Biển cạn khô ở Kazakhstan

2:19:00 CH

Biển kín cạn khô, thị trấn cảng tấp nập khách du lịch

'Nhiều người muốn chứng kiến ví dụ điển hình về thảm họa sinh thái học', nhà bảo tồn Sokolov nói. Ít ai ngờ mảnh đất khô cằn ở thị trấn Muynak từng là một cảng biển nhộn nhịp.
Trận bão gió khốc liệt đổ bộ vào Muynak, thị trấn nhỏ miền Tây Bắc Uzbekistan, khiến nhà sinh thái học địa phương Gileyboi Zhyemuratov choáng váng. Từ lâu, ông đã quen với sự khô cằn của vùng đất từng là thị trấn cảng tấp nập cạnh Biển Aral, vùng bồn địa trũng đã bốc hơi từ lâu. Vùng nước mặn này nằm giữa lục địa, tách biệt hoàn toàn với biển và các đại dương khác. Chúng được gọi là biển kín (không phải hồ) vì duy trì nồng độ muối khá cao, tương đương các đại dương.
Màn sương dày đặc và gây ngứa ngáy bao trùm nhà sinh thái Zhyemuratov ki ông bước ra ngoài vào một ngày mùa hè. "Mỗi lần mở cửa, cảnh tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là mọi thứ trắng như được bao phủ trong tuyết", người đàn ông 57 tuổi nói. Hậu duệ của nhiều thế hệ ngư dân vẫn nhất quyết ở lại thị trấn cảng không còn cá.
Liên tục trong 3 ngày, cơn bão quần thảo và cô lập hoàn toàn thị trấn Muynak với thế giới bên ngoài. Những đám mây che phủ bầu trời, và cuộc sống của cư dân sống cạnh nơi từng là vùng biển kín lớn thứ 4 trên thế giới chìm ngập trong cát. Nông dân lo lắng cứu mùa màng trong khi những cơn mưa nước lợ đổ từ ngày này qua ngày khác.
Cựu phi công người Nga Vladimir Zuevngồi dưới hàng hiên được thiết kế theo kiểu pergola (kiến trúc sân vườn thời Phục hưng) khi cơn bão đổ bộ. "Thần giữ cửa" nhà ông là một bức tượng bán thân của Lenin và quốc huy búa liềm của Liên Xô cũ. Người đàn ông tóc bạc trắng hiện là hướng dẫn viên du lịch tại thị trấn Muynak.
"Không thể nhìn thấy gì (trong cơn bão này) cả", ông Zuev nói. "Muối khô bị cuốn theo những ngọn gió, chúng dính chặt vào da và rất khó để lau sạch. Kể cả rửa bằng nước cũng không ăn thua", ông mô tả làn da thấm đẫm trong muối biển của cư dân thị trấn Muynak.
Kỳ lạ thay, sự lụi tàn của thị trấn lại là yếu tố thu hút khách du lịch trong vài năm gần đây. "Nhiều người muốn chứng kiến ví dụ điển hình về một thảm họa sinh thái học", ông Vadim Sokolov, trưởng khu vực Uzbekistan thuộc Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Biển Aral, cho biết. Trong ảnh, du khách tắm hồ nước nóng tại khu vực từng là đáy Biển Aral.
Mảnh đất khô cằn, chỉ còn đất và đá này từng là nơi những con sóng xô nhau trùng trùng lớp lớp. Giờ đây, những chiếc thuyền rỉ sét bị bỏ mặc phơi mình dưới nắng trở thành địa điểm chụp hình của khách du lịch. Chúng được New York Times ví với xương của loài khủng long từng một thời tung hoành, nay thu mình chờ đợi sự bào mòn của thời gian.
Ali và Poline Belhout, cặp đôi đến từ thủ đô Paris, Pháp, quyết định dừng chân vài ngày ở thị trấn Muynak trên chặng hành trình du lịch vòng quanh thế giới. "Nhiều năm trước, nơi này là biển, giờ đây nó là nghĩa địa của những con tàu. Thật quái đản khi nhìn thấy chúng bị bỏ mặc đến rỉ sét như thế", cô Belhout nói. Trong ảnh, một người đàn ông làm gạch để xây nhà ở thị trấn Muynak.
