCM để tiện gặp gỡ bạn bè. Họ không đặt nặng vấn đề ăn uống, không phức tạp hóa việc nhà, dành thời gian cho đọc sách và sáng tác. Không có con, cuộc sống của họ vẫn ngập tràn tiếng cười.
"Sống tại một nơi xa gia đình đến nửa vòng trái đất, nhiều khi tôi nhớ nhà lắm, nhất là khi nghe nhạc Giáng sinh, năm mới. Nhưng chỉ cần có anh Dân ở bên cạnh, mọi nỗi buồn đều được xua tan", bà Elena tâm sự.
Nhà văn Nguyễn Quyên kể mỗi lần nói chuyện với từng người, chị lại xúc động khi thấy người này đều cảm thấy có nợ người kia. Còn trong mắt nhà văn Dạ Ngân, "nữ trí thức châu Âu theo chồng về Việt Nam sống, viết văn và yêu chồng, yêu Việt Nam một cách kỳ lạ. Tôi ngưỡng mộ cách sống, cách chọn lựa và tình yêu của hai người".
Kim Anh (TheoVnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét