VÌ SAO TÔI YÊU HÀ NỘI !

7:27:00 SA

 


VÌ SAO TÔI YÊU HÀ NỘI !

Hôm qua, nghe các nghệ sỹ gạo cội hát bài " Mời anh đến thăm quê tôi" trong buổi khai mạc liên hoan văn nghệ ở Đà Nẵng, lòng tôi bừng lên bao nhiêu kỷ niệm thời ấu thơ, nhất là dịp sắp đến ngayf QK 2-9 và giải phóng thủ đô 10-10. Những kỷ niệm ấy đã hình thành nên tình yêu Hà Nội tha thiết trong tôi , đúng như câu hát :" Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội" .
Mới các bạn nghe chuyện kể thời ngây ngô trong sáng của tôi, lần đầu đc ra HN khi chưa đầy 15 tuổi nhưng còi cọc gầy gò !
LẦN ĐẤU TIÊN TÔI ĐI HÀ NỘI “DỰ” QUỐC KHÁNH .
( Chuyện kể của Vũ Huệ )
Năm 1960 Hà nội tổ chức lễ quốc khánh lớn chưa từng có kể từ trước đó. Lần đầu tiên nước Việt nam dân chủ cộng hòa có duyệt binh to, cả làng tôi nô nức kéo nhau ra Hà Nội “ dự “ quốc khánh, xem duyệt binh. Nói là dự Quốc Khánh, chứ dân nhà quê mình ra Hà Nội với cái tai đi trước thì xem được mấy cái nhà tầng, ngồi được lên tàu điện, thấy nhiều người sang trọng ăn mặc đẹp , được ăn kem, ăn phở, thế là biết Hà Nội, biết Quốc Khánh rồi. Sau quốc khánh về mọi người thi nhau kể, khen, chê HN như thế nào, rồi tranh cãi nhau nào là kem là màu trắng , không phải màu xanh, phở 3 hào, không phải 5 hào …..toàn những chuyện mà mỗi người biết có một góc…..Riêng tôi, chuyến đi Hà Nội lần đầu tiên ấy đã cho tôi bao nhiêu là kỷ niệm sâu sắc, nhớ đến hết đời !
Có lẽ mà vì thế mà từ đó tôi yêu Hà nội.
Quê tôi cách Hà Đông hơn 20 cây số và hơn 30 cây số đến Bờ Hồ thế mà có ít người biêt HN lắm. Tôi là con trai một, lại mồ côi cha từ lúc 3 tuổi nên mẹ tôi “ quản” tôi rất chặt, rất ít khi cho đi xa nhà và không được tự do chơi đùa như đám trẻ khác . Việc tôi đỗ vào học ở trường Cấp II Quốc lập của huyện, phải đi học xa nhà 10 km đã từng là sự cân nhắc rất khó khăn và là một cú quyết định “ liều” của mẹ tôi khi cho tôi theo học xa như thế . Nhờ được một năm xa mẹ đi trọ học ở trường huyện, được mở rộng tầm mắt và hiểu biết về xã hội nhiều hơn, mạnh dạn hơn và độc lập trong suy nghĩ và hành động, nhờ vậy mà chuyến ra HN lần đầu mới nhiều kỷ niệm như thế ?.
Vì cả làng có nhiều “ Đoàn “ đi HN dự Quốc khánh, nên tôi cũng xin mẹ cho đi. Chẳng gì tôi cũng là những người trong làng từng đi xa tới huyện hơn nhiều người khác, cho nên mẹ đồng ý và cho tới 3 đồng mang theo. Ba đồng đối với một người nông dân lúc ấy là to lắm, vì người ta vẫn tiêu bằng hào, bằng xu. Vé tàu điện ở HN chỉ có 5 xu thôi. Với 3 đồng ấy mẹ tôi thầm tính đủ cho tôi 3 ngày đi DỰ Quốc Khánh.Mẹ dắt tôi lên gửi anh Chờ, người có quê nội giáp Hà Đông và đã từng đi HN nhiều lượt. Mẹ tôi dắt lên tận nhà, dặn anh Chờ tràng giang đại hải những điều phải cẩn thận về tôi khiến anh Chờ vừa cười vừa gật đầu đến mỏi cổ.
Với hai mo cơm nắm một nếp một tẻ và một bộ quần áo để vào một cái túi vải như đi lên rừng , sáng ngày 31-8 -1960 chúng tôi lên đường đi bộ ra Hà Đông để rồi đi tầu điện ra Hà Nội. Hóa ra những ngày đi trọ học, thứ hai phải đi bộ 10km ra trường sớm, những chiều thứ 7 chạy mười cây số về quê trước khi trời tối làm cho tôi dai sức hơn cả những anh chị nông dân chính gốc. Đi từ 9h sáng, lôi thôi lếch thếch đợi chờ nhau, đến gần 6 giờ chiều chúng tôi mới đến được làng Cầu Ngái ( Ngãi Cầu) huyện Hoài Đức. Xem chừng mệt mỏi thế này chúng tôi không thể thực hiện kế hoạch đi 6km nữa ra Hà Đông để lên tầu điện về HN , nhiều người đã dộp cả da chân. Cả đoàn quyết định hỏi thăm vào nhờ nhà Cụ Thương, người vẫn vào tá túc ở quê tôi để bán võng . Cụ Thương đón tiếp ân tình, nhưng nhà Cụ không thể có giường chiếu đủ cho hơn chục người nên ăn cơm nắm xong chúng tôi lăn ra đất, ra hè, không mùng màn chăn gối, ngủ say như chết. Bốn giờ sáng chúng tôi được đánh thức dậy đi nốt quãng đường hơn 6km còn lại ra bến tầu điện Hà Đông.
Lần đầu tiên chúng tôi được trông thấy tàu điện, ngồi lên tàu rồi sướng rơn người, lâng lâng vui mừng như muốn bay, muốn khóc. Trời ơi ! không có từ nào để tả nỗi vui sướng của tôi khi lần đầu được ngồi trên chuyến tàu điện sáng sớm thưa người. Tàu chạy sầm sầm như lao đi tưởng như vút bay vào vũ trụ ấy. Từ nhỏ đến giờ chúng tôi chỉ biết đi bộ, tốc độ nhanh nhất là chạy bộ chứ có bao giờ được ngồi trên một chuyến tàu lao đi như thế này. Tôi thích thú ngó nghiêng, cười nói với mọi người cùng xóm. Rồi chúng tôi được nghe những địa danh lạ lùng từ người bán vé tàu : Bến Thanh Xuân, bến Ngã tư sở ,… phố Hàng Bột, Hàng Bông, Hàng Gai…. Đến Bờ Hồ. Lần đầu tiên tôi thấy bao nhiêu là thứ đẹp. Một chân trời mới bừng mở trước mắt tôi choáng lộng.Nhũng ngôi nhà cao 2, ba tầng lần đầu được thấy, xe cộ và người tấp nập, những người đàn ông , đàn bà ăn mặc lạ lẫm và đẹp đẽ đi đứng nghiêm trang. Cái gì cũng lạ lẫm và thích thú.
Chúng tôi xuống tàu ở Bờ Hồ, trời ơi người ở đâu mà đông thế. Đến đây tôi mới được nhìn thấy những cái ô tô con, ai làm ra chúng mà đẹp đến vậy? Ở quê, tôi mới chỉ được nhìn thấy cái ô tô tải thôi, xe nhà binh thôi. Những cái xe đạp người ta đi cũng vàng đỏ, đẹp mê người, và lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cái xích lô kỳ lạ. Ngưởi ta đi ngang , đi dọc, dập dìu, trật tự trước mặt tôi, chẳng hiểu người ta đi đâu nhỉ. Hồ Gươm, ôi đẹp quá, những ngôi sao màu sắc rực rõ, cờ và hoa lóa mắt . Nắng lunh linh trời xanh gió nhẹ làm tôi muốn bay bổng. Tôi đứng lặng ngắm xa xuống phía cuối hồ. Tháp Rùa kia , Tháp Rùa chắc rồi . Tôi nhớ bài thơ đã học …. “ Hồ Gươm từ đấy thành tên, Tháp Rùa từ đấy dựng lên giữa Hồ, ngàn năm biến đổi cơ đồ, tháp rùa vẫn đứng giữa Hồ Gươm xanh …”. Tôi lặng người mơ màng nhìn ngắm tứ phía…
Quay về với thực tại, nhìn trước nhìn sau tôi chẳng còn thấy ai quen ở gần mình nữa. Tôi tự nhủ, Thôi chết rồi, mình bị lạc mọi người rồi. Tôi lo lắng chay quáng quàng tìm kiếm, không định rõ phương hướng, chẳng biết là mình đang đi đến đâu. Cứ chạy loạn lên ngó nghiêng mọi người.và không quên điều quan trọng nhất luôn tự nhắc mình là phải giữ chặt lấy mo cơm, kẹp chặt nó vào dưới sườn bụng để khỏi bị kẻ cắp lấy mất ba đồng mẹ cho được dút trong một cái túi phụ mới khâu phía bên trong cạp quần. Mất nó là đói ăn và mất đường về. Còn nó tôi không sợ, tôi sẽ hỏi đường lên tầu về Hà Đông và hỏi đường đi bộ về Quốc Oai là được.
