21 VĐV Trung Quốc chết thảm là giá phải trả cho "ngành công nghiệp" gần-nửa-triệu-tỷ-đồng mỗi năm

 

21 VĐV Trung Quốc chết thảm là giá phải trả cho "ngành công nghiệp" gần-nửa-triệu-tỷ-đồng mỗi năm

Thảm họa Hoàng Hà Thạch Lâm khiến 21 vận động viên thiệt mạng không phải là giải chạy duy nhất có nạn nhân tử vong gần đây ở Trung Quốc. Và đằng sau đấy là cả một câu chuyện dài.

Thảm họa kinh hoàng


Ngày 4/5 vừa qua, giải chạy ultra marathon tổ chức ở Ô Mông Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) chứng kiến sự tử vong của một vận động viên. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết quá khắc nghiệt, mưa lớn và nhiệt độ xuống thấp khiến vận động viên này chết rét.

Như vậy, chỉ trong vòng có 18 ngày, thể thao Trung Quốc chứng kiến hai giải đấu chết người với cùng một nguyên nhân. Tai nạn thảm khốc ở Cam Túc cũng đã gióng lên hồi chuông báo động cho môn thể thao đầy khắc nghiệt này ở Trung Quốc, lập tức khiến giải đua xe đạp xuyên rừng và ultra marathon cùng diễn ra ở Chiết Giang bị hủy bỏ lập tức.

21 VĐV Trung Quốc chết thảm là giá phải trả cho ngành công nghiệp gần-nửa-triệu-tỷ-đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Đồng thời, các giải chạy bộ địa hình đường dài trên khắp Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ phải dừng lại, cùng với nó là chấn chỉnh hoạt động cấp phép để chấn chỉnh lại công tác phòng chống rủi ro, ngăn chặn tái hiện những tai nạn thảm khốc ở môn thể thao này.

Song không chỉ đơn thuần như thế là đã xong, bởi vượt qua giới hạn của một môn thể thao thuần túy, các giải ultra marathon đã trở thành một "ngành công nghiệp không khói", đem về những khoản thu kếch sù khó lòng tưởng tượng nổi cho những doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến nó.


Tiêu 10.000 NDT mỗi năm cho đam mê


Trong "bảng giá" của những giải chạy ultra marathon, giải đua xuyên sa mạc Gobi là đắt nhất, tiếp theo là các giải marathon vượt núi như ở Hoàng Hà Thạch Lâm vừa qua, và rẻ nhất là các giải chạy marathon trong thành phố.

Theo tờ Tuần báo của Trung Quốc, phí đăng ký cho một giải ultra marathon dao động từ khoảng 500 đến 2.000 NDT. Lấy vị dụ như giải chạy Siêu việt dã Kanas, phí đăng ký cho cự ly 55 km là 800 NTD, 100 km là 1.200 NDT, còn cự ly 155 km là 6.600 NDT.

Theo ước tính của tờ báo này, một vận động viên việt dã chuyên nghiệp sẽ phải tiêu ít nhất 20.000 NDT mỗi năm cho việc đầu tư thiết bị, từ giày, quần áo, túi ngủ, thiết bị GPS, lều. Ngoài ra, giá vé máy bay, tiền ăn ở, phí đăng ký đều không hề rẻ tý nào.

21 VĐV Trung Quốc chết thảm là giá phải trả cho ngành công nghiệp gần-nửa-triệu-tỷ-đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Đoạn video Lương Cảnh tiết lộ tiêu tốn tổng cộng 390.000 NDT cho 3 năm chạy bộ.

Theo một vận động viên thường xuyên góp mặt trong giải ultra marathon lớn của Trung Quốc, tổng số tiền đầu tư mỗi năm lên đến khoảng 80.000 đến 100.000 NDT.

Lương Cảnh - kỷ lục gia Siêu việt dã Trung Quốc vừa chết thảm ở Hoàng Hà Thạch Lâm hôm 22/5 vừa qua - được người hâm mộ đặt biệt danh "Lương thần", từng tiết lộ trên tài khoản Douyin cá nhân của mình rằng chi phí chạy bộ 3 năm của anh tiêu tốn tổng cộng 390.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ VND). "Tôi phải chạy, bất kể giá là bao nhiêu", Lương Cảnh từng nói trong một video được đăng vào ngày 24/7 năm ngoái.


