3 câu chuyện đáng suy ngẫm.

7:53:00 SA
 

Thế giới đang âm thầm thưởng tặng những người tốt: 3 câu chuyện suy ngẫm.
Người xưa và những người lương thiện đều tin rằng “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, mỗi hành động tốt mà con người làm đều sẽ được hồi báo bằng điều tốt đẹp, còn những việc ác sẽ nhận phải ác báo tương ứng trong tương lai. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người không còn tin vào điều đó nữa.
Dù tin hay không tin, thì trên thực tế có rất nhiều sự việc xảy ra minh chứng một điều rằng “thế giới đang âm thầm thưởng tặng những người lương thiện, và lặng lẽ trừng phạt những kẻ xấu”.
Cùng đọc 3 câu chuyện dưới đây và suy ngẫm:

Câu chuyện thứ nhất
Tại một cửa hàng bách hóa tổng hợp ở Mỹ, trời đột nhiên mưa to, có một bà cụ mặc bộ quần áo đơn sơ cả người ướt đẫm đi vào trú mưa, hầu như tất cả các nhân viên bán hàng đều không muốn tiếp bà cụ.
Có một chàng trai chân thành nói với bà cụ rằng: “Xin chào bà, cháu có thể giúp gì được cho bà ạ?”. “Không cần đâu, tôi trú mưa một lúc là đi ngay”. Bà cụ cảm thấy trú mưa nhờ ở chỗ người khác có hơi ngại nên định mua món hàng nào đó, thế nhưng xem cả hồi lâu mà thật sự không biết mua cái gì.
Chàng trai trẻ thấy thế bèn nói với bà: “Thưa bà, không cần đâu ạ. Cháu đã đặt một chiếc ghế ở cửa, bà cứ yên tâm ngồi nghỉ là được rồi ạ”. Hai tiếng đồng hồ sau mưa đã tạnh, bà cụ xin danh thiếp của chàng trai trẻ rồi đi.
Vài tháng sau, chàng trai được chỉ định đại diện công ty bách hóa này, đi bàn công việc với một công ty gia đình lớn khác với mức lợi nhuận rất cao.
Sau này, chàng trai mới biết rằng đây là cơ hội do bà cụ lần đó cho mình, bà cụ ấy không phải ai khác mà chính là mẹ của tỷ phú người Mỹ – ông “Vua Thép” Andrew Carnegie.
Thế nên chàng trai trẻ này đã thuận lợi trở thành trợ thủ đắc lực của ông vua ngành thép Andrew Carnegie, đồng thời cũng là nhân vật quan trọng trong đế quốc giàu có của ông.
Sự chân thành và tốt bụng là điều khó có thể giả vờ được. Những người tôn trọng bất cứ ai xuất phát từ tấm lòng lương thiện tự nhiên sẽ có được nhiều cơ hội hơn người khác. Trên thế giới không có nhiều thứ vô giá, nhưng sự chân thành và tốt bụng lại chính là những điều vô giá ấy.
Câu chuyện thứ hai.

