PGS.TS.BS Tạ Thành Văn nói về cặp song sinh được điều chỉnh gen
by DI
2:41:00 CH
Read
Bạn có biết
2:41:00 CH
PGS.TS.BS Tạ Thành Văn nói về tuyên bố tạo ra cặp song sinh được điều chỉnh gen
Một cuộc tranh cãi nổ ra dữ dội trong cộng đồng học thuật khi ngày 26/11 vừa qua, thông tin một nhà khoa học ở Trung Quốc tuyên bố tạo ra cặp song sinh được điều chỉnh gen để kháng virus HIV đầu tiên trên thế giới. PGS. TS. BS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen-Protein đã chia sẻ quan điểm với Thế Giới Tiếp Thị Online về kết quả cuộc thử nghiệm này.
Với vai trò là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen-Protein, đồng thời còn được biết đến là học trò người Việt Nam đầu tiên của GS. Tasuku Honjo, khoa Y Trường ĐH Kyoto, Nhật Bản - người vừa đoạt giải thưởng Nobel Sinh học, ông có quan điểm thế nào khi nhận được thông tin này?
- Là người làm khoa học, trước những sự kiện mới chúng tôi luôn bình tĩnh để suy xét và chỉ tin khi có những bằng chứng khoa học, tức là thông tin được đưa ra từ những công bố khoa học của các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Mà những bằng chứng này thì đến nay tôi chưa được tiếp cận. Tuy nhiên, theo logic của một người làm trong lĩnh vực này nhiều năm, tôi thấy có nhiều điều để hoài nghi…
Gần chục năm trước trên thế giới đã từng rộ lên thông tin một em bé nhân bản ra đời do một nhóm nhà khoa học thực hiện, nhưng đến giờ thì không có thông tin gì về trường hợp này. Sau khi cừu Dolly nhân bản ra đời ở Anh, một số nhà khoa học quyết định thử nghiệm trên người, nhưng đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các nhà khoa học, nhà xã hội học và chính phủ nhiều nước. Chính phủ Mỹ quyết định ngân sách không được tài trợ cho thí nghiệm nhân bản trên người. Một số nhóm ở một số nước tuyên bố nhân bản thành công trên người nhưng đến nay vẫn chưa có một minh chứng cụ thể nào được đưa ra. Trường hợp này tôi thấy cũng tương tự. Họ nói sửa gen thành công, nhưng chưa đưa ra được các bằng chứng cũng như cơ sở khoa học rõ ràng.
Với kinh nghiệm, hiểu biết của một người làm khoa học về gen nhiều năm, ở đây tính hoài nghi của tôi rất nhiều. Tôi cho rằng trên 90% không phải thông tin thật.
Cơ sở nào để ông hoài nghi về tuyên bố này?
-Công nghệ sửa gen không phải bây giờ mới có. Năm 2000, một nhóm nhà khoa học ở phòng thí nghiệm nơi tôi làm việc bên Mỹ cũng đã chỉnh sửa, cắt, nối các đoạn gen trong phòng thí nghiệm bằng công nghệ Rybozyme, một công nghệ mới và khá đặc hiệu ngày đó.
Gần đây các nhà khoa học tìm ra phương pháp mới để chỉnh sửa gen, đặc hiệu hơn gọi là CRISPR và hy vọng có thể sửa gen để chữa bệnh lý của gen.
Nhưng với những hiểu biết mà tôi có được, thì mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, song cho đến nay đó vẫn chỉ là giấc mơ, vì có rất nhiều trở ngại về mặt khoa học mà các nhà khoa học phải vượt qua.
Phương pháp CRISPR CAS9 về lý thuyết rất hay nhưng có nhiều khó khăn khi triển khai. Liệu pháp điều trị gen thường ưu tiên nghiên cứu áp dụng đối với bệnh lý đơn gen còn đối với các bệnh lý đa gen thì việc áp dụng trở nên phức tạp gấp nhiều lần.