Chạy loạn đi tìm mọi người, hớt hơ hớt hải chạy trong dòng người đông đúc đến tận phố Hàng Bạc, tôi đọc thấy trên một cái cổng đền ( hay đình? Chùa ?) có băng rôn phía trên “ NƠI ĐÓN TIẾP ĐỒNG BÀO VỀ THỦ ĐÔ DỰ LỄ QUỐC KHÁNH”. Tôi túm lấy áo người phụ nữ đứng tuổi,
- Bác ơi, cháu có thể vào được không?
Chẳng cần hỏi lại, bà phụ nữ cũng biết tôi dân nhà quê , bà hỏi :
- Cháu đi với ai? Đoàn nào, Có giấy giới thiệu không? ,
- Cháu đi với nhiều người làng lắm nhưng cháu bị lạc a ! ,
- Cháu đi vào đây .
Theo bà đi qua sân vào gian trong, bà nói gì với người thanh niên đang ghi chép, rồi bà dắt tôi đến một góc nhà, đưa cho tôi cái chiếu một và nói :
- Đây là chỗ của cháu. Tối nay cháu ngủ chố này nhé ! Đi đâu phải nhớ đường về đấy ! “.
Tôi “vâng “ ! rồi lăn ra chiếu nghỉ vì chạy tìm mọi người đã quá mệt, nghỉ một lát rồi ăn nốt nắm cơn tẻ thay bữa com trưa. Trong Đền rất nhiều người cũng cảnh giống tôi có điều họ có đoàn thể, có bạn bè, họ vừa ăn vừa cười nói vui vẻ, còn tôi có một mình.
Tôi đã ý thức được địa hình nơi mình đang ở , tôi thử đi ra khỏi cổng Đền một quãng rồi lại quay lại, mỗi lần lại đi xa thêm một chút quan sát để nhớ lối về. Đi ngang, đi dọc tôi biết rằng rẽ phải đến hàng Đào là có tàu điện, rẽ trái đến Mã Mây là có quán phở. Buổi chiều, tôi ra bến tầu điện Bờ Hồ, tôi chăm chú xem phong cảnh xung quanh , may thay ngay giũa quảng truờng Bờ Hồ, gần chân cột đồng hô có một bảng quảng cáo rất lớn vẽ sơ đồ các tuyến đường xe điện Hà Nội , tôi thấy ngay được một điều thú vị là tất cả các tuyến đều chum về gặp nhau ở ga Bờ Hồ, chính nơi tôi đang đứng. Tôi tìm và nhảy tót ngay lên tàu về Hà Đông cho biết đường để phòng sau này biết đường về quê, sau đó là đi các tuyến Yên Phụ, Cầu Giấy, Bạch Mai. Tuyến nào tôi cũng ngồi đến hết bến và không xuống, người bán vé có nhắc thì nói “ Cháu đi nhầm bến rồi, cho cháu về Bờ Hồ ạ ! “. Bằng cách ấy đến tối 31-8 tôi đã “ BIẾT HẾT HÀ NỘI RỒI” ( Lúc ấy đắc chí, tưởng thế là biết).
Không khó khăn gì để tôi từ bến Bờ Hồ tìm về đền Hàng Bạc khi đêm xuống, nằm lăn ra ngủ nhưng vẫn không quên buộc chặt thêm dây rút để không ai lấy trộm được tiền. Tôi nhẩm tính hôm nay mình đã tiêu mất bảy hào năm xu, trong đó đi tàu hai hào rưỡi và ăn một bát phở năm hào. Ôi phở sao mà ngon thế. Ở nhà quê làm gì có món ăn này. Ngay cả cái tên món Phở này tận bây giờ tôi mới biết.
