Người đứng sau chiến thắng như chẻ tre của Taliban

6:49:00 SA

 

Người đứng sau chiến thắng như chẻ tre của Taliban

Baradar, thủ lĩnh Taliban được giải thoát khỏi nhà tù Pakistan theo đề nghị của Mỹ năm 2018, là chiến lược gia đứng sau chiến thắng của lực lượng này.

Haibatullah Akhundzada là thủ lĩnh tối cao của Taliban, nhưng hiện không rõ tung tích của người này. Trong khi đó, Abdul Ghani Baradar được xem là thủ lĩnh chính trị, quyền lực chỉ sau Akhundzada và là gương mặt công khai nhất của Taliban.

Baradar được cho là đang trên đường từ văn phòng ở Doha, Qatar đến Kabul tối 15/8. Trong một tuyên bố trên truyền hình về sự thất thủ của Kabul, ông nói rằng thử thách thực sự của Taliban mới chỉ bắt đầu và họ phải phục vụ đất nước.

Thủ lĩnh số hai của Taliban Abdul Ghani Baradar tham dự hội nghị hòa bình Afghanistan ở Moskva, Nga hồi đầu năm nay. Ảnh: Anadolu Agency.

Thủ lĩnh số hai của Taliban Abdul Ghani Baradar tham dự hội nghị hòa bình Afghanistan ở Moskva, Nga hồi đầu năm nay. Ảnh: Anadolu Agency.

Việc Baradar trở lại nắm quyền được cho là dấu hiệu Afghanistan không thể tránh khỏi những chính sách hà khắc trong quá khứ. Cuộc đời Baradar là câu chuyện về những xung đột liên miên và thương tâm của đất nước này.

Sinh năm 1968 ở tỉnh Uruzgan, Baradar tham gia nhóm phiến quân mujahideen để chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan những năm 1980. Sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1992, Afghanistan rơi vào nội chiến giữa các phe nhóm. Baradar đã thành lập trường dạy giáo lý đạo Hồi ở Kandahar cùng chỉ huy cũ kiêm người anh rể nổi tiếng Mullah Mohammad Omar.

Hai người cùng lập ra Taliban, một phong trào do các học giả Hồi giáo trẻ tuổi lãnh đạo nhằm thanh lọc tôn giáo của đất nước và thành lập tiểu vương quốc. Cái tên Taliban có nghĩa là "học sinh", dùng để mô tả các thành viên đầu tiên của tổ chức là những người học theo Mullah Omar.

Mang trong mình nhiệt huyết tôn giáo, lòng căm thù đối với các thủ lĩnh phe phái và được sự hỗ trợ đáng kể từ cơ quan Tình báo liên dịch vụ (ISI) của Pakistan, Taliban lên nắm quyền năm 1996 sau khi đánh chiếm loạt thủ phủ của các tỉnh khiến cả thế giới phải ngạc nhiên, như cách lực lượng này đã thực hiện những tuần gần đây. Baradar, phó tướng của Mullah Omar, được nhiều người tin là một chiến lược gia và kiến trúc sư quan trọng của những chiến thắng đó.

Baradar liên tiếp đảm nhiệm các vai trò hành chính và quân sự trong chế độ Taliban kéo dài 5 năm. Khi Mỹ và các đồng minh Afghanistan lật đổ Taliban năm 2001, Baradar đang là thứ trưởng quốc phòng.

Trong 20 năm Taliban bị lật đổ, Baradar nổi tiếng là lãnh đạo quân sự và chính trị gia khôn ngoan. Các nhà ngoại giao phương Tây coi ông thuộc phe Quetta Shura, một tổ chức quân sự tập hợp lại Taliban, có khả năng chống lại sự kiểm soát của ISI và chịu trách nhiệm cao nhất trong các cuộc tiếp xúc chính trị với chính quyền ở Kabul.

Tuy nhiên, chính quyền cựu tổng thống Barack Obama lo sợ về chuyên môn quân sự của Baradar hơn là hy vọng vào khuynh hướng ôn hòa của ông. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã theo dõi Baradar đến Karachi, Pakistan năm 2010 và thuyết phục ISI bắt ông vào tháng 2 năm đó. "Thực tế người Pakistan giam giữ ông ấy suốt những năm đó phần lớn vì Mỹ đã yêu cầu họ", một cựu quan chức cho hay.

Mullah Abdul Ghani Baradar (phải) gặp ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo tại Doha, Qatar tháng 9/2020 để đàm phán tiến trình hòa bình Afghanistan. Ảnh: Anadolu Agency.

Mullah Abdul Ghani Baradar (phải) gặp ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo tại Doha, Qatar tháng 9/2020 để đàm phán tiến trình hòa bình Afghanistan. Ảnh: Anadolu Agency.

Tuy nhiên, năm 2018, thái độ của Washington đã thay đổi và đặc phái viên Afghanistan của tổng thống khi đó Donald Trump, Zalmay Khalilzad, đã yêu cầu Pakistan thả Baradar để ông có thể dẫn dắt các cuộc đàm phán ở Qatar, với niềm tin rằng ông sẽ dàn xếp một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. "Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ minh chứng thực sự nào về điều đó, nó chỉ dựa trên loại ý tưởng hoang đường", cựu quan chức nói.

Baradar đã ký thỏa thuận Doha với Mỹ vào tháng 2/2020, động thái chính quyền Trump ca ngợi là bước đột phá hướng tới hòa bình. Nhưng giờ đây, dường như đó chỉ là bước chuyển tiếp hướng tới chiến thắng hoàn toàn của Taliban.

Theo thỏa thuận Doha, Mỹ và Taliban thống nhất không đối đầu quân sự, tiếp đó là các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực giữa Taliban và chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani. Đàm phán đó không đạt tiến triển đáng kể nào những tháng gần đây và rõ ràng bây giờ Baradar cùng Taliban đã chọn đúng thời cơ, chờ người Mỹ rời đi và chuẩn bị tấn công. Cuộc đời đã dạy cho Baradar sự kiên nhẫn và niềm tin vào chiến thắng cuối cùng.

Huyền Lê (Theo Guardian )

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.