ÔNG GIÀ NÔ-EN KHÔNG MẶC ÁO ĐỎ

6:20:00 SA

 









ÔNG GIÀ NÔ-EN KHÔNG MẶC ÁO ĐỎ





Ô ng lão khó tính quá!

Đã đành người già lúc đau ốm dĩ nhiên có trái tính trái nết rồi nhưng “khó” đến ngay con ruột ông lão còn không kiên nhẫn nổi, nuôi bệnh vài hôm là tìm cách rút lui, đùn đẩy cho nhau.

Ông lão khó tính, khó ngủ, khó ăn, khó cả đến uống và tiêm thuốc. Tuổi già vốn ít ngủ giờ càng ngủ ít hơn, mà hễ thức là ông trăn trở rên rẩm suốt vì cơn đau hành hạ triền miên. Lúc quặn thắt, lúc nhói buốt, lúc âm ỉ. Thật… sốt ruột!

Nhìn ông lão uống thuốc kìa, sao vất vả quá! Cũng lắc đầu ngoay ngoảy, cũng mím chặt môi, cũng úp mặt xuống gối… chẳng khác trẻ con! Mà có lẽ còn hơn trẻ con nữa, vì với một đứa trẻ, người ta có thể dùng sức mạnh giữ chặt tay chân nó, nắm tóc kéo cho ngửa mặt ra rồi bóp mạnh hai hàm buộc nó phải hả họng để người ta đổ thuốc vào. Còn đằng này… Không thể bạo lực với một người già đang ốm nặng lại cao lớn trên… 80 ký; Càng không thể nắm cái đầu trên đỉnh chỉ còn loe hoe một dúm tóc bạc phau phau; Mà ngay cả khi có bị bóp mạnh hai hàm để đổ thuốc thì ông lão cũng lập tức phun ra phì phì chứ nào chịu yên?

Lúc cho ăn càng vất vả. Đang bệnh miệng khô lưỡi đắng, có nem công chả phụng cung đình cũng chẳng thiết tha, huống gì cháo là thứ bình thường ông lão rất “sợ”. Con cháu xách cháo vào ép ăn làm ông nổi giận hất văng xuống đất, cố tình không thèm hiểu rằng đó là món duy nhất bác sĩ cho phép ăn.

Cuộc sống những người con bị xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề. Con gái viện lý do khá hợp lý là mình ốm yếu không đủ sức nâng đỡ cha, chưa kể vấn đề vệ sinh thật vô cùng bất tiện. Còn hai con trai quay cuồng với công việc ở công ty, lấy đâu ra thời gian vào nuôi cha nằm bệnh?

Bây giờ các bệnh viện luôn có đội ngũ nuôi bệnh thuê, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, kiểu “thuận mua vừa bán”. Nhưng mướn mấy người rồi mà không ai trụ lại được ba ngày. Chăm “Lão tiên sinh” vất vả hơn... đi cày nên dù được hứa trả công hậu hĩnh, họ thấy “bỏ của chạy lấy người” vẫn là khôn ngoan nhất!

Bất đắc dĩ, con cháu phải chia phiên nhau nuôi bệnh ông lão -chứ biết bỏ cho ai? Và vì bất đắc dĩ nên có phần tắc trách, có phần chiếu lệ. Ai cũng ngán ngẩm. Người kêu ca, người ấm ức, người đổ lỗi cho ông Trời khắc nghiệt và bất công. Ôi chao, đến ông Trời còn bị oán trách thì chẳng còn ai làm họ hài lòng!

Vậy mà có đấy: Bất thình lình, người ấy xuất hiện -như từ trên trời rơi xuống cứu khổ cứu nạn cho cả một gia đình đáng thương. Biết đâu ông Trời nghe họ “vạch tội” rác tai quá nên đành phải sai một thần tiên hạ phàm chăng?

Thật sự, người thanh niên đó bình thường như các thanh niên bình thường khác, nhưng gia đình ông lão thấy anh chính là Bụt, hậu duệ của ông Bụt đã hiện ra giúp cô Tấm ngày xưa. Nhất định là thế! Chứ làm gì lại có hàng loạt điều lạ lùng xảy ra cùng lúc như thể tình cờ vậy?

Tình cờ khi đoàn thanh niên nam nữ thiện nguyện vào bệnh viện, chia nhau đến từng khoa, vào từng phòng, tặng quà từng bệnh nhân nội trú; Tình cờ khi người thanh niên đó tiến đến giường ông lão ân cần hỏi han... Và chẳng biết cũng tình cờ hay vì lúc đó cô cháu ngoại mải mê chúi đầu vào điện thoại chơi game quên tuốt người ông đang rên rỉ, khiến anh ta ái ngại quá nên nấn ná ngồi lại khá lâu, lúc bạn bè xong nhiệm vụ đã quay ra xe chờ rồi? Ngạc nhiên gây chấn động hơn là hôm sau anh quay lại thăm hỏi, vẫn tỏ ra quan tâm và thân thiện. Đã thế, chẳng ai sai ai nhờ còn dùng khăn ấm lau người cho ông lão, kỹ lưỡng và gượng nhẹ.

Thoạt tiên, người nhà ngỡ ngàng không hiểu. Dù biết anh thanh niên tên Thanh này là thành viên nhóm thiện nguyện hôm qua thì họ vẫn ngờ vực. Nhưng suy xét kỹ, điều anh ta làm chỉ có lợi chứ không thiệt hại gì cho họ. Ngoài thân xác ươn ao nằm kia, ông lão có gì để anh ta trục lợi?

Đến khi Thanh xin được ở nuôi bệnh cho ông lão thì người ta phần nào đoán ra: anh ta nghèo quá lại đang lâm cảnh thất nghiệp rất cần tìm một công việc để làm!

Dĩ nhiên cả nhà hoan hỉ đồng ý ngay. Ôi chao, “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Hên quá, hên quá! Họ chỉ lo một điều: rồi anh nuôi bệnh nghiệp dư này chịu không nổi bệnh nhân khó tính, cũng sẽ rút lui sau vài ngày… thử việc. Thế là họ bàn nhau vội vã hứa hẹn ngay mức thù lao thật hấp dẫn, tin rằng hậu đãi ấy sẽ giữ chân Thanh đến ngày ông lão ra viện. Mà ngày ấy thì bác sĩ trưởng khoa đã nói riêng với họ rồi: “Không ai biết trước”, bất ngờ cứ như… kẻ trộm!

Thanh không thắc mắc gì, bắt tay vào công việc đã tự nguyện nhận lấy. Chứng kiến tận mắt sự chu đáo tận tình của anh, cả nhà hết sức tin tưởng yên tâm giao phó ông lão cho Thanh xoay sở, sáng sáng họ đảo vào thăm cha đôi phút rồi đi.

Trước kia đã nhiều năm phụ mẹ chăm sóc bà ngoại nên Thanh khá thạo việc. Anh thường xuyên trở mình cho lưng ông lão bớt tê mỏi, tránh sinh lở loét. Ngày hai lượt được lau rửa thay áo quần sạch sẽ, ông không còn ngứa ngáy do nóng bức, đã ngủ dễ dàng hơn. Ông cũng không nỡ từ chối lời dỗ dành nhẹ nhàng khéo léo của anh, chịu ngoan ngoãn nhấm nháp đôi chút món cháo đáng sợ.

Như một chuyên gia tâm lý, Thanh bỏ nhiều giờ trò chuyện, tháo mở dần dần từng nút thắt từ lâu buộc chặt trái tim ông lão gây ngột ngạt, thất vọng và nỗi đau. Lòng ông nhẹ nhõm vì được an ủi, được nâng đỡ nhờ một tâm hồn đồng điệu thấu cảm và sẻ chia.