Đêm về, ngày ấy Hà nội yên tĩnh hẳn, tôi nằm trên nền nhà vẳng nghe tiếng leng keng của tàu điện xa xa, tiếng guốc lóc cóc kêu giòn của người đi ngoài đường bé dần, bé dân theo khoảng cách, tiếngs rao Ta…o ..ph..ớ ! chốc chốc vang vọng. rồi tiếng người ta rao gì không biết mà cứ gõ cách cách đều đều đi suốt con đường ngang.
Cả ngày mệt mỏi nên tôi lăn ra ngủ một giấc đến sáng, tỉnh dậy thấy mọi người lao xao, gọi nhau í ới, Bác nằm ở chiếu bên cạnh lay lay tôi “ Dây ! Dây mà ra lấy phần “ , dụi mắt mở ra thấy Bác ấy chỉ ra phía sân đền . Một Bà trung niên trắng , đẹp, đứng bên cái bàn đầy ắp những gói giáy, gói lá đang chia cho mọi người những gói xôi, bánh mỳ . Tôi vội chạy ra nhận một gói từ tay bà với một câu nới ân cần “ Của cháu đây!” . Câu nói mới ân cần làm sao ! tôi sững người cảm động vì ngay cả ở nha, mẹ tôi cũng chưa bao giờ nhẹ nhàng nghọt ngào như thế vì suốt ngày mẹ tôi tất tả, lúc nào cũng vội, thời giờ đâu mà ân cần được với chúng tôi. Tôi đỡ gói quà, nhìn bà rưng rưng nước mắt. Chưa biết nó ngon nhạt như thế nào nhưng lòng xúc động đứng sững ngửa mặt nhìn bà. Tưởng rằng có chuyện gì không vui với tôi bà dịu dàng hỏi :
- Sao thế cháu !
- Không ạ !
- Hay cháu không thích bánh mỳ, cháu lấy xôi vậy nhé ?
- Không ạ , Cháu có nắm xôi mang theo rồi !
Bà cười dịu dàng vỗ vai tôi
- Thế Cháu đi về chỗ ăn đi !, À mà cháu có mang quần áo không?.
Tôi giật mình linh cảm chắc mùi áo quần tôi hôi lắm vội nói một lèo :
- Cháu có mang theo nhưng thưa Bác không có chõ nào để thay ạ !
Tôi đứng trân trân ngước mắt nhìn bà lúng túng và cảm động, bà cười :
- Được rồi cháu cứ về ăn đi đã .
Tồi lặng lẽ về chỗ ngồi ăn cùng Bác bên cạnh, lúc ấy tôi mới biết rằng ở đây có cả nước uống đun sôi không mất tiền nữa , thế mà từ hôm qua đến nay tôi toàn xếp hàng chờ uống nước máy ở vòi ngoài phố, qua Bác tôi còn được biết tên người phát ăn sáng là bác Thanh .
Bữa sáng vãn rồi, mọi người lục tục kéo nhau ra phố. Thu dọn đồ lề chuẩn bị đi chơi với mọi người thì Bác Thanh xuất hiện với cái gầu nhỏ có nối dây thừng đưa cho tôi. Bác bảo tôi mang theo túi đồ, dẫn tôi ra sân phía sau đền, đi qua một ngách nhỏ , chỉ vào một bể nước lớn có mui uốn cong bảo tôi :
- Đây là bể nước mưa của Đền, cháu múc nước rửa ráy rồi thay quần áo đi nhé , nhớ là phải giữ sạch sẽ và tiết kiệm nước đây!
Tôi Dạ vâng và lại môt lần nữa đứng sững người vì ngạc nhiên và cảm động. Bác Thanh nhìn tôi cười rồi di !
Tôi cứ thần người suy nghĩ, vì trước khi đi mẹ tôi đã dặn, mọi người cũng bàn tán mãi về người Hà Nội kiêu ngạo, khinh người ra làm sao, kẻ cắp Hà Nội nhiều và giỏi như thế nào mà sao những người tôi gặp, làm tôi ngạc nhiên và yêu họ đến thế. Thú thực là mẹ tôi rất yêu quý tôi, lo và giữ tôi nhưng yêu theo kiểu “ Yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ăn cho chơi” chứ không nuông chiều. Hơn nũa mẹ tôi suốt năm ngày tháng quần quật với ruộng đồng để nuôi sống 5 miệng ăn, làm sao có thời gian, làm sao còn hơi sức để nuông chiều để yêu quý nựng con. Sự dịu dàng, nhẹ nhàng và chu đáo của Bác Thanh làm tôi vừa cảm động vừa mủi lòng .
