TÔI XA HÀ NỘI

1:55:00 CH


 TÔI XA HÀ NỘI

“Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu”- Hà Nội nhắc tôi nhớ đến Người khi đầu tiên nghe câu hát này từ người cậu ruột.
Ngày đó tôi mới lên 6, đi sơ tán tránh máy bay. Hà Nội cũng chỉ mờ nhạt trong trí nhớ bởi còn bao nhiêu điều mới mẻ ở nông thôn thu hút thằng bé. Có chăng chỉ là hàng cây sấu cổ thụ trên phố Ba Hàng Cây - Phan Đình Phùng, sao lại là cây sấu ? Kể cũng buồn cười, tôi nói với thằng bé con ông chủ nhà : “Tớ thích ăn sắn lắm, cậu chỉ chỗ nào có chúng mình trèo lên hái”. Nó cười bò khi biết tôi tưởng cây sắn giống như cây sấu, quả cũng mọc lủng lẳng trên cành. Kỷ niệm về Hà Nội cũng chỉ là cây kem Thủy Tạ ngon đến nhức răng, bố mua cho một sáng Chủ nhật đi dạo Bờ Hồ, xấu hổ không dám ăn ở ngoài đường, cầm về đến nhà thì chỉ còn mỗi cái que, thế là đứng khóc. Khi lớn rồi, vẫn bị mẹ nhắc chuyện này và trêu : Đúng là “lịch sự” tiểu tư sản.
Khi đến California, việc đầu tiên là tôi gọi điện xin gặp nhạc sỹ Anh Bằng, ông trả lời :
- Không, để chú đến gặp cháu chứ, nhưng cho chú xin 45 phút.
45 phút sau ông đến, ăn mặc chỉnh tề, thắt cravat, người cháu ông bảo :
- Chú đòi đi cắt tóc, tắm gội, thay đồ lớn để tới gặp anh.
Hai chú cháu ôm nhau, ông nói :
- Kể cho chú nghe về Hà Nội đi.
Chẳng biết kể gì, tôi nói :
- Mấy anh sinh viên ở Hà Nội ngày đó đi sơ tán hay hát : “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết…điêu”. Họ sửa một chữ của chú đấy.
Ông cười rất hiền :
- Vui nhỉ.
Một giáo sư ở Washington DC hỏi tôi :"Ngày bé anh học tiểu học ở trường Nguyễn Du, sau đó học ở Ngô Sỹ Liên. Giờ đổi tên là gì hả em ?" -Vẫn tên cũ anh ạ - Tôi trả lời.
Ông lặng đi một chút, thở ra một hơi dài :
- Thế là đêm nay anh ngủ ngon rồi.
Graham Greene, nằm bò trong căn phòng của khách sạn Metropole Hà Nội suốt hai năm viết cuốn tiểu thuyết lừng danh : “Người Mỹ trầm lặng” cũng không nghĩ rằng, Việt Nam, nhất là Hà Nội sẽ theo “ám” ông cả cuộc đời, như có lần ông thú nhận :
“ Chúng tôi, những thằng nhà báo (tình báo), những tay sỹ quan lê dương, chai sạn, lang thang khắp thế giới…nhưng dù ở đâu, Paris, London hay New York, trái tim bỗng run rẩy mỗi khi có ai nhắc đến Hà Nội hay Sài Gòn”.
Một cô nhà báo người Pháp ở HN được hơn 2 năm bỗng nảy sinh tình cảm với thành phố. Cô định in một cuốn sách, chụp ảnh chân dung 100 người HN, kèm theo 100 câu chuyện của họ về thành phố. Cuốn sách đã gần hoàn thành, hôm đó ở Cafe Lộc Vàng cô muốn anh Lộc và tôi kể về HN với chân dung số 95 và 96.Nghe anh Lộc kể chuyện mà cô khóc ròng. Cô bảo :
- Em phải làm lại cuốn sách thôi.Chuyện chú Lộc Vàng sẽ là chân dung đầu tiên.
Tôi kể cho cô nghe về cầu Long Biên, về thằng bé lên 10 tuổi cõng thằng em 5 tuổi bò qua thanh tà- vẹt bắc ngang nhịp cầu bị bom đánh sập. Về nỗi nhớ HN thắt lòng mỗi khi xa. Cái dốc cao bên phía Gia Lâm, mỗi lần đạp xe từ nơi sơ tán về đến nơi là mọi mệt mỏi tan biến, hay mỗi lần về phép từ biên giới, đi xe khách hay nhờ xe tải, bánh xe lăn qua những nhịp cầu già nua, nghe như tiếng xương cốt của người già, vẫn cố, vẫn gồng lên đỡ bước chân của những đứa con bạc bẽo....
Hôm đưa đứa em gái duy nhất đến nghĩa trang (nhà 4 anh em mình nó là gái) về. Rủ thằng em lên cầu Long Biên, qua chỗ nhịp cầu bị sập, nó bỗng hỏi :
- Anh còn nhớ chỗ này không? Ngày anh cõng em qua.
Lạ thật, Hà Nội có gì đâu mà đáng phải nhớ ? Những đêm trên chốt biên giới, mùa mưa rừng rả rích, tiếng nước chảy trên tán lá từ tầng cao rớt xuống tầng lá thấp nghe rậm và buồn, hay ở Budapest êm đềm bên dòng Danupbe xanh, cố chợp mắt thì lại nghe tiếng guốc gõ trên hè và tiếng còi tàu hỏa. Thế là mất ngủ.
Một nhà văn viết : “Khi vào Sài Gòn (năm 54) thì nhớ Hà Nội, sang bên này thì lại nhớ Sài Gòn . Nỗi nhớ nặng gấp đôi, vì sau bóng dáng Đô thành Sài Gòn lại thấp thoáng Kinh kỳ Hà Nội”.
Một lần, ngồi uống ở Sài Gòn nhắc về Hà Nội , tôi nói với người họa sỹ già, nhà ở cạnh hồ Thuyền Quang :
- Chú đang cách xa HN một ngàn năm trăm cây số đấy.
Ông trừng mắt :
- Sao lại một ngàn năm trăm, mày ăn bớt nỗi nhớ của tao à ?
Ông em nhà thơ bảo :
- Anh còn nợ Hà Nội nhiều lắm đấy. Đi xa mà chưa trả hết là không xong.
- Hà Nội nợ tao thì có - Tôi đùa.
Nó nằn nì :
- Anh kể 100 câu chuyện HN đi, cho em xin ké câu chuyện số 63. Hồi nhỏ em ở nhà số 63.
100 câu chuyện, nó có đủ để đo chiều dài nỗi nhớ ?
TheoFb HàNội Tri Thức

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.