Giải đáp tất cả các câu hỏi về vaccine COVID-19

6:23:00 SA

 


Tất cả những băn khoăn về vaccine COVID-19 sẽ được giải đáp bên dưới.


Đến nay 5 loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam là: AstraZeneca; Sputnick V; Pfirez; Vero Cell và Spikevax (Moderna). Việt Nam cũng vừa phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử kéo dài 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022) với 150 triệu liều, mục tiêu hơn 70% dân số nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành.

Vaccine COVID-19 bảo quản ở nhiệt độ nào?

Hiện các vaccine COVID-19 được cấp phép sử dụng trên thế giới điều kiện bảo quản ở nhiệt độ khác nhau. Vaccine của Pfizer được bảo quản trong môi trường từ - 80 độ C đến - 60 độ C, Moderna từ - 5 độ C đến - 15 độ C; Johnson&Johnson từ - 25 độ C đến -15 độ C; vaccine Sputnik V là ≤ -18 độ C; AstraZeneca từ 2 độ C đến 8 độ C.

Nguyên nhân hầu hết vaccine đều được bảo quản trong môi trường lạnh là bởi MRNA trong vaccine là vật liệu di truyền "dạy" các tế bào miễn dịch cách tạo ra protein đột biến được tìm thấy trên virus gây ra COVID-19.

Hệ miễn dịch phản ứng bằng cách tạo ra các kháng thể chống lại loại protein tăng đột biến đó, sau đó học cách bảo vệ cơ thể chống lại virus trong tương lai. Về bản chất, các phân tử mRNA không ổn định, nếu bị treo trong thời gian dài thì các tế bào có thể tích tụ mức độ có hại do các protein mà chúng giúp tạo ra.

Vaccine COVID-19 bảo vệ chúng ta trong bao lâu?

Theo WHO, vì vaccine COVID-19 mới bắt đầu được cấp phép đưa vào sử dụng trong vài tháng qua, nên còn quá sớm để biết khả năng bảo vệ của vaccine kéo dài bao lâu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 6 cho thấy, vaccine Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA có thể chống lại COVID-19 trong nhiều năm nếu virus không đột biến đáng kể. Thậm chí với các trường hợp từng mắc COVID-19 và tiêm vaccine, khả năng miễn dịch có thể tồn tại suốt đời.

Nhóm nghiên cứu khẳng định những người tiêm vaccine Pfizer và Moderna không cần phải tiêm nhắc lại, trừ các trường hợp miễn dịch yếu hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.

"Vì vaccine đi sâu vào hệ thống miễn dịch và tạo ra các kháng thể này cũng như dạy chúng ta cách tạo những kháng thể nên nó sẽ tồn tại lâu dài", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Suman Radhakrishna tới từ Trung tâm Y tế Dignity Health California (Mỹ) cho biết.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, miễn dịch do vaccine cung cấp tốt hơn khả năng miễn dịch có được với các trường hợp từng mắc COVID-19. Nguyên nhân là bởi vaccine giúp chống lại các biến thể tốt hơn.

Cần làm gì trước và sau khi tiêm?

Trước khi tiêm

Theo chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trước khi tiêm người dân cần được kiểm tra các triệu chứng bất thường của cơ thể như sốt, ho, nhiễm trùng... Nếu có cần thông báo ngay lập tức cho cán bộ y tế tại điểm tiêm chủng và tuyệt đối không di chuyển tới nơi tiêm chủng khi chưa có các chỉ định từ bác sĩ.

Việc làm này nhằm xác định nếu như có các yếu tố dịch tễ thì cần đảm bảo bạn được làm xét nghiệm kiểm tra có nhiễm SARS-CoV-2 hay không trước khi tiêm.

Người dân cũng cần thông báo với bác sĩ nếu đang mắc các bệnh nền, bệnh mãn tính tiến triển và đang điều trị. Bởi nhóm đối tượng này cần phải điều trị bệnh ổn định rồi mới tiêm chủng, tránh xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên.

Người dân cần thông báo với nhân viên y tế nếu bạn từng bị dị ứng với bất kì một loại vaccine nào hay thành phần của vaccine ngừa COVID-19 chuẩn bị tiêm

Người nào có tiền sử bệnh lý cần lưu ý vào hồ sơ trước khi tiêm chủng để sàng lọc.