Ngày mai có duyệt binh, nhưng chỉ những người HN có cơ quan đoàn thể mới được vào Ba Đình. Nhân dân bình thường phải đứng đón trên các tuyến để xem đoàn duyệt binh diễu qua. Thế thì hôm nay mình phải lên xem Quảng trường Ba Đình trước mới được. Nghĩ vậy tôi quyết định đi. Mình biết đường rồi. theo như trên bản đồ, cứ lên tầu đi Chợ Bưởi, đến Quán Thánh xuống là đi bộ vào được. Tôi nghĩ quá đơn giản thế thôi, đường Quán Thánh dài mấy cây số nên khi mới đọc được chữ Phố Quán Thánh ở bên đường tôi đã vội xuống, rồi rẽ trái ngay ra đầu phố Phan Đình Phùng . Ôi chao, nhà to, cây to, đường rợp mát đẹp quá. Quê tôi đường đất chỉ có bụi. sỏi và bùn, đường Phan Đình Phùng to và sạch, đen bóng màu nhựa đường làm tôi đứng lặng miên man nghĩ về bao thứ ở quê và thành phố. Tôi ao ước mình được sống ở nơi này, tôi ao ước có được lũ bạn chăn bò bây giờ cùng đứng ở đây mà chiêm ngưỡng, mà thưởng thức cái to, cái đẹp của Hà nội.
Rẽ vào ngồi nghỉ ở vườn hoa ( sau này ở HN tôi mới biết là vườn hoa Hàng Đậu), tựa lưng vào ghế đá mát lạnh tôi khoan khoái tựa người, duỗi thẳng như trút đi cái mệt, cái mỏi từ hôm qua, lim dim nghĩ về những người làng mà mình bị lạc, tôi như tự đắc khoái chí mỉm cười …bỗng giật mình choàng dậy vì ai đó đập nhẹ vai mình. “ Anh bộ đội” tôi nói như nửa chào nửa khẳng định . “ ngồi dịch vào cho anh ngồi với.”
Ngày ấy hình ảnh Bộ Đội thật tuyệt vời, nói tới anh bộ đội người ta trìu mến thương yêu, nhìn thấy anh Bộ Đội người ta thấy chỗ nương tựa tin tưởng. Quê nhà tôi Bộ Đội về ở từ ngày giải phóng đến giờ , hết đợt này đi đợt khác đến, Sơn Tây được gọi là thủ đô của Bộ Đội và người ta thường hay so sánh về cái nhiều, cái đẹp “ Con gài Hà nội, Bộ Đội Sơn Tây”. Nhà tôi ở trung tâm của làng , nhà rộng, tiện đường nên thường có các cấp chỉ huy ở. Tôi thân thiết và gắn bó với họ như anh em người nhà và được họ yêu mến vì ngoan và “ học sáng”. Anh bộ đội cũng tựa lưng vươn vai và hỏi tôi
- Em đi đâu mà ngồi đây?.
- em đi chơi Quốc Khánh !
- Đi với ai mà sao lại ở đây?
- Em đi với người làng, nhưng bây giờ em bị lạc ạ!.
Tự nhiên anh bộ đội sôi nổi và chỉ mặt tôi nói to hơn với giọng thân tình .
- Tao nghe như mày nói giọng Sơn Tây, vùng Quốc oai Thạch Thất thì phải.
- Vâng, em người Quốc oại ạ .
- Thế à! Thế mày xã nào?
- em ở Đông Yên ạ !
- Thế à ! Việt Yên, Yên Thái, Đông Hạ hay Đông Thượng?
- Em ở Yên Thái, sao anh biết xã em ?.
- Thế à ? mấy năm trước tao đã ở xóm Đình Yên Thái rồi, ở nhà ông Khánh Lưu ây!
- Ồ liền nhà em, nhà em bên trên, ông lưu bên dưới !
- Thế nghĩa là mày con Bà Cụ Bạn !
- Vâng đúng ạ ! .
- Anh tên gì ?
- Anh tên Huấn !
- Đúng rồi em nhớ ra rồi, anh Huấn Tiểu đoàn phó , anh chơi đàn ghi ta và hay hát bài “ Mời anh đến thăm quê tôi”.
