Nhớ Bác Đỗ Xuân Hợp
Trong không khí vui mừng kỷ niệm Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến 19/8 và Quốc Khánh 2/9/1945, gia đình các chi họ Đỗ Xuân lại nhớ đến Cụ Đỗ Xuân Hợp - Thiếu Tướng- Giáo Sư - Bác Sĩ đã dành cả cuốc đời cống hiến cho khoa học và cách mạng. Chúng ta cùng xem lại vài bài viết về Bác Hợp thân yêu trên mạng :
ĐỖ XUÂN HỢP-ÔNG VUA CỦA NGÀNH GIẢI PHẪU HỌC VIỆT NAM
Lê Minh Quốc
|
Cho đến nay, không riêng gì các thế hệ sinh viên y khoa mà ngay cả chúng ta cũng đều tự hào khi biết trong bộ sách giá trị Anatomie Topographique của Henri Rouvierè - tập nghiên cứu y học về cánh tay con người có chương viết về cơ ghi rõ muscle Do Xuan Hop và chương về dây thần kinh ghi rõ nerf Do Xuan Hop. Bên cạnh đó tên tuổi và công trình nghiên cứu của ông còn được in trong bộ Encyclopédie medicale Francaise (Bách khoa toàn thư y học Pháp). Vậy Đỗ Xuân Hợp là ai mà khiến y học thế giới phải đề cao và khâm phục như thế?
Ông sinh ngày 8/7/1906 tại Hà Nội - con thứ năm của cụ Đỗ Xuân Đạt - một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học và yêu nước. Khi cụ Lương Văn Can cùng những chí sĩ yêu nước lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì cụ Đạt dù không ra dạy, nhưng vẫn bí mật giúp đỡ tài chính cho trường. Ngay từ nhỏ, cụ Đỗ Xuân Hợp đã nổi tiếng là cậu học trò giỏi nhất trường. Sau khi đậu ưu kỳ thi tiểu học thì phần thưởng là những cuốn sách đã được ông chất đầy trong một tủ lớn! Sau này theo học trường Bưởi, ông cũng là học sinh giỏi, chăm chỉ và khiêm tốn giúp bạn học kém hơn mình. Mỗi tháng được nhận học bổng 8 đồng, ông dùng để nuôi hai em tiếp tục ăn học như mình. Sau khi tốt nghiệp trung học với bằng thành chung loại ưu tú, ông theo học trường Cao đẳng y dược Đông Dương. Ông tính toán như vậy vì chỉ sau bốn năm học thì có thể đi làm để giúp đỡ gia đình. Mùa hè năm 1929, Đỗ Xuân Hợp tốt nghiệp ra trường.
Lúc này tình yêu đến với ông. Người đó là bà Nguyễn Thị Thịnh - một nữ sinh trường Sư Phạm Hà Nội. Sau này nên duyên nợ thì người vợ đã cùng theo chồng lên đường nhận nhiệm sở. Đỗ Xuân Hợp được phân công về nơi rừng thiêng nước độc ở Bắc Hà (gần Lào Cai)! Nơi đây trong thập niên 30 vẫn còn là nơi "ánh sáng văn minh" chưa rọi tới! Những người dân còn tin vào thầy mo hơn là tin vào khoa học. Cho dù họ vẫn kính trọng gọi ông là "quan đốc". Hãy nghe một người học trò của ông là bác sĩ - TS. Lê Gia Vinh kể lại: "Một hôm đi qua một quả đồi vắng, bỗng nhiên nghe tiếng chập cheng lốc cốc, kèm theo tiếng rên rỉ khóc lóc, "quan đốc" lần mò vào tận nơi, thấy một cụ già bụng trương phình, đang hổn hển nằm chờ chết, chung quanh vợ con gào khóc, khấn vái trước một bàn thờ gà xôi, rượu, hoa quả đủ thứ, một thầy mo đang phồng mang trợn mép, mặt đỏ tía tai, vung gươm nhảy nhót, truyền phán các âm binh xua đuổi ma quỷ. Thấy "quan đốc" vào , thầy mo vội vã chuồn mất. Sau khi Bác sĩ Hợp thăm bệnh xong, thầy ký được gọi đến, mang dụng cụ tháo thụt ngay cho ông cụ. Phải đả thông mãi, ông cụ và gia đình mới bằng lòng cho làm. Ra được một thau sành đầy. Thấy nhẹ nhàng thoát chết, ông cụ và gia đình lạy lấy lạy để, cám ơn mãi "quan đốc" nhân từ cứu nhân độ thế" (Con đường vinh quang- Lê Gia Vinh - NXB Văn Hóa 1991). Sống trong một môi trường như thế, vợ chồng Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã làm hết sức mình để cải thiện sức khỏe cho người dân còn mê muội, dốt nát. Ngay từ những năm tháng này ông đã có quan niệm: cứu được bệnh nhân thoát khỏi tay tử thần là niềm vui của chính mình. Muốn làm được như vậy thì không thể không nâng cao tay nghề và trình độ hiểu biết của mình về y học.
Cuối xuân năm 1932, ngoài trời rét lạnh. Những ngọn gió lang thang đi qua rừng cây trong đêm tối làm vọng lại những âm thanh buồn não ruột. Đang nằm trong chăn ấm, hai vợ chồng cùng chúi mũi đọc hài kịch của Molière cho vơi nỗi nhớ nhà thì đột nhiên nghe những tiếng súng vọng lên "đoàng! đoàng!". Rồi có những tiếng kêu thất thanh: "Cướp! Cướp!" Tình hình những năm tháng này chưa yên ổn, bọn thổ phỉ từ biên giới tràn sang cướp phá như chỗ không người! Ông Hợp vội tắt đèn măng - xông, với tay lấy khẩu súng trường đang treo trên tường nhà rồi dẫn vợ chạy ra chỗ ẩn náu. Ông dự định gặp bọn chúng kéo đến là bắn. Nhưng hỡi ôi! Chúng đông quá. Ông bất lực nói: "Chúng mày muốn lấy gì thì lấy! Để cho tao sống, tao còn chữa bệnh cho dân". Thế là chúng lấy hết mọi thứ! Thấy chiếc nhẫn cưới đang đeo trên tay, một tên thổ phỉ định rút dao ra chặt tay ông để cướp thì ông nhanh chóng tháo ra đưa ngay cho nó. Như vậy cả gia tài dành dụm chỉ trong thoáng chốc tan theo mây khói. Lúc binh lính Pháp lên trấn áp bọn thổ phỉ thì chúng đã cao chạy xa bay tự lúc nào rồi!
Nhưng trong đời còn có câu: "Tái ông thất mã" để chỉ việc đời biến hóa khôn lường, trong rủi có may và ngược lại. Sau tai họa trên thì nửa tháng sau, ông được mời lên đồn binh để nhận tiền bồi thường! Với số tiền này ông đã dùng để mua tài liệu y học từ bên Pháp và theo học hàm thụ trường Đại học tổng hợp tại
Thông qua những kinh nghiệm đã thu thập được sau hơn 10 năm làm công việc này, Đỗ Xuân Hợp đã gây chấn động trong giới y học thời bấy giờ bằng bộ sách Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học và giải phẫu thẩm mỹ) in năm 1942. Với bộ sách này ông đã được Viện Hàn Lâm y học nước Pháp đã tặng giải thưởng Testut vào năm 1949. Ngoài ra ông còn công bố nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khác. Có thể nói từ năm 1936 Đỗ Xuân Hợp đã nghiên cứu về bộ xương người Việt Nam hiện đại và một số sọ hoặc bộ xương người Việt Nam thời cổ. Ngoài ra ông còn nghiên cứu cả về não, mạch máu thần kinh và nội tạng v.v... Hầu hết những công trình này đều viết bằng tiếng Pháp. Trong thời gian này có hai chi tiết thú vị. Một là mùa thu năm 1942, khi xem triển lãm tại phòng tranh mỹ thuật Đông Dương, vợ ông đã mua bức tranh Gia đình thuyền chài của họa sĩ L.X.N vừa đoạt giải thưởng đặc biệt. Sau khi họa sĩ đem đến tận nhà treo, bấy giờ Đỗ Xuân Hợp mới ngắm nghía. Chỉ giây lát sau ông đã phát hiện ra chi tiết sai về cơ bắp khi họa sĩ vẽ nhân vật, vì khi ngồi co chân thì bắp chân không thể như thế được. Sự góp ý của ông chính xác và thuyết phục nên họa sĩ này vui vẻ đem về vẽ lại, nhờ vậy bức tranh mới đạt hiệu quả trong nghệ thuật. Hai là với tấm bằng Testut - do biến chuyển thời cuộc nên Đỗ Xuân Hợp không nhận được. Mãi đến sau này, khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam có gặp vợ cố Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp. Trong trò chuyện thân mật, bà có nhắc đến chuyện này, điều chúng ta không ngờ là chỉ thời gian sau, Viện hàn lâm y học Pháp đã gửi đến cho gia đình cố bác sĩ tấm bằng này. Theo lời kể của vợ cố bác sĩ Đỗ Xuân Hợp chúng ta có thể thấy được tinh thần hiếu học của ông. Bà nói: "Đối với ông nhà tôi trên đời này chỉ có sách là quan trọng nhất. Không lúc nào tay ông rời quyển sách. Thậm chí ngay trong lúc ăn, ông cũng chúi mũi vào sách, nhiều lúc tôi phải đút cơm cho chồng tôi như chăm sóc trẻ nhỏ. Cơm ngon hay khê nhão ông cũng không quan tâm, cho gì ăn nấy, mắt chỉ dán vào sách hoặc giáo trình sẽ giảng dạy cho sinh viên. Sau này được nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng ông vẫn không thay đổi thói quen này. Còn chuyện tiền nong thì ông không bao giờ để ý đến. Mỗi tháng, người lái xe riêng của nhà tôi nhận tiền lương trao cho tôi. Có lần tôi hỏi tiền lương mỗi tháng bao nhiêu thì ông lắc đầu không biết. Có thể nói nhà tôi là người lấy việc say mê nghiên cứu y học làm niềm vui. Tôi tự hào là trong tổng số gần 100 công trình đã công bố bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, tôi có đôi lần đóng góp cho chồng tôi những việc nhỏ. Chẳng hạn như tìm giúp nhà tôi tiếng Việt phù hợp khi dịch tài liệu tiếng Pháp hoặc năm 1951, nhà tôi nhiều ngày đăm chiêu suy nghĩ khi chuyển ngữ một loại xương từ tiếng latinh sang tiếng Việt. Trong sách tiếng Latinh ghi là Tibia, có người dịch là xương ống quyển nhưng cũng chưa thích hợp lắm. Không biết đặt tên gì cho phù hợp, nhà tôi suy nghĩ mãi khiến tôi cũng sốt ruột. Lúc đó, tôi đang ngồi dùng chày giã cua, thì Bác sĩ Nguyễn Thế Khánh đi ngang qua, nhà tôi gọi vào và giãi bày nỗi khó khăn của mình. Thấy tôi đang cầm chày trên tay, Bác sĩ Khánh nhìn tấm ảnh vẽ khúc xương rồi buột miệng nói đùa: "Ô hay trông giống cái chày quá nhỉ!". Đang chăm chú làm việc nghe vậy tôi phá lên cười vui vẻ. Nhà tôi cũng cười và đặt tên là xương chầy - vì đó là từ đúng nhất mà lâu nay nhà tôi cứ cố gắng tìm kiếm trong vốn từ ngữ tiếng Việt của mình. Dù là người rất giỏi tiếng Pháp, dùng tiếng Pháp để dạy cho sinh viên, nhưng ngay sau Cánh mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của Đảng đưa tiếng Việt vào trường Đại học thì ông là một trong những người đầu tiên hưởng ứng bằng tất cả tâm huyết của mình.
Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra tiếng súng hào hiệp và chính nghĩa thì Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp bỏ lại sau lưng căn biệt thự số 69 phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), bỏ lại những tiện nghi vật chất để lên đường tòng quân. Sự cương quyết của ông khi đi theo kháng chiến là việc không phải ai cũng làm được, vì bấy giờ ông đang giảng dạy ở Đại Học Y khoa, lại chữa bệnh ở bệnh viện Phủ Doãn và còn có cả phòng mạch tư ở phố Chợ Hôm. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, vợ chồng ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thản. Vào tháng 3/1947 họ ở Việt Trì. Sau khi Pháp tấn công thì phải dắt díu nhau chạy lên Lâu Thượng rồi nửa đêm chạy ngược sông Lô để qua Bình Sơn (Vĩnh Yên). Từ đây, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được giao nhiệm vụ làm giám đốc Quân y viện Liên khu 10. Vào tháng 3/1949, nhiều chiến dịch lớn đã mở và quân ta đánh thắng giặc Pháp nhiều trận oanh liệt. Để kịp thời đào tạo cán bộ quân y phục vụ chiến trường, Trường Đại học Quân y được thành lập ở cánh rừng Liễn Sơn, xã Hồng Hoa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú). Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy cho trường, ngoài ra, ông còn phải dạy ở Đại học y khoa Chiêm Hóa (Tuyên Quang) do Bác sĩ Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Từ năm 1950, ông được chỉ định làm Hiệu trưởng trường Đại học Quân y. Tuy bận nhiều việc nhưng ông không ngừng nghiên cứu khoa học và biên soạn giáo trình giảng dạy.
Trực tiếp mổ xẻ, băng bó, chăm sóc vết thương cho thương bệnh binh từ chiến trường chuyển về, ông nhận thấy vết thương tứ chi bao giờ cũng chiếm một tỉ lệ lớn, do đó ông đã kịp thời biên soạn quyển Giải phẫu tứ chi và Thực hành y khoa. Tập sách này được xuất bản năm 1952 tại Việt Bắc - nó không chỉ là tài liệu chính giảng dạy trong nhà trường mà còn là cẩm nang quý báu cho cán bộ quân y tham khảo để phục vụ thương binh ngay tại chiến trường. Với tác phẩm này, ông được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng ba. Từ sự khích lệ này, trong suốt 20 năm (1952-1971) ông đã dành hết tâm lực để hoàn thành bộ sách nghiên cứu về giải phẫu học gồm nhiều tập, với 2000 trang, 900 hình vẽ minh họa có giá trị lâu bền như Giải phẫu bụng, Giải phẫu ngực... đã được Nhà xuất bản y học tái bản nhiều lần. Ngoài ra còn có thể kể đến những tác phẩm y học ông viết trong thời gian chống Pháp như Triệu chứng học, Dược học, Thực hành bệnh viện...
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội địa cầu, cùng với đoàn quân chiến thắng, gia đình Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp trở về Hà Nội. Về lại thủ đô, với chức Hiệu trưởng Viện Đại học Quân y, ông góp tay vào việc xây dựng nền y học nước nhà.
Là một nhà khoa học, một người thầy thuốc, Ông đã hết lòng, hết sức đem hết khả năng và kinh nghiệm của mình để cứu chữa cho thương bệnh binh, luôn luôn thể hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Người thầy thuốc giỏi phải đồng thời như mẹ hiền". Ông mất năm 1985 tại Hà Nội.
Với những đóng góp của mình, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1)... Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất đối với ông là ông đã tự nguyện sống trọn vẹn cả cuộc đời cho công việc phụng sự y học với tư tưởng "cứu nhân độ thế" mà Thánh y Lê Hữu Trác đã dạy.