Hơn chục năm nay, từ khi sức khỏe sa sút, không thể tự do đến những nơi muốn đến, không còn được làm những việc muốn làm, ông lão rơi vào trầm cảm, như lạc lõng trong ngôi nhà sang trọng. Con cháu vẫn bên cạnh đấy nhưng có đời sống riêng, tư tưởng riêng, khó đồng cảm dung hòa thế hệ. Những ngày nằm viện rất cô đơn, ông thấy mình bây giờ thành một gánh nặng, là “cục nợ đời” mà con cháu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Ý nghĩ bi quan khiến tâm trạng thêm chán chường tuyệt vọng, và ông vùng vẫy phản kháng bằng cách bất hợp tác với tất cả. Hố sâu cách biệt vô tình càng bị đào sâu thêm: con cháu càng ngán ngẩm, sợ hãi, chỉ muốn lánh xa thì ông lão càng khó tính khó nết, một cách kêu gọi sự quan tâm của con cháu.

Bằng những lời rủ rỉ chân tình, Thanh dần xoa dịu tư tưởng yếm thế, vực dậy tinh thần của ông lão. Có khi chẳng cần nói gì, anh chỉ cầm bàn tay ẩm ướt lạnh giá của ông mà ngồi yên lặng rất lâu. Anh thương nỗi cô đơn của ông như thương thân phận chính mình.

Thanh không có cha… Nói chính xác thì người cha ấy đã bỏ nhà đi biệt từ khi Thanh còn nhỏ lắm. Anh nghe mẹ kể rằng: quê cha ở một tỉnh xa, vì không chịu nổi dì ghẻ khắc nghiệt nên bỏ nhà đi biệt xứ, đến khi gặp và thương mẹ thì ở lại quê vợ. Có lẽ vì cảnh túng quẫn đeo đẳng xô đẩy ông dứt áo ra đi lần thứ hai, hy vọng tìm cơ hội đổi đời.

Cha có đổi được đời không, Thanh không biết. Vì từ đấy chẳng ai có tin tức gì của ông nữa. Có thể ông đã giàu sang mà cũng có thể vẫn lận đận nổi trôi nơi xóm nghèo nào đó; Có thể ông đã quay về nhà sống cùng cha ruột và dì ghẻ mà cũng có thể ông đang hạnh phúc tràn trề bên người vợ mới… Tất cả chỉ là phỏng đoán mơ hồ.

Những ngày tháng sau khi cha bỏ đi đóng vào tâm hồn Thanh dấu ấn vô cùng tồi tệ. Nhiều năm về sau, anh vẫn nhói lòng khi hồi tưởng thời gian ấy. Chút hoa lợi từ khoảnh vườn còm cõi không đủ giúp mẹ anh nuôi đứa con nhỏ cùng một mẹ già nằm một chỗ từ lâu. Mang sẵn trong người trái tim đau yếu, mẹ Thanh không đương nổi các việc tay chân nặng nề nên chủ yếu chỉ bán buôn lặt vặt, lúc thúng rau quả mít, khi mớ cá cặp gà… Ở vùng quê, vườn nhà nào cũng dư thừa rau trái, cá hay vịt gà càng sẵn hơn, nên chút vốn liếng nhỏ nhoi của mẹ Thanh teo tóp dần. Bà vẫn mơ ước mỗi ngày có một nồi xôi đem lên chợ Huyện bán. Người trên Huyện tiền bạc rủng rỉnh, việc buôn bán trôi chảy hơn nhiều.

Dù cuộc sống gieo neo bữa đói bữa no, nợ nần tứ phía bủa vây thì bà vẫn dùi gắng cho Thanh đến trường, bà hiểu chỉ có học vấn mới thay đổi tương lai của con. Gà vừa gáy sáng là mẹ con đã dậy chuẩn bị ra chợ cùng lúc. Mẹ đem hàng đi bán còn con vào học ở cái trường nghèo gần chợ. Một tay ôm tập vở, một tay nắm áo mẹ, Thanh lẽo đẽo vừa đi vừa ngáp đến sái hàm. Nhiều hôm trời mưa, con đường đất từ nhà đến chợ sình lầy ngập ống chân, trơn như đổ mỡ. Mẹ con rón rén bấm chặt mười đầu ngón xuống đất mà dò dẫm từng bước. Nhiều lần không gượng được, Thanh trượt ngã oành oạch, kéo cả mẹ ngã theo. Cậu học trò nhỏ thường xuyên đến lớp muộn giờ, áo quần tay chân lấm lem bùn đất, thành đề tài cho bạn bè chọc ghẹo.