- Giỏi, thàng này giỏi ! - và bẹo tai tôi - Thế nghĩa là anh Nghĩa Tiểu đoàn trưởng đã ở nhà mày !
- Vâng…!
Thế rồi anh hỏi thăm tôi đủ chuyện, hỏi tất cả mọi người. Anh còn kiểm tra kiến thức số học, Kiến thức lịch sử của tôi khi biết tôi học hết lớp 5 năm nay vào lớp sáu, anh nói anh đang học bổ túc lớp 10. Tất nhiên với tôi những câu hỏi như thế tôi trả lời dễ . Anh khen tôi giỏi rồi kéo tôi sang bên kia đường đi một đoạn bảo tôi đứng đấy chờ, rồi vào hàng mua cho tôi và anh mỗi người một que kem. Tôi cầm kem mút và hỏi anh:
- Mọi người bảo kem phải màu vàng kia, sao ở đây kem lại xanh.!
- Kem cốm thì có màu xanh, kem đậu màu hơi vàng. Không phải kem nào cũng vàng đâu !
Thế là tôi biết thêm được một điều mới nữa, hơn mấy người ở quê tôi rồi. Hôm qua đi trên tàu điện. hai người từng đi HN, được ăn kem rồi, còn cãi nhau người nói kem màu vàng, người nói kem mầu xanh… hôm nay tôi mới biết màu kem khác nhau là như vậy. Mai kia về tôi sẽ giải thích cho mọi người nghe.
Tôi hỏi anh Huấn anh đi đâu mà ở đây. Anh nói nghiêm trang đầy tự hào
- Anh đi duyệt binh !
Tôi sững người ngắm nghía anh .
- Sao? Mày nghi anh không phải à ?
- Không , nhưng ….
- Không nhưng gì cả, ! đi với anh. Doanh trại đóng quân của anh ở đây, anh được nghỉ ngơi để mai đi đứng cả ngày nên ra đây nghỉ một lát thôi.
Anh dắt tôi đi một đoạn dài , vào một cái cổng to. (Sau lớn lên học và làm việc ở HN tôi nghĩ đó là phố Lý Nam đế) , người lính gác dập chân rộp rồi dơ tay ngang trán cháo. Anh Huấn nói gì và người lính dập chân chào lần nữa rồi anh dắt tôi vào bên trong. Đi một đoạn dài tôi thấy toàn xe kéo pháo với các khẩu pháo lớn che bạt kín mít. Bộ đội đi lại thảnh thơi, trong các gian phòng vẳng ra nhiều tiếng hát. Anh Huấn bảo tôi: Đây là trung đoàn Tô Vĩnh Diên của anh. Những người này từng ở làng em, nhưng hôm nay họ cần nghỉ ngơi, em không được mất trật tự (Trung đoàn pháo 58 sau này có doanh trại đóng quân ở xã Hòa Thạch cạnh xã tôi ) . Nói rồi anh đưa khăn mặt và cái chậu chỉ tôi ra bể nước to, nói như ra lệnh “ Tắm đi cho sạch!” “ Nhưng em không có quần áo” . “ Không sao, cởi ra tám rồi mặc lại !” . Tôi cỏi quần áo tám vô tư với mấy anh Bộ Đội cũng đang dội nước ào ào. Đứng chờ tôi tắm xong, anh Huấn dắt xuống nhà bếp, bảo cấp dường lấy một suất cơm cho tôi ăn, và cũng nói như ra lệnh “ Ăn nhanh, sắp đến giờ ăn của đơn vị rồi!” Tôi ngoan ngoãn nghe lời , ngồi ăn ngon lành suất cơm canh nóng và nhiều rau, thịt. Qua việc trao đổi và thưa gửi của bộ đội tôi biết anh Huấn đã là Trung Đoàn trưởng rồi. Tôi khoái chí và tự hào , sẽ về kể cho mọi người trong làng chắc là họ sẽ lác mắt !
Sau bũa cơm no nê và ngon lành làm tôi buồn ngủ nhíp mắt, anh Huấn bảo không được, em phải ra ghế đá ban nãy ngủ thôi, trong này không có chỗ nào cho em đâu, rồi anh sai một anh bộ đội đưa tôi ra vườn hoa, dặn tôi ngồi ngủ một lát rồi lên tàu điện về bờ Hồ như thế nào …. Tôi ngoan ngoãn làm đúng như thế và luôn không quên ôm chặt cái túi khâu có mấy đồng bên trong cạp quần, sợ trộm lấy mất.
Về Đền Hàng Bạc, thấy người đến nghỉ chật đền, tôi vội chen vào chỗ của mình giữ chỗ. Nằm ngủ đến lúc thành phố bật đèn, mở mắt ra thấy sáng lóa mới biết là đã tối. Bác nằm bên canh bảo tôi : “ Không ra Bờ Hồ xem à !“ . Xem gì ạ !. “Hôm nay có đủ thứ ! Văn Công biểu diễn ngay ở quảng trường Cột Đồng Hồ này . Đi xa tít dưới kia có xiếc này….!” Tôi vội vùng dậy chạy đi. Bờ Hồ rực rỡ trong ánh điện và âm vang tiếng loa đài. Ngày hội ở quê tôi cũng không vui như thế ! người đâu mà đông ơi là đông, ai cũng mạc rất đẹp. Tôi chen vào một sân khấu ngay gần bến xe điện xem cho đến 11h.
Sáng sớm tinh mơ ngày 2-9-1960, tôi theo mọi người xuống cuối phố Hàng Khay chiếm chỗ , ngồi đợi cho đến lúc đoàn diễu binh đi qua,. Dàn kèn đồng sáng loáng với tiếng kèn hùng tráng của bài “ Tiến bước dưới quân ký” hút lấy hồn tôi và nó theo tôi, vang vọng mãi suốt cuộc đời . Nhứng bước chân rầm rập theo nhịp hát hùng hồn, tôi như đang sống trong mơ, đang được bay bổng với đoàn quân ngũ. Tôi chờ hoài, chờ hoài mà mãi không thấy đoàn xe kéo pháo của anh Huấn đi qua. Hóa ra sau này tôi mới biết, đoàn duyệt binh ra khỏi đại lộ Hùng Vương được chia làm nhiều hướng, hướng đi xuống Nguyễn Thái Học Tràng thi chỉ có những đội ngũ đi bộ. Xe cơ giới đi thẳng về Hà Đông.
Ở lại đêm nay nũa sẽ được xem bắn pháo hoa, nhưng những mo cơm và ba đồng tiền mẹ cho sắp hết, tôi phải về thôi. Về ngay trong ngày hôm nay tàu điện vẫn đang miễn vé, không mất tiền. Tôi vội đi bộ về tận đầu phố Mã mây ăn một bát phở 5 hào nữa rồi ra tàu về Hà Đông.
Cũng may mà tôi kịp về khi mẹ và cả nhà đang nháo nhác, lo lắng hỏi tìm vì biết tôi lạc mọi người ngay từ hôm ra mà nay chưa thấy về. Cả làng mọi người đã về hết, chỉ còn những người có gia đình người thân ở HN ở ại xem bắn pháo hoa thôi. Mẹ tôi đang đôn đáo chạy khắp làng nhờ anh em người nhà ngày mai đi HN tìm tôi. Thấy tôi về mặt mày hớn hở, mẹ tôi như trút được quả núi trên đầu , nhìn tôi vừa bực vừa mừng nghe tôi khoe vanh vách . Nghe tôi kể chuyện những người dân làng đều cho là một kỳ tích và ai cũng gặng hỏi xem tôi có nói thật hay tôi phét lác không?
Chuyến đi để lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm và đặc biệt ấn tượng về một Hà Nội đẹp, nhất là những người Hà Nội như Bác Thanh, anh Huấn, những người ở trạm đón tiếp chúng tôi, những buổi biểu diễn và sự uy nghiêm, hùng dũng, hoành tráng của đoàn quân nhạc, đội ngũ duyệt binh. Chuyến đi gieo vào lòng tôi tình yêu Hà Nội, yêu con người Hà Nội một cách tự nhiên và sâu sắc mãi đến bây giờ. Lớn lên tôi đã học tập và công tác và sống ở HN hơn 40 năm trời, Hà Nội đã thay đổi, ô hợp , ầm ĩ và hỗn tạp đi nhiều bởi những dòng người nhập cư từ nông thôn, Hà Nội xưa thanh lịch chân tình đâu còn nữa, nhưng hình ảnh HN, con người Hà Nội của nắm 1960 cứ đọng lại hoài trong ký ức của tôi mà tôi cứ muốn tìm nó như ở trong mơ, ở một phương trời xa lạ nào ấy!
Vũ Huệ 8-2018

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.