Lê Minh Quốc (*) Bài viết được trích từ trang nhà của Trường Đại học Y Hà nội (http://www.hmu.edu.vn)
GS Đỗ Xuân Hợp, vị tướng quân y ngoài Đảng
- Là nhà giải phẫu học nổi tiếng, quyết rời bỏ “Hà Nội vàng son” lên rừng tham gia kháng chiến, ông trở thành vị tướng không phải đảng viên cộng sản.Được tặng giải thưởng lớn nhất ngành giải phẫu học thế giới
Năm 1932, vừa tròn 26 tuổi, BS Đỗ Xuân Hợp trở thành trợ lý giảng dạy ở Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của GS Pierre Huard, Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.
Sau 10 năm giảng dạy và miệt mài nghiên cứu, BS Hợp đã thu thập được một khối lượng lớn những tư liệu quý về giải phẫu hình thái và nhân chủng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam cũng như trong toàn cõi Đông Dương. Mùa xuân năm 1942, cùng thầy mình là Pierre Huard, ông cho xuất bản cuốn sách tiếng Pháp Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học nhân thể và giải phẫu học nghệ thuật). Đó quả là một bộ sưu tập phong phú, một công trình nghiên cứu nghiêm túc, làm cơ sở cho nhiều ngành khoa học như: y học, nhân chủng học, dân tộc học, khảo cổ học, mỹ học...
Vừa ra mắt bạn đọc, cuốn sách đã gây tiếng vang trên diễn đàn y học Pháp và Việt Nam. Ngoài việc dạy tại Đại học Y Hà Nội, BS Hợp còn được mời giảng bài về giải phẫu học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là một trong những người được chế độ thuộc địa trả lương cao nhất Đông Dương; mỗi tháng lương có thể mua được 1.200 tạ gạo! Ông cũng sở hữu một số toà nhà ở Hà Nội vào loại sang trọng lúc bấy giờ…
Bảy năm sau, ngày 13/12/1949, Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp quyết định tặng hai tác giả Pierre Huard và Đỗ Xuân Hợp Giải thưởng Testut, giải thưởng lớn nhất trong ngành giải phẫu học thế giới thời ấy.
Không quay về Hà Nội nhận giải thưởng Testut mà rong ruổi trên những nẻo đường Việt Bắc
Thế nhưng, chính vào lúc Viện Hàn lâm nổi tiếng này quyết định tặng ông Giải thưởng Testut, thì GS Đỗ Xuân Hợp cùng nhiều nhà y học Việt Nam nổi tiếng khác như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Tích Trí, Trần Hữu Tước, Đặng Vũ Hỷ, Vũ Đình Tụng… theo Lời kêu gọi kháng chiến toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dũng cảm giã từ “Hà Nội vàng son”, rong ruổi trên những nẻo đường kháng chiến.
Từ Nhật Bản, GS Đặng Văn Ngữ cũng đã trở về Thái Lan, rồi băng qua rừng Lào, đến vùng Ngòi Quẵng, Chiêm Hoá, Tuyên Quang, tham gia xây dựng Đại học Y kháng chiến do GS Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng, GS Tôn Thất Tùng làm Giám đốc Bệnh viện thực hành của trường. Cả một thế hệ những người thầy thuốc lừng danh, những bậc trí giả hàng đầu đất nước, với tình cảm cách mạng sục sôi, tự nguyện rời bỏ cuộc sống “ô-tô, nhà lầu”, vui lòng “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” với đồng bào nghèo khó, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh. Cuộc đời họ quả là những tấm gương trong sáng tuyệt vời đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Lòng yêu nước sâu lắng của họ đáng được đời đời khắc tạc trên bảng vàng, bia đá…
Là chuyên gia giải phẫu học nổi tiếng ở Đông Dương và cả ở Pháp, nhưng BS Đỗ Xuân Hợp không nề hà nhận bất cứ việc gì mà kháng chiến đòi hỏi, từ cấp cứu chiến thương, điều trị thương binh, bệnh binh, phụ trách bệnh viện, đến tổ chức đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, trung cấp cho quân đội...