Qua cấp Hai, Thanh phải lên học trường Huyện, đổi sang nỗi vất vả khác. Đường từ Huyện về làng trên mười cây số, được trải nhựa nên ngày mưa không nhơ nhớp bùn nhưng buổi trưa nắng như rang chảo. Đầu không nón, chân không dép, Thanh lếch thếch lội bộ một mình giữa ánh mặt trời từ đỉnh đầu dội xuống trộn sức nóng từ đường nhựa hắt ngược lên nung da mặt đỏ ửng, hai tai ran rát bỏng, tóc trên đầu như sắp khô cong. Con đường đã xa lại càng thêm hun hút.

Bạn bè chẳng ai vất vả như Thanh, bởi đa số ở ngay Huyện, chạy ù một quãng là về tới nhà. Mà nếu có đứa nào nhà xa quá thì đã được người nhà đưa đón bằng nhiều phương tiện: xe đạp, xe máy cày hoặc ghe, xuồng.

Vì vậy tuổi thơ của Thanh khát khao đến ám ảnh một chiếc xe đạp. Cũ cũng được, xấu xí cũng được, thậm chí không vè hay thiếu căm cũng được. Sức người có hạn, Thanh đã nghĩ mình sẽ không thể tiếp tục học lên. Ý nghĩ ấy làm lòng anh rưng rưng tiếc nuối. Nhưng chưa khi nào anh hé môi về ao ước cháy bỏng ấy, tự dặn mình không được phép than thở hay xin xỏ mẹ bất cứ thứ gì. Cứ giữ cho chiếc xe đạp tồi tàn mãi mãi nằm trong mơ ước mà thôi.

Không ngờ điều kỳ diệu đã đến vào một ngày cận lễ Giáng Sinh, năm Thanh học lớp tám. Hôm đó cả trường trang hoàng rộn rịp đón đoàn từ thiện từ Sài Gòn xuống phát quà và tặng học bổng cho học trò nghèo khá, giỏi. Cô giáo bảo rằng mùa Giáng Sinh nào, họ cũng tổ chức những chuyến đi như thế, đến các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Hôm đó, đoàn từ thiện xuất hiện, không ồn ào phô trương thì lũ học trò quê vẫn chiêm ngưỡng như các ông Bụt, bà Tiên từ trời vừa hạ cánh.

Không gọi họ là Bụt hay Tiên, cô Hiệu trưởng nhiều lần dùng một tên lạ “Quý vị Mạnh Thường Quân” trong bài cám ơn xúc động. “Quý vị Mạnh Thường Quân” ấy có đàn ông có đàn bà; Có người trẻ hơn cả cô giáo, lại có người lớn tuổi, tóc trên đầu muối nhiều hơn tiêu. Họ hay cười, thích xoa đầu, vỗ yêu vào má học trò. Những gói quà được phát ra cho suốt lượt, chỉ nhìn giấy bọc màu xanh màu đỏ gài nơ tím nơ vàng đã thích mê rồi.

Thanh được gọi lên nhận học bổng cùng 29 bạn khác. Rất nhiều năm về sau, lòng anh vẫn bồi hồi khi nhớ lại thời khắc ấy. Ông Mạnh Thường Quân trao học bổng chăm chăm nhìn anh từ đầu xuống chân. Bàn tay to lớn của ông không vỗ đầu hay xoa má mà nắm gọn bàn tay nhỏ bé của anh, thật chặt và rất lâu. Ông còn hỏi thăm cả đến cha mẹ khiến Thanh bỡ ngỡ, cảm động lại thêm chút tủi thân, không ngăn được giọt nước mắt nóng hổi rơi lên bàn tay ông.

