“Đục nước béo cò”: Bắc Kinh ngấm ngầm thu lợi nhiều nhất sau đảo chính quân sự ở Myanmar?

4:12:00 CH

 Quân đội sẽ luôn đóng một vai trò mạnh mẽ trong nền chính trị của Myanmar và đây rõ ràng là một lợi thế to lớn của Trung Quốc.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Một người lính đứng gác trên con đường bị phong tỏa tới Quốc hội Myanmar ở Thủ đô Naypyidaw hôm thứ Hai sau khi quân đội bắt giữ nhà lãnh đạo đất nước, bà Daw Aung San Suu Kyi, trong một cuộc đảo chính. Ảnh: AFP

Trung Quốc "kín tiếng" lạ thường sau đảo chính quân sự ở Myanmar

Sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar ngày 1/2, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc, đã lên án đây là một sự kiện bi thảm. Washington đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.

Các quốc gia và tổ chức này đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo bị bắt, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, đồng thời yêu cầu Myanmar nhanh chóng quay trở lại chế độ dân chủ.

Ngược lại, cho tới thời điểm này, vai trò của Trung Quốc trong cuộc chính biến ở Myanmar như thế nào vẫn còn là một câu hỏi mở.

Trung Quốc chỉ phản ứng rất nhẹ nhàng, nói rằng họ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình Myanmar. Đồng thời, Bắc Kinh cũng kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết những khác biệt trên cơ sở hiến pháp và khuôn khổ pháp lý để duy trì ổn định chính trị và xã hội.

Trong bối cảnh này, giới phân tích đang cố gắng đánh giá xem quốc gia nào sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc rõ ràng sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất khi Myanmar quay lại chế độ quân sự. Theo họ, Chính phủ Myanmar ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là khi các quốc gia phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Đông Nam Á này sau gần 50 năm cai trị bằng quân sự.

Diễn biến mới nhất ở Myanmar vừa qua cũng gần như vậy. Mỹ và các quốc gia phương Tây một lần nữa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Tuy nhiên, điều đó dường như không làm chính phủ quân sự của Myanmar khó chịu vì các siêu cường như Trung Quốc và Nga vẫn đang ở bên cạnh họ.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Xe bọc thép của Quân đội Myanmar xuất hiện ở Yangon ngày 14/2/2021. ảnh: AFP

"Đục nước béo cò": Bắc Kinh hưởng lợi nhiều nhất?

Trung Quốc là nước có các khoản đầu tư công - tư rất lớn ở Myanmar. Bắc Kinh đang triển khai nhiều dự án lớn tại nước này, nhất là hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì những lý do đó, mối quan hệ bền chặt giữa Trung Quốc và Myanmar đã được thiết lập trong một thời gian dài.

Quân đội Myanmar cũng có quan hệ lâu đời với Nga. Myanmar mua khá nhiều vũ khí từ Nga. Chỉ vài ngày trước cuộc đảo chính quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Myanmar để ký một thỏa thuận mua bán vũ khí. Quân đội Myanmar đã “trải thảm đỏ” đón tiếp ông Shoigu tại thủ đô Naypyidaw.

Trung Quốc và Nga hành động như vậy vì những lợi ích riêng của mỗi nước. Họ không muốn để xảy ra bất kỳ tổn hại nào đến các khoản đầu tư và lợi ích thương mại tại Myanmar.

Năm 2015, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ tốt với chính phủ của bà Suu Kyi. Bắc Kinh đã ký nhiều thỏa thuận khác nhau đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Myanmar.

Trung Quốc biết rằng họ sẽ dễ dàng đối phó với chính phủ Suu Kyi hơn là với các nhà cầm quyền quân sự. Các nhà đầu tư và thương nhân Trung Quốc cũng đã tận dụng cơ hội đó.