Chiến trường càng mở rộng, yêu cầu càng nhiều cán bộ quân y. Trong điều kiện vô cùng gian khổ ở chiến khu, làm thế nào vừa đào tạo được những cán bộ y tế vừa đạt chất lượng chuyên môn, vừa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng của các đơn vị quân đội? Đó là điều lo lắng ngày đêm của GS Hợp và đồng nghiệp.
GS Đỗ Xuân Hợp ( thứ ba bên trái sang ) trong kháng chiến
|
Nhớ lại những năm trước kia theo học Trường Y và âm thầm tự học thêm, ông thấy rõ nỗi vất vả do thiếu sách và tạp chí chuyên ngành để tham khảo. Nhưng, dù sao lúc đó còn ở giữa lòng Hà Nội, sẵn tủ sách gia đình và thư viện, lại nhờ sử dụng thành thạo tiếng Pháp, nên ông dễ tìm ra tài liệu để đọc, để học. Chứ lúc này đây, trong lửa đạn hiểm nguy, giữa rừng sâu bản vắng, hơn nữa các học viên lại có trình độ tiếng Pháp không đồng đều, thì biết xoay xở sao đây?
GS Hợp nhận thấy chỉ có cách biên soạn càng nhanh càng tốt những bài giảng bằng tiếng nước mình. Ông phải bỏ ra biết bao công sức để đọc sách tiếng Pháp, chọn từ ngữ nào trong tiếng Việt để dịch cho chính xác, dễ hiểu, rồi soạn bài giảng bằng tiếng Việt sao cho thật gọn, thật rõ. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn xúc động khi ngồi đọc lại những dòng hồi ức chân thành của Giáo sư:
“Có những đêm không sao chợp mắt, một mình bên ngọn đèn khuya leo lét trong gian nhà nhỏ giữa rừng sâu, tôi suy nghĩ cố tìm một từ để dịch cho chính xác, dễ hiểu...”.
Từ "cẩm nang" mổ xẻ cấp cứu chiến thương đến giáo trình giải phẫu học hoàn chỉnh
Cuộc kháng chiến ngày càng gay go, quyết liệt. Thương binh ngày càng nhiều. Qua khảo sát, GS Hợp nhận thấy: Vết thương ở chân, tay bao giờ cũng chiếm tỷ lệ lớn. Từ các bài giảng ông dần dần tập hợp lại, soạn thành cuốn Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa in năm 1952 ở chiến khu Việt Bắc. Tập sách không chỉ là tài liệu chính để giảng dạy trong nhà trường, mà còn là cuốn “cẩm nang” để các cán bộ quân y ở các đơn vị tham khảo khi phải mổ xẻ cấp cứu thương binh ngay tại chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Chính phủ ta tặng GS Hợp Huân chương Kháng chiến.
Trong 20 năm (1952-1971), GS Đỗ Xuân Hợp mới biên soạn xong cả bộ sách giáo khoa giải phẫu học hoàn chỉnh, gồm nhiều tập, với gần 1.500 trang và hơn 900 minh họa.
Với cuốn sách y khoa đầu tiên bằng tiếng Việt được in ở Việt Bắc năm 1952, GS Đỗ Xuân Hợp được coi là một trong những người lập công đầu đưa tiếng mẹ đẻ vào giảng dạy ở bậc đại học. Ông đã làm một khối lượng công việc khổng lồ: dịch sang tiếng Việt hàng chục nghìn từ về y học và giải phẫu học, chính xác và sáng tạo, góp phần làm giàu tiếng Việt ta, tránh lạm dụng các từ gốc Hán. Nội dung cuốn sách quả đã đạt được mục tiêu do ông tự đề ra:
“Học giải phẫu cốt để biết mổ xẻ và hiểu bệnh lý; giải phẫu phải kết hợp với thực dụng nội, ngoại khoa; cho nên bộ sách này được trình bày theo một quan điểm khác với các cuốn sách giáo khoa trước đây về giải phẫu học; bộ sách vừa có phần mô tả, vừa có phần tổng hợp định khu và phần hướng dẫn mổ xẻ (...). Như vậy người học không bị sa lầy trong các chi tiết giải phẫu học đơn thuần, và sẽ nhớ được những điều căn bản cần cho công tác.”
