Vén màn bí ẩn những thi hài hàng trăm năm không phân hủy
Năm 1647, các công nhân bất ngờ tìm thấy một thi hài còn nguyên vẹn khi làm vỡ một ngôi mộ nằm trong khuôn viên nhà thờ Saint Andrew ở thành phố Venzone ở Italy. Kể từ đó, nhiều thi hài khác được phát hiện không có dấu hiệu bị phân hủy dù không trải qua quá trình ướp xác.
Trong quá trình thi công sửa chữa nhà thờ Saint Andrew ở thành phố Venzone, tỉnh Udine, Italy năm 1647, các công nhân vô tình làm vỡ một ngôi mộ. Người ta không khỏi bất ngờ khi phát hiện một thi hài còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm dù không trải qua quá trình ướp xác.
Trong những năm tiếp theo, các chuyên gia phát hiện được tất cả 42 thi hài không có dấu hiệu bị phân hủy trong khuôn viên nhà thờ Saint Andrew.
Trước phát hiện này, các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu vì sao những thi hài này không bị phân hủy sau hàng trăm năm.
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, da của những thi hài trên có màu vàng nâu.
Một số cơ quan nội tạng của người chết còn gần như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, thận và tuyến tụy của toàn bộ những thi hài trên đều không còn.
Não bộ chỉ còn trọng lượng khoảng 1/3. Đa số trọng lượng của các thi hài được tìm thấy tại nhà thờ Saint Andrew nặng khoảng 10 - 20 kg. Nhiều chuyên gia nhận định những thi hài này được ướp xác tự nhiên.
Học giả F. Savorgnan de Brazza có bài viết đáng chú ý về việc ướp xác tự nhiên được xuất bản năm 1906. Theo ông Brazza, ướp xác tự nhiên có thể được thực hiện mà không cần đến phản ứng hóa học. Thay vào đó, ướp xác tự nhiên có thể diễn ra nhờ quá trình sinh học.
Ông Brazza tin rằng, Hypha tombicina - một loại nấm ký sinh có thể liên tục khử nước bên trong thi thể giúp ngăn chặn lại quá trình phân hủy thi hài.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng tìm thấy nấm ký sinh Hypha tombicina trên một số thi thể được phát hiện tại nhà thờ Saint Andrew. Loại nấm ký sinh này cũng có trong những cỗ quan tài bằng gỗ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định nấm ký sinh Hypha tombicina không phải là yếu tố duy nhất giúp hàng chục thi hài trên không bị phân hủy suốt hàng trăm năm. Cho đến nay, nguyên nhân giúp các thi hài này được bảo quản nguyên vẹn như vậy vẫn là bí ẩn lớn.
Tâm Anh (theo Ancientpages)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét