Bàn về AI TRí tuệ Nhân Tạo

5:55:00 SA


GS.TS Nguyễn Ái Việt
PHI LỘ: Tiếp tục chuỗi bài về AI và Con người, bao gồm "AI với ngôn ngữ, trí tuệ", "Tương lai AI và trí tuệ của Chúa", "AI và ý chí tự do", tôi dự định sẽ "tiến đánh" vào thành lũy cuối cùng của những người phản biện AI là "cảm xúc" và "tính sáng tạo" trước khi sang đề tài đích thực của tôi là AI với "ý thức" và "sự tỉnh thức".
Do các bài trước tôi viết theo lối "độc thoại", "tư duy to tiếng" hay "nhật ký hành trình", cốt ghi lại tiến trình suy nghĩ, nên có thể chưa thực sự rõ ràng với nhiều người, chưa quen với cách nghĩ cá nhân của tôi, hoặc chưa quen với một số khái niệm triết học, hoặc ý tưởng và thuật ngữ AI. Do đó, sau đây, tôi xin tóm lược ngắn gọn và tạm chọn một số quan điểm dứt khoát, có thể không được khách quan và chính xác như suy nghĩ thực, nhưng nhằm bỏ qua các nghi hoặc và trăn trở có thể đã làm mọi người mơ hồ.
1. Hiện nay AI đã đạt trình độ ngôn ngữ vượt trội so với những người ở trình độ khá trong xã hội. Theo đà phát triển, nó sẽ còn tiến xa hơn nữa đến mức chúng ta không thể tưởng tượng, nhất là khi có các máy tính thế hệ mới. Do đó, đem những lỗi ngây ngô về ngôn ngữ của AI để cố bao biện là AI KHÔNG BAO GIỜ bằng người là thiếu logic, nực cười và không có cơ sở.
2. Tất nhiên, có những trường hợp AI "ngây ngô", nhưng chúng ta không thể coi đó là ưu thế của mình. Tôi cho rằng điều đó cũng thể hiện tính người. Bản thân những người kiệt xuất nhất trong chúng ta cũng đều có những lúc cực kỳ thất thố trong lời ăn tiếng nói. Và chúng ta có ai chưa từng nói nhịu, thiếu suy nghĩ.
3. Vì trí tuệ thể hiện qua ngôn ngữ, chúng ta cần nhận thức rằng, theo một nghĩa nào đó AI đã có trí tuệ. Con người chúng ta trí tuệ cũng khác nhau đến nỗi trí tuệ không cần định lượng. Nếu chúng ta nói AI là vẹt cũng không sai, nhưng thực tế là phần lớn tầng lớp tinh hoa của chúng ta kể cả người có bằng cấp, vị trí xã hội cũng đều là vẹt theo nghĩa đó. Có nghĩa là đa số chúng ta, nếu muốn trịch thượng chê AI là vẹt, cần phải nghĩ lại việc mình đã làm được việc gì hơn vẹt, và còn bắt buộc vẹt những gì.
4. Tôi lạc quan với triển vọng, AI tạo ra áp lực chiếm mọi công việc vẹt, con người chúng ta sẽ phải bớt vẹt, và bớt bắt buộc con em mình phải vẹt những thứ không cần thiết kể cả Toán, STEM hay lập trình. Trong khi đó, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế là AI cũng đã có những suy diễn ở mức độ nhất định mà hiện nay chúng ta vẫn coi là sáng tạo trong nhiều nghề nghiệp.
5. AI hiện nay được định hướng "mô phỏng trí khôn con người (HI)". Theo tôi, điều đó có thể không cần thiết. AI hiện tại dựa trên mô phỏng hệ thần kinh, trong tương lai có thể những hiểu biết mới về hệ thần kinh sẽ giúp chúng ta mô phỏng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, đó không phải là hướng đi duy nhất.
6. Thực tế, trí khôn con người chủ yếu là để mô phỏng các hiện tượng tự nhiên trong thế giới vật chất để "làm chủ chúng" phục vụ cuộc sống tốt hơn. Đó là quá trình phát triển công nghệ, kinh tế, xã hội. Như vậy suy cho cùng, sử dụng AI trong công nghệ, kinh tế, xã hội là mô phỏng của mô phỏng.
7. Chúng ta có thể nghĩ một xu hướng cho AI tương lai không cần mô phỏng HI là xu hướng GI (trí khôn của Chúa (Tạo Hóa)) dựa trên GC (Tính toán của Chúa), bằng cách mô phỏng trực tiếp các hiện tượng tự nhiên bằng chính các hiện tượng tự nhiên khác mà ta có thể điều khiển. Và cao hơn nữa, nếu thừa nhận vũ trụ có thế giới tinh thần và vật chất, chúng ta còn có thể có "trí khôn vũ trụ" (UI). Tôi sẽ nói về "tính toán vũ trụ" vào một dịp khác cho phép lãng mạn xa xôi hơn.
8. Phân biệt như thế, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận khả năng AI có thể đuổi kịp HI, GI hay GI có thể bao gồm UI. Tuy nhiên, nếu chúng ta thừa nhận, HI= AI, hay AI = GI, hay GI=UI, chúng ta sẽ có các hệ quả triết học vô cùng mạnh mẽ.
9. Cho dù AI chỉ có thể đáp ứng tới 90% tính năng của HI, tôi thực sự nghi ngờ ở sự cần thiết của 10% còn lại đối với hạnh phúc của loài người. Và rất có thể với các điểm ưu việt của máy so với người, có thể con người sẽ phải học cách bỏ đi 10% còn lại như là tính xấu, để bắt chước máy thay vì cố bắt máy học nốt những đặc trưng vô bổ, có khi tuế toái của con người.
10. Theo một nghĩa nào đó, AI hoàn toàn có thể có ý chí tự do (nếu quả thực ý chí tự do tồn tại) khi kết nối chúng thành một hệ tự trị. Những khẳng định AI không có ý chí, lựa chọn đều không có cơ sở và chỉ phản ánh chủ quan của người nói. (tôi đã phân tích kỹ trong bài viết và sẵn sàng tranh luận với những người muốn tranh luận bằng lập luận duy lý).
11. Như vậy, chúng ta đã sẵn sàng chuyển sang hai đề tài cuối
i. AI với tính sáng tạo và cảm xúc
ii. AI với ý thức và tỉnh thức

TheoFb

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.