Bài ca Hy vọng - Văn Ký - Nghệ sĩ Khánh Vân

6:53:00 SA

                                                          

 Nghệ sĩ Khánh Vân

Điều đáng nói là sau khi người nữ danh ca ấy ra đi mấy chục năm, người đời không lãng quên chị. Bằng chứng là mỗi khi có ai nhắc đến tuyệt tác Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký thì không ai là không nhắc đến giọng hát Khánh Vân… 
Còn nhớ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lúc hãy còn là một cậu bé chân trần ngày ngày hướng mặt ra bờ sông Bến Hải ngóng về Nam như số đông người miền Bắc để gửi nhớ mong qua câu hò trên bến Hiền Lương, một lần tôi đã được chính mắt thấy những nghệ sĩ từ miền Bắc vào biểu diễn trực tiếp trên sân khấu bên sông cho đồng bào bờ Nam cùng xem.
Nói là cùng xem chứ thực ra là để bà con bờ Nam ùa ra bờ sông mà hướng lòng về miền Bắc, lắng từng bài ca mang giai điệu lạc quan hy vọng đặng gắng sức đấu tranh cho ngày Bắc Nam thống nhất. Và trong những cậu bé chân trần leo lên sân khấu để xem các ca sĩ hát có tôi. Đêm ấy tôi đã lặng người đi khi một nữ ca sĩ trong bộ áo dài xanh hoà bình bước lên sân khấu, đứng trước micro… Từng đôi chim bay đi. Tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến, gió mùa Xuân. Gửi lời chim yêu thương, tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…
Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương trở về Hà Nội, nhưng giọng hát chị Khánh Vân thì vẫn vang mãi đôi bờ sông tuyến qua những chiếc loa máng công suất cực lớn phát đi những bài ca mang khát vọng hoà bình thống nhất. Ấn tượng về chị sâu đậm trong tôi từ thủa ấy và mãi sau này, cũng như tôi nhiều người Việt, tôi chỉ muốn nghe lại Bài ca hy vọng qua tiếng hát Khánh Vân, dù sau chị có nhiều người hát Bài ca hy vọng, mà một trong những giọng ca nổi tiếng hát hay bài này là NSND Lê Dung. Bài ca hy vọng qua tiếng hát Lê Dung thì đẹp hơn, sang trọng quý phái và mang chất học thuật… Còn bây giờ hãy nghe giọng ca đầu tiên cất lên Bài ca hy vọng:

          

Từng đôi chim bay đi
Tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân

Đó là tiếng hát Khánh Vân từ miền Bắc gửi thương nhớ hy vọng về Nam ngày đất nước còn cắt chia. Tiếng hát ấy còn là tiếng lòng của chính chị. Nhưng cuộc đời người hát mấy ai hay có bấy đoạn trường cùng những tình yêu và bao nhiêu thân phận nước mắt giấu vào trong. Khánh Vân là ca sĩ của Sài Gòn tự nguyện bước vào kháng chiến chống Pháp tại bưng biền Nam Bộ. Tiếng hát chị đã bay cao bay khắp quê hương đất nước mang đến niềm lạc quan về một ngày mai đất nước thanh bình, tươi sáng…
Tên thật của Khánh Vân là Trần Thị Nhu. Chị theo cha vào Sài Gòn kiếm sống dưới thời Pháp thuộc. Nhờ trời cho giọng hát bẩm sinh, Khánh Vân từ tuổi 15 đã thành một sơn ca giữa Sài thành, chị tham gia trong phong trào yêu nước hoạt động các nhóm văn nghệ của các tổ chức như tự vệ thành sau này là lực lượng biệt động Sài Gòn…
Sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, Khánh Vân bị địch bắt giam ở trại 14 dành cho nữ tù. Chị vào tù Khám Lớn Sài Gòn cùng với người cha cũng là người hoạt động bí mật. Những ngày trong tù ấy, con chim sơn ca Khánh Vân vừa hát cho chị em, vừa dạy chị em hát  và cùng diễn kịch để động viên bạn tù giữ vững tinh thần ý chí chiến đấu. Khánh Vân được chị em bầu là Trưởng ban văn nghệ…
Không thể giam giữ một tâm hồn cao đẹp cùng tiếng hát sơn ca, hai năm sau địch thả chị. Nhưng để an toàn cho bản thân và dễ bề tìm lại cơ sở cách mạng, chị đã hát lại ở Sài Gòn một thời gian, những bản tình ca như Tiếng còi trong sương đêm của Hoàng Việt, một bài hát được người Sài Gòn ưa thích của người nhạc sĩ cách mạng.
Mùa hè năm 1949, khi chưa tròn tuổi 20, Khánh Vân trong bộ đồ sa tanh trắng lộng lẫy như một tiểu thư bí mật đi vào chiến khu Đồng Tháp để bắt đầu cuộc đời cống hiến cho cách mạng. Chị làm việc trong Ban ca nhạc Đài Tiếng nói nhân dân Nam Bộ. Những người tham gia kháng chiến Nam Bộ hẳn còn nhớ chị với dáng hình mỏng manh trong bộ bà ba đen nổi bật giữa màu xanh của tràm và đước. Chị hoà mình vào đời sống kháng chiến, từng lặn lội kiếm thức ăn, hái rau rừng cho bữa cơm tập thể vốn đạm bạc kham khổ giữa bưng biền.