Bộ sách được Nhà xuất bản Y Học in đi in lại nhiều lần, tổng cộng gần 20 nghìn bản. Mỗi lần in lại, GS Hợp đều cẩn thận sửa chữa, bổ sung các số liệu mới và đặc điểm giải phẫu học của cơ thể người Việt Nam, đặc biệt là những kinh nghiệm mổ xẻ mà ông và đồng nghiệp mới đúc kết được qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong bộ sách ấy, ngoài những tài liệu kinh điển rút ra từ các tài liệu giải phẫu học nước ngoài, ông còn bổ sung những đặc điểm hình thái học của người Việt Nam do chính ông sưu tầm và công bố. Ngoài ra, ông còn nêu lên những điều chỉ dẫn về mổ xẻ, về khám bệnh dựa trên các chi tiết giải phẫu học được trình bày. Cách biên soạn ấy rất phù hợp với yêu cầu đào tạo cán bộ y tế ở nước ta.
Vị Thiếu tướng không phải đảng viên cộng sản
Trong suốt cuộc đời mình (1906-1985), GS Đỗ Xuân Hợp là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu và gần 20 cuốn sách chuyên khảo về các lĩnh vực giải phẫu học ngoại khoa, nhân chủng học, khảo cổ học, mỹ học rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Nhưng có lẽ bộ sách giải phẫu học gồm bốn tập (Giải phẫu học đại cương và giải phẫu đầu - mặt - cổ, Giải và thực dụng ngoại khoa chi trên và chi dưới, Giải phẫu ngực, và Giải phẫu bụng) vẫn là bộ sách lớn nhất của cả đời ông. Gần bốn thập niên đã trôi qua kể từ khi ông hoàn thành tập cuối cùng của bộ sách ấy (năm 1971), ở nước ta đã xuất hiện thêm nhiều cuốn sách giải phẫu học khác viết bằng tiếng Việt, nhưng có lẽ chưa có cuốn nào vượt được bộ sách của GS Đỗ Xuân Hợp về khối lượng, chất lượng bản thảo cũng như về số lượng bản in.
GS Đỗ Xuân Hợp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam, có lẽ là người duy nhất không phải đảng viên cộng sản mà lại được Nhà nước ta phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân. Ông cũng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong nhiều thập niên, ông giữ chức Giám đốc Học viện Quân y.
Trong gần mười năm làm Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc, cơ quan trung ương Đảng Xã hội Việt Nam (một chính đảng cách mạng do Bác Hồ giúp thành lập vào năm 1946, rồi kết thúc hoạt động năm 1988), tôi may mắn có mối quan hệ mật thiết với GS Hợp, bởi vì ông là Uỷ viên Thường vụ Trung ương của đảng này, và là một cộng tác viên của tạp chí.
Ông để lại trong tôi những ấn tượng hết sức tốt đẹp về một người trí thức khiêm tốn, kiệm lời, biết mười chỉ nói một. Ông và gia đình ông sống thanh đạm như bao cán bộ bình thường. Mấy ngôi nhà ông tại Hà Nội đã hiến cho Chính phủ. Một cuộc đời bình dị! Một nhân cách cao quý! Không bao giờ ông nói tới “công trạng lẫy lừng” của mình.
GS Hợp qua đời cách đây hơn hai thập niên. Nhưng trước tác khoa học của ông vẫn được xã hội trân trọng, trí tuệ và đức độ của ông vẫn soi đường và cảm hoá nhiều thế hệ thầy thuốc hậu sinh.
Ông đã được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.
Hàm Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét