CƠN ÁC MỘNG ( ALBERT EINSTEIN )

8:07:00 SA

 CƠN ÁC MỘNG ( ALBERT EINSTEIN )
Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu
Mục đích của giáo dục không phải sản xuất ra các thợ may giỏi, thợ giầy giỏi, người buôn bán giỏi, hay chiến sĩ giỏi, mà để làm cho ra các thợ may, thợ giầy, doanh nhân và chiến sĩ trước nhất thành người, theo nghĩa cao quý nhất của danh từ.
Do đó, mục tiêu của tất cả giáo dục và giảng dạy là, và không gì khác hơn, sự phát triển hài hòa của các tài năng và năng lực nằm trong bản chất con người.
PESTALOZZI
Dẫn nhập
Đúng 100 năm trước, bài viết ngắn này của Einstein, thực hiện theo yêu cầu của nhà báo, được đăng trên tờ Berliner Tageblatt của Berlin ngày 25/12 năm 1917, phản ảnh một phần quan điểm giáo dục nhân bản của ông, quan điểm dù người ta có chia sẻ hay không trong thời đại sôi nổi này, nhưng đã toát ra từ một con người được xem như một ‘tài năng hoàn vũ’ của thế giới. Quan điểm giáo dục của ông hẳn có sự liên hệ mật thiết với sự phát triển tài năng đặc biệt của ông. Giáo dục nhân bản ngày nay chỉ còn là “của hiếm”. Những đóa hoa tinh tế và lộng lẫy khó nở và giữ lâu trong một nhà kính nóng bỏng của không khí chạy đua toàn cầu, trong lãnh vực giáo dục cũng như kinh tế. “Tôi tin rằng sở thích vật lý của tôi hình thành vào thời điểm này”, Einstein kể lại, tức là thời điểm khi ông lần đầu tiên hưởng được lối giáo dục nhân bản không nhồi nhét, không học thuộc lòng ở Thụy Sĩ, theo phương pháp của nhà cải cách giáo dục Thụy Sĩ Johann Heinrich Pestalozzi, nơi ông tìm thấy một môi trường thích hợp cho những khả năng phát triển của ông một cách tự nhiên như trời sinh. Ông viết: “Tôi nghĩ người ta có thể làm mất đi tính háo ăn của một con thú ăn thịt sống nếu cứ bắt nó phải ăn dưới roi vọt, ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta tự chọn cho nó những thức ăn dưới áp lực đó.” Và “Sự phát triển khả năng tổng quát nhằm tư duy và phán đoán tự lập nên luôn luôn được đặt lên hàng đầu chứ không phải sự tích luỹ của kiến thức chuyên môn”. Con người chỉ thật biết những sở thích, ham muốn của mình khi được sống trong sự tự do không bị cưỡng ép và câu thúc. Chỉ trong tự do, con người mới nghe được ‘tiếng lòng’ của mình. Rồi những kỳ thi tốt nghiệp ở đại học lại đến với ông chẳng có gì vui: “Để chuẩn bị cho các kỳ thi người ta phải tự nhồi nhét hết tất cả cái mớ hỗn độn này vào người, dù muốn hay không. Sự cưỡng bách này tác động thật khủng khiếp đến nỗi sau các lần thi tốt nghiệp đã vượt qua, mọi sư suy nghĩ về các vấn đề khoa học đã trở nên chán ngán đối với tôi một năm liền.”(1) Đoạn đường sau đó của ông là giai đoạn bùng nổ tài năng trọn vẹn, lúc ông sống trong tự do, dù phải chật vật đi kiếm sống bằng nghề tay trái ở Sở Sáng chế Bern, nhờ đó ông đã phát triển tài năng rất đa dạng của ông. Việc bước lên đỉnh cao vinh quang sau đó chỉ là kết quả chứ không phải mục tiêu.
NXX
Tháng 9, 2016

Albert Einstein, Cơn Ác Mộng (1917):

“Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (tú tài) sau những năm học bình thường không những vô ích mà còn tai hại. Vô ích là vì tập thể thầy cô của một trường không nghi ngờ có thể đánh giá được học lực của một người trẻ đã theo học trường nhiều năm. Ấn tượng mà các thầy cô đã thu được từ một học sinh trong thời gian theo học, cộng thêm số lượng ắt hẳn lớn các bài làm mà mỗi học sinh phải thực hiện, tạo nên một cơ sở đầy đủ để đánh giá một học sinh, tốt hơn kết quả mà một kỳ thi được thực hiện cẩn thận có thể mang lại.
Tôi cũng cho rằng kỳ thi tú tài là tai hại vì hai lý do. Nỗi sợ hãi thi cử cũng như khối lượng bài vở lớn phải học thuộc lòng gây tai hại ở mức độ lớn cho sức khỏe của nhiều con người trẻ. Sự thật quá quen thuộc này không cần một sự lý giải chi tiết. Tuy nhiên tôi muốn nhắc đến sự thật đã được biết tới, rằng nhiều con người trong nhiều lãnh vực nghề nghiệp rất khác nhau, những người mà trong đời họ tượng trưng cho “tính cách mạnh mẽ của đàn ông”, và không hề có thể bị liệt kê vào danh sách những người thần kinh yếu, những người đó đã bị các cơn ác mộng gây tác hại cho tới những năm về sau mà nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc thi tú tài.
Kỳ thi tú tài cũng còn gây tác hại vì lý do nó hạ thấp trình độ học trong những năm cuối ở nhà trường. Thay cho việc nghiên cứu nội dung các đề tài học là một loại huấn luyện ít nhiều có tính hình thức các học sinh cho kỳ thi; thay cho việc học theo chiều sâu là một loại tập luyện hình thức với mục đích tạo cho lớp học một vẻ hào quang nhất định trước các vị giám khảo.
Cho nên hãy hủy bỏ kỳ thi tú tài!”
A.E.
Bài báo của Einstein
Einstein năm 17 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.