Hình ảnh một Khánh Vân khi giặc ném bom chạy xuống hầm mà trên tay vẫn cầm tập ký âm bài hát đương dang dở. Khánh Vân đã từng quên tiếng súng tiếng bom để cho tiếng hát lạc quan. Đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác, hồn nhiên trên khuôn mặt đầy nét thật thà thơ dại nhưng khi hát chị hình như thay đổi một cách lạ lùng. Lúc hát, đôi mắt ấy bỗng long lanh tình tứ đôi má xanh xao ửng lên sắc hồng, đôi môi bỗng đẹp hơn, toát một nét duyên cho tâm hồn cất lên tiếng hát xao động ngọt ngào.
Tiếng hát chị bỗng chốc mênh mông rộng dài sông nước miền Tây, làm rung động con tim bao người. Tiếng hát ấy có sức lôi cuốn nhiều con tim, chị đã hát cả cho người Sài Gòn đi kháng chiến… Những người cùng thời, từ Sài Gòn đi kháng chiến đều đã có chung nhận xét về một giọng ca đã ảnh hưởng đến bao nhiêu tâm hồn, thúc giục họ bước chân trên con đường máu lửa gian nan…
Tiếng hát ấy đã đóng góp cho sự mở rộng ảnh hưởng của Đài Tiếng nói Nam Bộ đối với giới trí thức và đồng bào Nam Bộ, đặc biệt là ở Sài Gòn trong những năm tháng cam go ác liệt ấy. Hằng đêm chị đã hát gửi tấm lòng về thành phố, mơ một ngày về đứng trên sân khấu hát cho cả vạn người nghe. Nhưng chị đã không được về hát ở Sài thành mà lại ra Hà Nội và hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam cho triệu người hâm mộ giọng hát sơn ca.

Tiếng hát của Khánh Vân đã đến nhiều kinh đô thế giới làm đẹp thêm cho một Việt nam đã trở thành tượng hình chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc… Tôi không thể viết gì về những ngày sau đó, về những bất hạnh mà Khánh Vân phải chịu vì tôi cũng như một số bạn bè đều cảm thấy như có lỗi với những nỗi đau cuối đời của một tài hoa mệnh yểu…” Trong khi tìm lại cuốn băng có bài viết tiễn đưa Khánh Vân, tôi đã được đọc bao nhiêu bài báo, những lưu bút trong cuốn sổ tang:… Những người cùng lứa, cùng dân Sài Gòn đi kháng chiến đều nói về một tiếng hát đã thúc giục những bước chân trên con đường gian khó, từng lúc tường như không vượt qua được.

                   

Bài ca Hy vọng

Những đồng nghiệp ở đài Tiếng nói Nam Bộ:Nguyễn Sơn, Nguyễn Khắc Cần, Lê Võ, nói vể công sức của Khánh Vân với tiếng hát truyền cảm đã đóng góp cho sự mở rộng ảnh hưỡng cùa đài đối với giới trí thức và đồng bào Sài Gòn và các vùng tạm chiếm những năm tháng khó khăn ấy…. Những Ngọc Hoa, Hằng Li, Nga B, Mai Loan, Minh Châu, những bạn tù trại 14 nhắc đến những cuộc đấu tranh tuyệt thực với tiếng hát đã làm mọi người bền gan chung sức….Những lời giã biệt xót thương của giới âm nhạc…: Và bao nhiêu chữ ký đề nghị: Truy tặng danh hiệu nghệ sĩ cho nữ ca sĩ Khánh Vân: NS Nguyễn Văn Thương, GSTS Nguyễn Tấn Lộc, NSƯT Quốc Trụ, GSNS Tô Vũ…Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam: Minh Hiên vv...  



Tân Linh(Theohttps://bcdcnt.net)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.