Dấu hiệu về sự biến mất của Biển Aral đã xuất hiện từ rất lâu. Cách đây 25 năm, 5 nước thuộc khu vực Trung Á thành lập Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Biển Aral (IFAS). Dù vậy, họ không thể thống nhất trong nhiều vấn đề, ví dụ như phân phối nước. Trong ảnh, ông Karamalan, 82 tuổi, một thầy thuốc chữa bệnh bằng thảo dược, trò chuyện với dân làng Amzin-Ata, địa phương giáp Biển Aral ở Kazakhstan.
Nguyên nhân khiến Biển Aral cạn nước được cho là vì vào những năm 1950, cựu lãnh đạo Liên bang Xô Viết Nikita S. Khrushchev quyết định công nghiệp hóa nền nông nghiệp ở vùng Trung Á, dù vùng đất này thường xuyên đối mặt với thời tiết khô cằn. Hai dòng sông Amu Darya và Syr Darya, vốn cấp nước cho Biển Aral, bị khai thác triệt để nhằm tưới tiêu cho những cánh đồng lúa mì và bông vải. Vào thời điểm Liên Xô tan rã năm 1991, vùng nước mặn này đã bắt đầu cạn kiệt.
Biến đổi khi hậu cũng góp phần khiến lượng nước trong biển bốc hơi nhanh hơn. Trong khi đó, những dòng sông băng ở vùng núi Turkmenistan và Kyrgyzstan thường chảy vào sông Amu Darya và Syr Darya cũng bắt đầu cạn kiệt. Trong chuyến thăm gần đây đến thị trấn Muynak, một số chuyên gia quốc tế giật mình khi thấy dòng Amu Darya bị thu hẹp đến mức đáng báo động, với lượng nước ít ỏi chảy qua lòng sông rộng lớn và phủ đầy cát. Tại hầu hết ngôi lành hoang tàn gần Biển Aral ở Kazakhstan, người dân phải quét cát, bụi bị gió cuốn đến hàng ngày.
Dù vậy, những cánh đồng lúa được tưới tiêu đầy đủ vẫn trải dài hai bên con đường dẫn đến thị trấn Muynak, mặc cho mọi nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế các hoạt động nông nghiệp ở nơi đây. Theo ông François Brikké, chuyên gia người Thụy Điển về quản lý nguồn nước, chính quyền địa phương và nông dân thường xem nhẹ các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên. Khi giá gạo tăng gấp đôi, nhiều khu vực bắt đầu đẩy mạnh trồng trọt.
Trước khi Biển Aral bị xóa sổ, Muynak là một thị trấn cảng tấp nập với 25.000 cư dân, hầu hết làm nghề đánh bắt cá hoặc là công nhân trong các xưởng sản xuất đồ ăn đóng hộp. Khoảng 20% lượng cá được tiêu thụ ở Liên Xô đến từ Biển Aral. Sự biến mất của vùng nước mặn này khiến nhiều cư dân mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh về phổi, thận, tỷ lệ tử ở trẻ em cũng tăng cao.
Bức tranh khảm tường tại ga tàu ở thị trấn Aralsk, Kazakhstan, minh họa cảnh ngư dân đất nước này cung cấp nguồn thủy sản cho người Nga vào những năm 1920. Kazakhstan đang kỳ công khôi phục vùng biển kín. Quốc gia này đã xây một đập đất vào năm 2005 nhằm chắn ngang sông Syr Darya, tạo hồ chứa nước. Công trình trên giúp Biển Aral phần nào hồi sinh với lượng nước sâu hơn 30 m và cá bắt đầu sinh sản trở lại.
"Mục tiêu chính (của chúng ta) trong thời điểm hiện tại là giảm thiểu tác động của thảm họa cạn Biển Aral", ông Boriy B. Alikhanov, lãnh đạo đảng Hành động vì Sinh thái học của Uzbekistan, nói. "Trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại của nhân loại, hiện tượng cả một vùng biển biến mất chưa bao giờ xảy ra chỉ trong một thế hệ", ông nói.
Chi Mai(Zing)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.