Trao học bổng xong, ông Mạnh Thường Quân đến gần cô Hiệu trưởng nói câu gì đó, để rồi cô vui mừng báo tin: vị Mạnh Thường Quân này tặng thêm em học trò Đỗ Thanh một chiếc xe đạp. Cả trường vỗ tay rào rào còn chân Thanh run bây bẩy bởi niềm vui quá đột ngột, chưa kịp hoàn hồn.

Mấy ngày sau, Thanh được gọi lên văn phòng nhận một chiếc xe đạp. Nó không cũ, không xấu, không mất vè cũng không thiếu căm, mà mới toanh vừa khui từ thùng ra.

Rất nhiều năm sau, chiếc xe đạp thành tài sản quý giá và hữu ích của Thanh. Sáng sáng đi học, anh chở theo cả mẹ lẫn nồi xôi lên chợ Huyện bán, như bà đã mơ ước. Trên chục cây số từ trường Huyện về nhà Thanh vẫn nắng chang chang bây giờ không còn là chướng ngại đe dọa con đường học vấn của anh. Cuộc sống dần dễ thở, cơm áo gạo tiền thôi trĩu nặng lên bờ vai gầy guộc của hai mẹ con anh.

Chỉ một lần rồi thôi, Thanh không còn gặp lại bất cứ ai trong đoàn thiện nguyện đó nữa nhưng hình ảnh vị Mạnh Thường Quân in đậm trong tim anh. Sao có thể quên được gương mặt tròn phúc hậu, ánh mắt rất hiền, nhất là bàn tay to lớn đã nắm chặt tay anh, như ấp ủ yêu thương?

Khi đó, Thanh chưa hiểu ba tiếng“Mạnh Thường Quân” mang ý nghĩa gì. Anh cũng không muốn gọi ông là Bụt mà thích một cái tên khác chỉ để riêng mình anh biết: Ông-già-Nô-en-không-mặc-áo-đỏ!

Ông-già-Nô-en-không-mặc-áo-đỏ không chỉ giúp mẹ con Thanh thoát cơn lận đận mà quan trọng hơn, đã cho Thanh hiểu anh được quan tâm, được nâng đỡ, được yêu thương chứ không hề bị bỏ rơi, bị lãng quên hay đơn độc. Từ đó, Thanh đã nguyện sẽ sống theo gương Ông-già-Nô-en-không-mặc-áo-đỏ, mang trọng trách phải đền trả cuộc đời những gì đã được nhận. Điều đó tiếp sức mạnh mẽ giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong đời để vươn lên, để sống tốt, để thành đạt...

Thanh không nghèo, cũng không thất nghiệp như người nhà ông lão nghĩ. Vợ chồng anh có công ty kinh doanh riêng. May mắn là anh cưới được người vợ cùng chí hướng, hết lòng ủng hộ chồng hoàn thành tâm nguyện, nên Thanh có thể yên tâm xa nhà hàng tuần, hàng tháng. Ở tuổi Thanh, nhiều người ôm mộng “vá trời lấp biển” hoặc “giải cứu… các hành tinh”, còn anh và bạn bè chỉ quan tâm cúi xuống các phận đời thấp kém qua những việc: sửa nhà, bắc cầu, đào giếng...

Mùa đông năm nay, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 hạn chế các chuyến đi xa nên nhóm thiện nguyện của Thanh chỉ có thể đến tặng quà cho bệnh viện hoặc nhà nuôi trẻ mồ côi. Do đó mà anh và ông lão tình cờ gặp nhau. Phải chăng đấy chính là duyên, là nợ?

♣ ♣

Vậy là Thanh chăm sóc ông lão đã hai tuần. Chỉ hai tuần mà phát sinh tình cảm sâu đậm như thể đã có duyên làm tri âm tri kỷ của nhau từ thuở nào.