Bộ máy kiếm tiền


Theo tìm hiểu của phóng viên Tuần báo, thông thường một sự kiện ultra marathon sẽ có sự tham gia của chính quyền địa phương, cơ quan Văn hóa và Du lịch địa phương, các nhà tài trợ, công ty tổ chức sự kiện (công ty điều hành) và các tổ chức khác.

Thông thường, đơn vị đăng cai sẽ là chính quyền địa phương, và sẽ bỏ ra một khoản tài chính nhất định. Nếu khoản tiền này không đủ để tổ chức, các nhà tài trợ sẽ nhảy vào. Nếu vẫn không đủ, các công ty tổ chức sự kiện sẽ phải "xắn tay áo" đóng góp.

21 VĐV Trung Quốc chết thảm là giá phải trả cho ngành công nghiệp gần-nửa-triệu-tỷ-đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Như ở giải đua Hoàng Hà Thạch Lâm, đơn vị điều hành giải đấu là công ty Gansu Shenjing Sports. Năm 2018, ở giải đấu lần đầu tiên tổ chức tại đây, công ty này đã trúng thầu với số tiền 1,5 triệu NDT. Từ khi thành lập năm 2016 đến nay, công ty này đã trúng thầu tổ chức 9 giải đấu, với tổng giá trị là 10,41 triệu NDT, tất cả đều là ultra marathon.

Tuy vậy, công ty này chỉ có vỏn vẹn 22 nhân sự.


Hệ quả đau lòng của sự bát nháo


Những năm trở lại đây, với sự bùng nổ của phong trào ultra marathon, sự cạnh tranh khốc liệt bắt đầu xuất hiện, kèm theo đó là những "cuộc chiến" về giá cả, và chất lượng tổ chức theo đó cũng hỗn loạn và bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với việc yêu cầu các vận động viên ký vào "sinh tử trạng" nhằm gánh lấy phần trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra thành cho Ban tổ chức, các sự kiện ultra marathon Trung Quốc tràn ngập những nhà tổ chức không đủ điều kiện, bát nháo. Một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất là bỏ qua khâu kiểm tra sức khỏe cho vận động viên trước khi tham gia giải, cũng như "ăn bớt" lực lượng hậu cần, cứu hộ. Thay vào đó chỉ "làm cho có".

Chỉ 1 tháng trước thảm họa Hoàng Hà Thạch Lâm, Hiệp đội điền kinh Trung Quốc đã ban hành văn bản "Tổng hợp các tài liệu quản lý marathon Trung Quốc (2021)" nhằm cải thiện các tiêu chuẩn bao gồm bảng chỉ dẫn đường đua, thiết kế đường đua, đường đua thay thế, các trạm cung cấp hậu cần và cứu hộ, an ninh. Trong đó, những yêu cầu được nêu ra là khá cụ thể.

Tuy nhiên, việc giám sát sát sao đơn vị tổ chức sự kiện lại gặp khó khăn rất lớn, với số lượng các giải đấu diễn ra và sự thông đồng của chính quyền địa phương.

Cụ thể như ở giải đấu Hoàng Hà Thạch Lâm, sai sót "chết người" của Ban tổ chức là không chỉ định kỹ thuật viên cho trạm tập kết CP3, đồng thời "ăn bớt" hoàn toàn công tác hậu cần và cứu hộ từ CP2 đến CP4 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của 21 vận động viên.

Trong bản hướng dẫn chuẩn bị cho các vận động viên ở giải chạy Hoàng Hà Thạch Lâm năm nay, các thiết bị bắt buộc bao gồm bib chạy, chip thời gian, bản đồ đường đua điện tử, thiết bị GPS, đèn pin, nước và thiết bị cứu sinh, chăn, còi và điện thoại di động. Trong khi đó áo khoác, đồ lót giữ nhiệt, chăn cách nhiệt khẩn cấp... là những thiết bị được khuyến khích. Trong túi thuốc khẩn cấp, có thuốc điều khi sốt cao, đau, tiêu chảy, dị ứng và băng gạc.