Khi tiêm người dân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng như đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, hạn chế chạm vào các bề mặt công cộng và rửa tay sát khuẩn đúng cách; Cung cấp các thông tin chính xác để điền vào phiếu xác nhận và theo dõi tiêm chủng; Ngồi thẳng lưng, quay mặt theo hướng khác với người tiêm

Sau khi tiêm

Sau khi thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 người dân cần phải theo dõi tại chỗ 30 phút - 1 giờ để kiểm tra có những biểu hiện bất thường nào không. Nếu có hãy thông báo ngay với cán bộ y tế. Những phản ứng có thể xảy ra như cơ thể khó chịu, buồn nôn, bị phát ban hay sưng ở vùng tiêm…

Khi về nhà, người dân cần tiếp tục theo dõi ít nhất trong 2 ngày. Những biểu hiện cần chú ý bao gồm vùng tiêm bị sưng đỏ, nóng, thân nhiệt cao, sốt và có thể uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Người dân cần báo ngay cho nhân viên y tế khi cơ thể sốt cao trên 39 độ C, không có dấu hiệu đáp ứng với thuốc hạ sốt, cơn sốt kéo dài hơn 24 giờ, biểu hiện bị co giật, phát ban, người mệt mỏi, vật vã và khó chịu, khó thở hay các bất thường khác…

Tiêm 2 mũi vaccine 2 hãng khác nhau không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tiêm 2 mũi của 2 hãng có hiệu quả?

Đức bắt đầu kết hợp tiêm vaccine của các hãng khác nhau sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy chiến lược này an toàn và nâng cao hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19.

Hồi tháng 6, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiêm mũi thứ hai là vaccine Moderna hơn 2 tháng sau khi chích ngừa mũi đầu tiên là vaccine AstraZeneca.

Trong thông báo đưa ra hôm 12/7, Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Đức cho biết các kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca với vaccine sử dụng công nghệ mRNA "vượt trội rõ rệt" so với việc tiêm hai liều AstraZeneca.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 6 cho thấy, việc phối hợp một liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca và một liều vaccine của các hãng khác tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh.

Kết quả sơ bộ của một nghiên cứu ở Đức cũng phát hiện việc tiêm liều 1 bằng vaccine AstraZeneca và liều 2 bằng vaccine Pfizer/BioNTech giúp tạo nhiều kháng nguyên và bảo vệ cơ thể tốt hơn trước các biến chủng so với người tiêm đủ 2 liều AstraZeneca.

Trước đó, Anh cũng khẳng định phối hợp hai loại vaccine là an toàn dù tác dụng phụ sau tiêm sẽ nhiều hơn các trường hợp tiêm cùng loại.

Một số quốc gia khác cũng đang cân nhắc hoặc đã áp dụng chiến lược tiêm trộn này.

Từ 17/6, Canada khuyến nghị các tỉnh bang nên tiêm liều thứ 2 bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna nếu mũi tiêm đầu là vaccine AstraZeneca. Trước đó 3 ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm Italia (AIFA) khuyến khích người dưới 60 tuổi tiêm mũi đầu AstraZeneca nên tiêm mũi 2 bằng vaccine khác.

Giới chức Tây Ban Nha đưa ra khuyến nghị tương tự.

Ở Hàn Quốc, nước này cho biết sẽ mũi thứ 2 bằng vaccine Pfizer cho khoảng 760.000 người đã tiêm mũi đầu là AstraZeneca.

Tiêm liên tiếp 2 liều trong 30 phút thì sao?

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM cho rằng việc tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 trong vòng 30 phút không ảnh hưởng tới sức khỏe. Ví dụ, với vaccine COVID-19 AstraZeneca trước đây nhà sản xuất từng nghiên cứu rằng sẽ tiêm mỗi mũi liều lượng 1ml. Tuy nhiên sau này khi xem xét các nhà khoa học nhận thấy chỉ cần tiêm 1 nửa liều lượng tức là 0,5ml cho một mũi tiêm là đủ. Do đó, việc một người người này bị tiêm thừa 1 mũi, 2 mũi cách nhau 30 phút không ảnh hưởng gì mà chỉ bị phí mũi tiêm thứ 2.

Chung quan điểm, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng khẳng định, một người tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 trong vòng 30 phút là không có gì đáng lo ngại.

Ăn uống thế nào sau khi tiêm?

Theo BS Phan Thị Hồng Diệu, Đại học Y Hà Nội, người dân sau khi tiêm vaccine COVID-19 cần tránh uống rượu bia vì có thể gây ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước. Ngoài ra, uống rượu làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vaccine.

Ngoài rượu bia, mọi người cũng nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên… Bởi những thực phẩm này đều chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.