Vấn đề mấu chốt của phương pháp này là phải tìm được chính xác một gen lỗi trong cơ thể để thay thế. Mà cơ thể người có khoảng 25.000 gen. Nếu nối các gen trong 1 tế bào lại với nhau thì chiều dài cộng lại sẽ khoảng 2m. Trong tế bào, các gen tồn tạo ở dạng cuộn, xoắn rất phức tạp, thì việc định vị được vị trí của một gen lỗi, rồi cắt đúng đoạn gen hỏng, trong khi gen nằm trong nhân, nhân nằm trong tế bào và không nhìn thấy, là việc vô cùng khó, chưa nói đến việc thay đúng đoạn đã cắt bằng đoạn gen lành tương ứng. Rồi khi cài phải làm sao gen đó hoạt động được và hòa hợp với những gen khác… là những trở ngại đặc biệt quan trọng đối với các nhà khoa học. Chỉ cần cắt nhầm gen hay thêm vào đoạn gen không đúng vị trí thì sẽ tạo ra đột biến và gây nên bệnh khác, rất nguy hiểm…
Chỉnh sửa bệnh đơn gen đã khó, những bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch thường do tổ hợp của nhiều gen thì càng khó khăn hơn. Vì thế tôi cho rằng công bố của nhóm nhà khoa học Trung Quốc cần phải xem xét lại.
Nếu thông tin này là sự thật thì ông nghĩ sao?
-Nếu là sự thật thì đây là bước tiến vĩ đại của loài người chứ không chỉ riêng nhóm nghiên cứu đó. Cũng như sự kiện chúng ta tạo ra con cừu Dolly – một sự kiện hết sức vĩ đại.
Thế nhưng vấn đề ở đây là làm đến đâu và làm ở mức độ nào thì cần phải xem xét. Ví dụ hiện nay thế giới cấm nhân bản người theo mô hình cừu Dolly thì cũng có một ưu điểm và cũng có hạn chế. Bởi nếu cấm những cái mới, đặc biệt là trong y học là kìm hãm sự phát triển của khoa học.
Vì vậy trước cái mới phải hết sức cân nhắc. Chúng ta đồng thuận và đồng thuận tới đâu, ở giới hạn nào để đảm bảo y đức, đảm bảo tự nhiên loài người… Bởi nếu xuất hiện một con người giống cừu Dolly không có bố, không có mẹ sẽ đảo lộn toàn bộ trật tự loài người, hậu quả như thế nào ta phải lường hết.
Nếu anh sửa chữa gen, can thiệp sâu như thế thì hậu quả ra sao. Nhưng nếu cấm hoàn toàn thì cũng không nên, nhưng giới hạn cho thử nghiệm đến đâu. Và khi nào cho phép thử nghiệm trên người; áp dụng ở những bệnh lý nào thì phải cân nhắc, thận trọng…
HƯƠNG GIANG thực hiện
Trước đó, GS người Trung Quốc 34 tuổi Hạ Kiến Khôi (He Jiankui) tuyên bố rằng, hai bé gái song sinh khỏe mạnh đã được sinh vào tháng 11/2018 từ các phôi thai được ê-kíp của ông chỉnh sửa để vô hiệu hóa một gen liên quan đến HIV. Theo ông Hạ, một nam giới dương tính HIV đã trở thành cha đẻ của 2 bé gái sinh đôi này.
GS. Hạ đã sử dụng công cụ CRISPR-Cas9 để sửa gen người, sau đó đưa gen này vào cơ thể 7 phụ nữ để thụ tinh (bắt đầu từ tháng 3/2017). Một trong 7 phụ nữ này được cho là đã sinh hạ cặp song sinh nói trên.
Theo Thegioitiepthi
PGS.TS.BS Tạ Thành Văn nói về cặp song sinh được điều chỉnh gen
Reviewed by DI
on
2:41:00 CH
Rating: 5
Tags :
Bạn có biết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét