Đi lễ chùa theo tâm lý đám đông làm gì cho khổ?

1:43:00 CH
di le hoi theo...tam ly dam dong hinh 2
"Tại sao nơi nơi xây chùa, chùa mới xây luôn luôn to hơn hoành tráng hơn chùa cũ; tại sao người người đua nhau đi lễ chùa, lễ người này phải hậu hĩnh hơn, to hơn lễ của người kia, mà xã hội vẫn đầy rẫy tội phạm?".
Cứ đến mùng Sáu, mùng Bảy tết, nhà chị Huyền lại lục tục kéo nhau lên chùa đi lễ Phật. Mỗi lần như thế, chị Huyền lại bận bịu sắp lễ từ trong tết.
Rồi ngày đi thì bao nhiêu bực bội vì phải hô hào, lùa cả gia đình, trong khi mấy đứa cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ, hò hét rát cổ bỏng họng chúng không chịu dậy. 
Đã thế, thằng cháu đích tôn 15 tuổi còn thò đầu từ trong chăn ra, triết lý “Phật tại tâm, cần gì phải lên tận chùa mới lễ được!”. Chị Huyền nghe mà tức nghẹn họng.
Thêm nữa, trong lúc chị Huyền túi bụi sắp đồ lễ và luôn miệng gọi con cháu, thì chị Tuyết, em dâu lại đến nhà chúc tết. Thật chẳng đúng lúc chút nào, không những thế, chị Tuyết vốn theo đạo đã mấy năm nay, lại bạo miệng phán:
- Lên chùa làm gì cho khổ ra cơ chứ! Phật có nghe thấy đâu. Chỉ tốn thời gian mà tốn kém!
Nhiều người chen chúc đi chùa cầu may mà không hiểu rõ về Phật pháp. Ảnh minh hoạ
Nhiều người chen chúc đi chùa cầu may mà không hiểu rõ về Phật pháp. Ảnh minh hoạ
Chị Huyền bực quá, nhưng chẳng nhẽ năm mới lại cãi nhau, nên ngậm chặt miệng, chỉ muốn đuổi cô em dâu đi cho bõ tức. Cái cô Tuyết này thật chẳng ra làm sao, tự dưng dăm năm nay theo một đạo du nhập từ nước ngoài, thế là không những chẳng lễ chùa như người ta, mà còn bỏ cả bàn thờ tổ tiên ở nhà, thật quá quắt!
Cuối cùng, chị Huyền bất lực, không thể gọi được 4 đứa cháu nội, ngoại dậy để cùng lên chùa, chị thỏa hiệp với việc đi lễ chùa cùng 4 đứa con ruột và dâu, rể. Trên đường đi lên chùa, chính cậu Tiến, con trai trưởng của chị, nhẹ nhàng bảo chị: “Con thấy rằng vấn đề tín ngưỡng, ai theo đạo nào thì cứ việc theo, nhưng đừng ép người khác phải theo mình.”
Chị Huyền những muốn nổi sùng lên với con trai, nhưng chị ráng nhịn. Tết nhất mà đã cãi cọ thì xui xẻo cả năm. Được đà lấn tới, Tiến phân tích: “Con thấy hầu như mọi người đi chùa cho đỡ áy náy, chứ thực tâm tín ngưỡng có mấy ai đâu. Thí dụ nếu cứ đầu năm lên chùa xin xóa tội, xong cả năm lại phạm tội, thì Phật nào dung nổi mà xin! Quan trọng nhất là Phật tại tâm.”
- Thế người ta xây chùa để làm gì! – Không nhịn nổi, chị Huyền gắt nhỏ.
- Thế tại sao nơi nơi xây chùa, chùa mới xây luôn luôn to hơn hoành tráng hơn chùa cũ; tại sao người người đua nhau đi lễ chùa, lễ người này phải hậu hĩnh hơn, to hơn lễ của người kia, mà xã hội vẫn đầy rẫy tội phạm? Thế rồi lại đổ tại thời… mạt Pháp!? –  Tiến chất vấn lại mẹ.
- Tôi không biết! Các anh lên chùa mà nói những lời như thế thì bao công tôi chuẩn bị lễ thật là công toi! – Chị Huyền nói dỗi.
Cảnh biển người chen lấn, mất an toàn mùa dịch corona ở Tam Chúc ( Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) những ngày đầu năm. Ảnh: VNExpress
Cảnh biển người chen lấn, mất an toàn mùa dịch corona ở chùa Tam Chúc ( Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) những ngày đầu năm. Ảnh: VNExpress
- Con nghĩ, tất cả là từ nỗi sợ, nỗi tham trong lòng người – Tiến ôn tồn nói với mẹ, mà như nói với chính mình – Điều quan trọng nhất là từ chính mỗi người muốn khởi tâm Phật. Tâm khởi trùng trùng duyên khởi. Điều an lành sẽ tự đến mà chẳng cần cầu mong đấng nào đó ban phát cho ta. Phật là ta mà thượng đế cũng là ta. Nghĩ được như thế thì ta sống đúng như thế, hài hòa từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ, lời nói tới việc làm thống nhất Phật tính, xã hội sẽ bình an, đất nước sẽ thịnh vượng mà ta không phải nhọc sức cào cấu, tổn tâm cầu viện…
Chị Huyền chợt lặng đi. Giọng nói của Tiến, con trai chị xoáy vào tận tâm can. Ừ, nếu chính chị thấy được Phật tại tâm, thì chị sẽ sống ra sao? Hẳn là khác lắm so với cuộc sống nhiều khổ tâm chị đã gánh chịu suốt nửa thế kỷ qua. Hóa ra, chị cứ phải mãi lễ lạt, mãi kiếm tìm mà vẫn bất an, vì chị chưa tin vào một Đức Phật ở chính mình.
Kiều Khanh(TheoPhunuonline.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.