Ở thảm họa khiến 21 vận động viên thiệt mạng này, tất cả các nạn nhân đều chết vị hạ thân nhiệt. Các loại thuốc mang theo hoàn toàn không có tác dụng. Mặt khác, hầu như tất cả các vận động viên đều không mang theo túi ngủ, áo khoác vì ngại nặng. Và đấy là nguyên nhân trực tiếp khiến họ tử vong.

Guồng quay tàn nhẫn của"ngành công nghiệp" cực kỳ béo bở


Theo số liệu của Hiệp hội điền kinh Trung Quốc, năm 2019 cả nước có 1.900 giải chạy marathon có quy mô từ 800 người trở lên, thu hút tổng cộng 7,2 triệu người tham gia. Nếu không dính phải dịch bệnh covid-19, dự kiến số lượng người tham gia vào các giải chạy marathon khác nhau sẽ vượt con số 10 triệu người, và quy mô của "ngành công nghiệp" này sẽ đạt con số 120 tỷ NDT (tương đương 432 nghìn tỷ VND).

Năm 2019, Bắc Kinh là nơi đầu tiên tổ chức các giải chạy ultra marathon với sự tham gia của các vận động viên quốc tế. Ngay sau đó, các giải đấu tương tự liên tục được tổ chức với quy mô ngày một lớn. Năm 2014, giải đấu ultra marathon xuyên quốc gia lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc. Từ năm 2015 đến 2019, đã có 71 giải đấu như thế được tổ chức, đồng thời số lượng các giải chạy ultra marathon cũng tăng từ 100 lên đến gần 500.

Quy mô tăng như vũ bão, các cuộc đua marathon ở Trung Quốc bắt đầu xoay theo định hướng thị trường.

Năm 2015, Hiệp hộ điền kinh Trung Quốc bãi bỏ hệ thống phê duyệt các giải đấu marathon, mở cửa cho các doanh nghiệp tổ chức nhảy vào cạnh tranh, đa dạng hóa, khiến số lượng các giải đấu tăng nhanh dữ dội.

21 VĐV Trung Quốc chết thảm là giá phải trả cho ngành công nghiệp gần-nửa-triệu-tỷ-đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Năm 2016, Hiệp hội điền kinh Trung Quốc đưa ra một loạt các tiêu chí xếp hạng nhằm khuyến khích các vận động viên tích cực tham gia, phân hạng các vận động viên nổi tiếng và đặt ra tiêu chuẩn tiền thưởng cho các cấp độ giải đấu được tổ chức, tiếp tục bước mạnh mẽ thương mại hóa môn thể thao này.

Dựa vào điều này, hoàng loạt giải đấu mang đậm tính thương mại được tổ chức, song đi kèm với đấy là việc buông lỏng các tiêu chuẩn, cũng như biện pháp quản lý. Và hậu quả đã tới ở giải đấu Hoàng Hà Thạch Lâm, với hậu quả nặng nề là thảm họa lớn nhất trong lịch sử thể thao Trung Quốc.

Ngay sau thảm họa này, giới chuyên môn cũng như chính quyền Trung Quốc lập tức kêu gọi siết chặt công tác tổ chức, tăng cường mức độ đảm bảo an toàn cho các giải đấu, đồng thời bắt buộc các thí sinh phải có được các kỹ năng tự ứng cứu ở mức độ nhất định, bên cạnh đó là cảnh báo giới hạn phải bỏ cuộc, thay vì khuyến khích việc thử thách giới hạn bản thân như hiện tại.

Song đấy chỉ là những phản ứng "mất bò mới lo làm chuồng". Sự kiện bi thảm này rồi sẽ trôi vào quên lãng, và "ngành công nghiệp" béo bở này sẽ lại tiếp tục guồng quay của nó, với những con số khổng lồ đủ sức đánh gục mọi nỗ lực "hãm phanh" cần thiết.

TheoSoha.vn

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.