MỤC TIÊU VÀ STRESS

1:37:00 CH

 



MỤC TIÊU VÀ STRESS


Chào các bạn,

Nếu bạn có mục tiêu và luôn tiến bước đến mục tiêu bạn sẽ thành công. Tuy nhiên, luôn cố gắng đến mục tiêu thường tạo ra nhiều stress – stress do khó khăn mình gặp trên đường đi, stress với mọi người quanh mình chế nhạo, stress với những người gần mình vì bị mình lơ là hoặc vì mình căng thẳng mãi. Càng cố gắng đến mục tiêu ta càng bị nhiều stress. Vậy thì làm thế nào?

Chúa Giêsu sống để đưa con người về nẻo thật, và Chúa Giêsu bị stressed cũng nhiều, vì Giêsu thường khóc và có khi buồn đến mồ hôi rỉ ra như máu. Đằng khác, Phật Thích Ca sống để cứu độ loài người và Phật rất tĩnh lặng. Cùng một mục tiêu như nhau nhưng người thì stress, người thì tĩnh lặng.

Mình nghĩ rằng sự khác biệt giữa hai thầy có lẽ do mục tiêu của hai thầy có chút khác nhau. Phật Thích Ca cứu độ loài người bằng cách dạy cho loài người con đường giải thoát, nhưng ai đi đường đó tới đâu là do chính họ không phải do Phật. Mục tiêu giải thoát cho mỗi người, rốt cuộc là mục tiêu của chính họ, không phải của Phật. Phật chỉ làm việc chỉ đường, và chẳng có mục tiêu nào hơn là chỉ đường, và ai học thì học, Phật cũng chẳng bám chấp vào việc có nhiều người học mình tử tế hay không, tử tế hay không là việc của họ.

Đằng khác Chúa Giêsu nói rằng mình làm mọi việc Cha giao phó. Mục tiêu là phải chịu chết để chuộc tội và cứu rỗi loài ngoài. Chết thì được, chuộc tội thì được, nhưng cứu rỗi thì chắc là khó, vì chính loài ngoài đang liên kết để hành hình Giêsu. Chính vì mission impossible này mà Chúa Giêsu stressed – bị stressed vì mình đã làm hết sức nhưng sứ mạng vẫn không đạt được 100%.

Đây là bài học từ hai thầy, nhưng áp dụng thế nào cho chúng ta?

Có lẽ phải nhờ ông bà ta giúp sức. Ông bà ta nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, người tính nhưng thành hay không là do trời. Nói theo ngôn ngữ của chúng ta là: vì đời vô thường (hay thay đổi) và tương lai luôn có nhiều unknown (những điều không biết, những bất khả tri), cho nên việc thành bại cũng có nhiều yếu tố may rủi, hoặc nói cách khác là “do nhân duyên.”

Cho nên, được mục tiêu hay không cũng một phần nào do may rủi hay nhân duyên, chúng ta không thể quyết định thành công được 100%.

Đằng khác, “không thành” (không đạt được mục tiêu) không có nghĩa là bạn thua cuộc hoặc mất hết. Trên con đường từ Sài Gòn đi xuống Bạc Liêu, đến Cần Thơ có sự cố làm cho bạn phải bỏ Bạc Liêu. Tốn công đi! Nhưng nếu bạn nhân đó mà chuyển đường sang An Giang lo công việc ở An Giang, thì chuyến đi xuống Bạc Liêu cũng chẳng mất mát gì, mà cũng là đoạn đường cần thiết và hữu ích.

Nghĩa là, mọi điều bạn làm ở đời đều là vốn liếng bạn có, chẳng mất đi đâu được. Không dùng vốn vào việc này thì dùng vốn vào việc kia. Dùng vào đâu mà bạn kinh doanh tốt thì cũng đều sinh lời mà!

Tóm lại, bài học này cho ta 3 điểm chính:

– Mọi mục tiêu trong đời của ta đều có thể bị thay đổi do yếu tố vô thường. Chẳng có lý do gì mà phải bám cứng vào một mục tiêu duy nhất.

– Thay đổi mục tiêu thì mọi vốn liếng ta đã tạo ra cho mục tiêu trước đó vẫn còn nguyên vẹn để ta dùng cho muc tiêu kế tiếp.

– Cho nên, cứ luôn yên tâm tiến đến mục tiêu. Chẳng có lý do gì để stress.

Hãy nhớ “stress kills.”

Rất tiếc Chúa Giêsu chẳng tự do thay đổi được mục tiêu Cha đã giao phó. Thế thì stress cũng phải.

Chúc các bạn luôn tiến mà không stress.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.