Sa mạc Sahara còn được gọi là “Biển Chết”. Những ai đi vào sa mạc này đều một đi không trở lại. Cho đến năm 1814, một nhóm khảo cổ lần đầu tiên phá vỡ lời nguyền chết chóc này.
Khi đó, khắp nơi trong sa mạc đều có thể thấy xương cốt của người chết, trưởng nhóm khảo cổ luôn bảo mọi người dừng lại, chọn những chỗ cao để đào đất chôn những bộ xương kia xuống rồi dùng cành cây hoặc phiến đá để làm bia mộ cho họ. Thế nhưng xương cốt trong sa mạc thật sự là quá nhiều, việc đào mộ tốn rất nhiều thời gian.
Thế nhưng người đội trưởng vẫn kiên quyết nói: “Mỗi một bộ xương đều từng là người đồng hành chúng ta, sao có thể nhẫn tâm để họ phơi xác nơi hoang mạc chứ?”
Khoảng một tuần sau, nhóm khảo cổ phát hiện rất nhiều di tích cổ xưa cũng như những văn vật gây chấn động thế giới trong gia mạc.
Nhưng khi họ đang rời đi thì đột nhiên xảy ra bão cát, suốt mấy ngày mấy đêm không nhìn thấy mặt trời. Tiếp đó, la bàn không còn hoạt động được nữa, nhóm khảo cổ hoàn toàn bị mất phương hướng, thức ăn và nước ngọt bắt đầu cạn kiệt, lúc này họ mới hiểu được vì sao những người đồng hành trước kia không thể đi ra khỏi sa mạc được.
Đúng vào lúc nguy nan, người đội trưởng bỗng nói: “Đừng tuyệt vọng, chúng ta đã để lại rất nhiều điểm đánh dấu trên đường đến.”
Họ lần theo số bia mộ đã lập trên đường đến, cuối cùng đã ra khỏi được Biển Chết.
Khi trả lời phỏng vấn của tờ The Times, các thành viên của nhóm khảo cổ đều xúc động: “Sự lương thiện là biển dẫn đường mà chúng tôi để lại cho chính mình”.
Trong sa mạc, sự lương thiện là biển dẫn đường để tìm được đường về nhà. Trên đường đời, sự lương thiện là kim chỉ nam cho tâm hồn, giúp chúng ta mãi mãi không đánh mất phương hướng.
Câu chuyện thứ ba
Trong quyển tự truyện của một vị thầy giáo về thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc mà ông đã trải qua, ông cho biết đó là những trải nghiệm khắc nghiệt, may mắn là ông gặp được một người giám ngục mà mỗi lần thẩm vấn đều nói những lời rất ghê gớm. Thế nhưng người này luôn cố ý để lại vài thứ gì đó, ví dụ như một tờ báo, nửa cái màn thầu, có lần còn bỏ lại một mẩu thuốc giảm đau, điều kỳ lạ nhất là lần người đàn ông hung dữ để lại một đóa hoa cúc dại khi đến thẩm vấn ông.
Mỗi lần người thầy giáo này cảm thấy tuyệt vọng thì chính những điều bất ngờ này đã cho ông hy vọng, ông tin chắc rằng rồi mùa xuân sẽ đến. Quả nhiên là mùa xuân đến thật, án oan sai ông được xét lại. Sau đó, ông đã dùng cách của riêng mình để giúp đỡ con trai của người giám ngục được vào đại học cũng như trở thành học trò của mình, ông cũng chưa từng nói ra bí mật này, ông chỉ thỉnh thoảng hỏi thăm tình hình của người giám ngục từ con trai ông ấy, họ âm thầm quan tâm đến nhau như thế.
Sau khi người giám ngục kia qua đời, vị thầy giáo đã nhờ người giúp ông tặng một vòng hoa, người giao hoa hỏi ông muốn viết gì. Người thầy giáo trầm ngâm một lúc rồi nói: Một người bạn tù.
Người ta thường nói rằng “Vui vẻ tốt bụng mới có thể khiến người khác nể phục, xem mọi việc như nước thì sẽ có thể đón nhận vạn vật”. Thật ra, thế giới chính là một bức tường phản hồi khổng lồ, bạn đối xử với thế giới ra sao, thế giới sẽ trả lại cho bạn thế ấy. Bạn đối xử với người khác thế nào, người khác sẽ đáp lại bạn như vậy. Ẩn phía sau sự lương thiện của bạn chính là con đường tương lai của bạn.
Bạn sẽ không biết được một hành động tốt đẹp của mình sẽ mang đến vận may ra sao, thế nhưng sự lương thiện xuất phát từ trái tim của bạn lại sẽ giúp bạn có được cả thế giới.
Giáo sư Adam Grant của Trường kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania cho rằng giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề có thể giúp chúng ta học hỏi, vốn liếng xã hội của bạn cũng sẽ được tích lũy, thế nhưng những điều này đều không thể hiện ra ngay, mà sẽ mang đến bất ngờ khi bạn không ngờ đến.

(Ngọc Nga sưu tầm)
  



Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.