Tư tưởng bình ổn nên tinh thần phấn chấn, sức khỏe ông lão có chiều hướng tốt lên nhiều. Tuy thế, Thanh hiểu tuổi cao lại mắc căn bệnh quái ác, thời gian của ông chẳng còn nhiều. Anh đã tìm hiểu kỹ qua vị Bác sĩ trưởng khoa và cả qua Google, nắm bắt diễn tiến của bệnh, biết ông lão có thể đột ngột “ra đi” bất cứ lúc nào.

Như quả bóng bơm đã căng hơi thì phải nổ toang, khối ung nhọt đến lúc chín muồi thì phải vỡ miệng, tuôn các chất kịch độc vào máu và các nội tạng, làm tất cả nhiễm độc, hôn mê rất nhanh. Có khi vài mươi phút trước, bệnh nhân còn nói chuyện với người nhà tỉnh táo lắm, thế rồi chợt nằm im khép mắt như ngủ, cứ thế lịm dần mà ngưng thở. Rất nhẹ nhàng, như để bù cho thời gian vật vã đớn đau.

Không bỏ phí chút thời gian ít ỏi còn lại, Thanh chuyện trò và chăm sóc ông lão tận tụy hơn. Anh thích ngắm bàn tay phải của ông, bàn tay có sáu ngón... À, gọi là “ngón” vì nó cũng dính chút móng bé bằng hột mè, chứ thật sự chỉ là mẩu thịt dư mọc từ mép ngón út. Nó xinh xinh, hồng hồng giống cái mỏ chú gà con. Đôi lần Thanh tự hỏi sao ông lão không cắt bỏ “cái mỏ gà con” thiếu thẩm mỹ đó đi?

Dường như hiểu ý nghĩ của anh, ông lão hỏi:

-Chắc con muốn biết lý do ông giữ lại ngón tay thừa này, phải không?

Rồi không chờ Thanh xác nhận, ông trả lời ngay:

-Để những người thất lạc tìm ra nhau bằng vết tích be bé này.

Tim Thanh như rúng động. Nhớ ngay đến người cha đã biệt tích từ lâu của mình, lòng anh chợt rưng rưng muốn khóc.

Giọng ông lão như thoảng về từ xa xăm:

-Nhiều năm rồi ông thất lạc một người thân. Bây giờ nếu gặp lại ông cũng khó nhận ra họ, nhưng chắc chắn họ nhận được ông khi nhìn thấy ngón tay thứ sáu này... Ông luôn tin thế, con ạ.

Thanh muốn kêu lên: “Vâng ông ơi, con cũng tin!... Đúng thế đấy!”

Và anh ngậm ngùi thầm hỏi: Có phải vì hai cha con anh không có vết tích gì đặc biệt nên mãi mãi chẳng tìm thấy nhau?

♣ ♣ ♣

Ông lão êm đềm ra đi vài ngày sau đó.

Nhận được điện thoại Thanh báo tin, con cháu ông lập tức có mặt đông đủ. Như đã định liệu trước, họ khá bình tĩnh, mỗi người một việc để nhanh chóng đưa ông về lo hậu sự.

Họ đưa cho Thanh một phong bì khá nặng kèm lời cám ơn 19 ngày nuôi bệnh của anh, 19 ngày đủ mãn nguyện cho Thanh và mang lại hạnh phúc tròn đầy cho ông lão. Họ mau mắn đồng ý ngay khi anh xin phép được ở một mình với ông vài phút cuối.

Lẳng lặng đặt phong bì xuống dưới gối ông lão đang nằm, Thanh khẽ khàng nâng bàn tay phải có sáu ngón của ông lên môi, và thêm một lần nữa anh không ngăn được giọt nước mắt nóng hổi rơi lên ngón tay bé xinh như “cái mỏ gà con” thân quen.

Anh nghẹn ngào thì thầm:

-Ngủ ngon nhé, Ông-già-Nô-en-không-mặc-áo-đỏ của con!


Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.