Sau khi tiêm vaccine COVID -19, để cơ thể nhanh phục hồi và khỏe mạnh, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi hợp lý, mọi người cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh.

Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đủ năng lượng, bổ sung đa dạng các thực phẩm từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối. Theo đó, các thực phẩm người dân cần ăn sau khi tiêm vaccine COVID-19 gồm: nước, hoa quả giàu vitamin C, cá, thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E và những thực phẩm giàu kẽm khác…

Ngoài ra, sau khi tiêm vaccine COVID-19, một số người thấy mệt mỏi, sốt, sưng đau và chán ăn. Thời điểm này, người dân nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo đậu xanh thịt băm… và cố gắng chia nhỏ bữa ăn.

Phụ nữ mang thai vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19.

Mang thai được tiêm vaccine COVID-19?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mang thai khiến cho phụ nữ nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn. Nhưng hiện rất ít đánh giá tính an toàn của vaccine COVID-19 trong thời kỳ mang thai. Do đó, phụ nữ mang thai được tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu lợi ích của việc tiêm lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vaccine.

Tuy nhiên, do người mang thai nguy cơ cao phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng nên trước khi tiêm cần tham khảo tư vấn của các bác sĩ để cân nhắc việc có nên tiêm hay không.

Cũng theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào về việc tiêm vaccine COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới. Mặt khác, vaccine COVID-19 không thể can thiệp đến hoạt động của cơ quan sinh sản.

Do đó, nếu phụ nữ sau sinh đang cho con bú có thể tiêm vaccine COVID-19. Vaccine an toàn cho cả mẹ và bé nên người mẹ cũng không cần tạm ngưng cho con bú sau khi tiêm vaccine.

Tiêm xong phải đau người, sốt mới có kháng thể?

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau tiêm vaccine việc cơ thể sẽ tiếp xúc với một kháng nguyên lạ. Phản ứng bình thường của cơ thể là huy động hệ miễn dịch chống lại và tiêu diệt kháng nguyên lạ đó, đồng thời tạo trí nhớ miễn dịch, hay còn gọi là kháng thể để chống lại những đợt tấn công tiếp theo của kháng nguyên. Những phản ứng miễn dịch đó biểu hiện ra bên ngoài như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau người, đau mệt mỏi… ở mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người phản ứng sau tiêm vaccine là khác nhau. Không phải ai sau tiêm cũng có biểu hiện phản ứng và điều này không phản ánh việc tạo miễn dịch của vaccine. Để đánh giá miễn dịch sau tiêm chính xác cần xét nghiệm máu định lượng kháng thể.

Nhiều chuyên gia về dịch tễ cũng cho rằng, không thể dựa vào phản ứng của cơ thể trước vaccine mà cho rằng người đó có hay không có kháng thể. Các chuyên gia đều đồng tình, việc sinh kháng thể hay không, kháng thể nhiều hay ít sau khi tiêm vaccine tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người chứ không liên quan tới phản ứng của người đó với vaccine.

Không phải cứ tiêm vaccine COVID-19 xong phải sốt, đau nhức thì cơ thể mới sinh kháng thể.

Ai nên trì hoãn tiêm vaccine COVID-19?

Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành ngày 18/3, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine.

9 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm:

- Người đang mắc bệnh cấp tính.

- Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.

- Người trong 4 ngày trước điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19.

- Người tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước.

- Người mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

- Người trên 65 tuổi.

- Người bị giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

Những người cần thận trọng tiêm chủng gồm đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện như người tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có bệnh mạn tính phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, huyết áp: huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg, huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg, thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Bộ Y tế cũng nêu trường hợp chống chỉ định khi tiêm vaccine COVID-19 là người tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine.

Người bị ung thư được tiêm vaccine COVID-19?

Theo TS-BS Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K, hiện chưa có dữ liệu nào cho thấy vaccine COVID-19 không hiệu quả và thiếu an toàn trên bệnh nhân ung thư. Người bị ung thư hệ thống miễn dịch cơ thể suy giảm, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe kém hơn do ảnh hưởng của bệnh và các phương pháp điều trị tích cực. Vì vậy, bệnh nhân ung thư cũng như các bệnh nhân có các bệnh lý nền khác, nằm trong nhóm khuyến cáo tiêm phòng COVID-19.

BS Quang khẳng định, bệnh nhân ung thư đang điều trị có thể được tiêm vaccine COVID-19, miễn sao người bệnh không có chống chỉ định hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. Ngoài ra, việc tiêm phòng không làm ảnh hưởng đến liệu trình điều trị ung thư cũng như không giảm hiệu quả của vaccine.

Tuy nhiên, với những bệnh nhân hóa trị phác đồ đa thuốc, liều cao hoặc ghép tế bào gốc tạo máu, khuyến cáo nên trì hoãn tiêm chủng vaccine COVID-19. Bệnh nhân đang điều trị corticorsteroid, cũng là một liệu pháp ức chế miễn dịch, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19.

Tiêm vaccine COVID-19 xong người dân vẫn phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch.

Sau tiêm vaccine, được bỏ khẩu trang?

Theo TS-BS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên người đã tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là người mới tiêm một mũi vẫn cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.

Theo bác sĩ, nguyên nhân đầu tiên là vaccine COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Bởi sau khi tiêm mũi 1, phải mất ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ một tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60% đến 90% tùy theo loại vaccine.

Lý do thứ 2, vaccine không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Điều này nghĩa là tuy một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng khả năng vẫn trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Vì sao phải tiêm mũi nhắc lại?

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM, khi nghiên cứu vaccine nhà sản xuất đều tính đến là mỗi mũi sẽ có nồng độ bao nhiêu thì hợp lý, tiêm số mũi nhiều hay ít sẽ hiệu quả và khoảng cách mỗi mũi là bao nhiêu. Vaccine COVID-19 cũng nằm trong nguyên tắc này.

Tùy vào nghiên cứu của loại vaccine đó thế nào. Có loại chỉ cần tiêm 1 mũi đạt miễn dịch mong muốn nhưng có loại phải 2, thậm chí là 3 mũi mới hiệu quả. Ngoài ra còn tùy thuộc vào loại vaccine, nghĩa là có loại sau khi tiêm xong đạt 80% miễn dịch nhưng có loại đạt tới 90%. Hoặc loại vaccine tiêm 1 mũi đạt 70% nhưng có loại tiêm 1 mũi chỉ đạt 30% nên phải tiêm mũi 2.

"Hiểu nôm na là tiêm mũi 1 vẫn có thể có hoặc không sinh kháng thể, hoặc nếu sinh kháng thể thì cũng không đạt hiệu quả mong muốn nên chúng ta phải tiêm mũi 2 để bổ sung thêm và củng cố lượng kháng thể đó sao cho cơ thể đạt được hiệu quả cao nhất chống lại virus. Vì vậy, việc tiêm mũi 2 hay tiêm nhắc lại vaccine là điều rất quan trọng để xây dựng hệ thống miễn dịch tốt nhất”, BS Khanh nhấn mạnh.

Các chuyên gia truyền nhiễm khác cũng khẳng định, phải tiêm nhắc lại vaccine vì mũi ban đầu được coi là mũi tiêm sinh kháng thể, còn mũi 2 là để củng cố hệ miễn dịch khỏe hơn. Tiêm mũi 2 kích thích các tế bào có “trí nhớ miễn dịch”, từ đó kháng thể chống lại virus trong mũi nhắc lại được tăng lên và bền vững hơn.

Vì vậy mà các nhà khoa học phải thử nghiệm rất nhiều lần qua các giai đoạn mới cho ra được loại vaccine hoàn chỉnh. Các chuyên gia đều tính đến việc tiêm bao nhiêu mũi và mỗi mũi phải cách nhau bao nhiêu lâu thì mới đạt được tỷ lệ miễn dịch cao nhất.

Người dân cần tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bao giờ Việt Nam tiêm xong 150 triệu liều?

Ngày 10/7 Việt Nam phát động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho toàn dân. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này với 150 triệu liều kéo dài trong 9 tháng, từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Người dân được tiêm miễn phí. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Chiến dịch này thực hiện nhằm tăng độ bao phủ vaccine COVID-19 cho trên 70% người dân (trên 18 tuổi) đạt miễn dịch cộng đồng.

Quá trình triển khai, Bộ Y tế quán triệt đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, với mục tiêu tiêm cho người dân trong độ tuổi nhiều nhất, nhanh nhất, phương châm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

Ông Long cho biết, để chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thành công, Bộ Y tế mong nhận được sự hưởng ứng tích cực và hợp tác nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân Việt Nam. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước.

Tính tới 12/7, Việt Nam đã tiêm 4.063.872 liều vaccine COVID-19 cho người dân. Trong đó, số người tiêm 1 mũi là 3.783.505, số người được tiêm đủ 2 mũi là 280.367.

TheoBaomoi - Phạm Quý



Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.