Tháng 5/2017, bà Aung San Suu Kyi đến thăm Bắc Kinh để tham dự một hội nghị về hợp tác quốc tế. Tại đây, bà đã tuyên bố đưa Myanmar tham gia vào mạng lưới kết nối khu vực của Trung Quốc - Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 1/12/2017. Ảnh : Tân Hoa xã

Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã ký một thỏa thuận về việc phát triển các công trình xây dựng dọc theo Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Myanmar vào tháng Giêng năm ngoái để tăng cường quan hệ với chính phủ của bà Suu Kyi.

Trong số các dự án lớn ở Myanmar trước khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự có kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt giữa thành phố biên giới Ruili của Trung Quốc và thành phố Mandalay của Myanmar.

Một dự án lớn khác nữa là xây dựng cảng nước sâu tại Kimpio trên Vịnh Bengal với vốn tài trợ từ Trung Quốc. Địa điểm này được sử dụng như một điểm trung chuyển đường ống dẫn dầu và khí đốt. Từ đây, đường ống này chạy qua Myanmar đến tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc.

Giờ đây, khi chính quyền ở Myanmar thay đổi, Trung Quốc đang cố gắng ủng hộ các nhà cầm quyền quân sự vì Bắc Kinh không muốn quan hệ của họ với một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược là Myanmar diễn biến xấu đi, dù chỉ là một chút.

Thắt chặt quan hệ với Myanmar, Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương thông qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Mặt khác, các chuyến vận tải dầu từ Trung Đông sẽ sớm đến được Trung Quốc thông qua tuyến đường này.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Bà Aung San Suu Kyi (trái) cùng tướng cấp cao Min Aung Hlaing (phải), Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar tại Naypyitaw, Myanmar năm 2016. Ảnh: AP

Hiến pháp của Myanmar, do chính quân đội soạn thảo năm 2008, đã dành phần lớn quyền lực trong tay quân đội Myanmar, gồm cả 3 bộ quan trọng nhất là quốc phòng, nội vụ và biên giới.

Hiến pháp Myanmar quy định quân đội nước này sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng của ba bộ nói trên, và như vậy chính phủ dân sự sẽ không có vai trò gì. Bất kỳ thỏa thuận mua vũ khí nào đều được thực hiện bởi quân đội.

Do đó, chính phủ dân sự Myanmar không có cơ hội để giảm bớt sức mạnh của quân đội. Ngay cả khi chiếm được đa số lớn trong các cuộc bầu cử, sẽ không có chính phủ dân sự Myanmar nào thông qua được dự luật sửa đổi hiến pháp.

Hiến pháp năm 2008 của Myanmar quy định một dự luật sửa đổi hiến pháp sẽ cần tới sự ủng hộ của 75% thành viên, điều này không bao giờ có thể thực hiện được vì hiến pháp phân bổ 25% tổng số ghế trong quốc hội cho các sĩ quan quân đội.

Hơn nữa, đảng Đoàn kết và Phát triển (UPDS), một đảng được quân đội hậu thuẫn cũng giành được một số ghế. Kết quả là, sẽ không thể có bất kỳ đảng chính trị dân chủ nào giảm bớt sức mạnh của quân đội Myanmar bằng cách sửa đổi hiến pháp.

Điều đó lý giải tại sao quân đội sẽ luôn đóng một vai trò mạnh mẽ trong nền chính trị của Myanmar và đây rõ ràng là một lợi thế to lớn của Trung Quốc.

Bởi vì mỗi khi quân đội lên nắm quyền ở Myanmar, phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành nguồn đầu tư và thương mại chính của Myanmar.

Trước sức ép của tình hình, quân đội Myanmar phải quay sang nhờ cậy Trung Quốc và Bắc Kinh đang tận dụng triệt để điều đó. Trung Quốc sẽ giao dịch với bất kỳ lực lượng nào nắm quyền ở Myanmar.

Có vẻ như, mỗi khi chế độ quân phiệt xuất hiện, thế giới phương Tây sẽ rời xa Myanmar còn Trung Quốc lại là “người bạn trung thành và đáng tin cậy” của quốc gia này

TheoSoha.vn

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.