Thành Chương : chủ nhân Việt Phủ

Cách 30 km Hà Nội náo nhiệt và ồn ào, vượt qua một con đường nhỏ đẹp như lụa, rẽ vào Việt Phủ Thành Chương – là được thụ hưởng không gian thanh bình thân mật như trong một khu làng Việt cổ đã yên ổn cách đây từ buổi xa xưa.


Phủ rộng hơn 10.000m2, lưng dựa vào núi Sóc, kề bên là hồ Kẻo Cả quanh năm nước trong xanh, thịnh về phong thủy. Gần 10 năm kiến tạo, như có phép thiêng, từ một quả đồi hoang vu giờ Phủ đã trở thành một trong những công trình nghệ thuật lớn nhất hiện nay, như một tác phẩm lớn của nghệ thuật sắp đặt do Thành Chương tạo dựng.

Họa sĩ Thành Chương, con người có tình yêu sâu nặng với văn hóa nghệ thuật truyền thống, một người được coi là thần đồng từ nhỏ và hiện là một trong những họa sĩ hàng đầu của nền hội họa Việt Nam đương đại, đã quy hoạch không gian rất tỉ mỉ: nhà ở từng khu vực phải như thế nào, bóng mát ra sao, cây cỏ, cây lưu niên có xén tỉa hay để mọc lùm bụi um tùm, thậm chí từng viên sỏi vứt ở chỗ nào trong vườn cũng đều có sự sắp đặt chi tiết. Kỹ càng nhưng không gượng gạo, tất cả đều toát lên một đời sống tự nhiên, hồn hậu và thuần khiết hồn Việt. Trong không gian Việt Phủ, ta cảm nhận hơi thở văn hóa Việt, hồn cốt Việt và vẻ đẹp xa xưa mang tên nước Việt. Sự khác biệt và điều làm nên danh tiếng của Việt Phủ Thành Chương là ở đó. Hàng ngàn những giá trị vật thể và phi vật thể hiện hữu nơi đây tạo nên một không gian văn hóa Việt tinh tế, sang trọng mà gần gũi, nơi hội tụ của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, hội họa, diễn xướng, tâm linh, đời sống dân gian Việt Nam. Quen thuộc bởi truyền thống và lạ lẫm, độc đáo bởi tài năng chắt lọc và sáng tạo của họa sĩ Thành Chương. Không gian văn hóa của Việt Phủ là điểm nhấn mang chiều sâu tư tưởng, văn minh và nhân văn, có tính trường tồn đối với đời sống văn hóa của người dân Thủ đô, là nơi mà những vẻ đẹp Việt đã mất giờ lại được hồi sinh. Việt Phủ thực sự là một bài ca đất nước không viết bằng lời.

Cửa không khóa, Phủ cứ mở cửa thoáng quanh năm. Lúc nào cũng sạch sẽ không một vết bụi. Lúc nào cũng một bộ đồ trà đầm ấm, có phích nước sôi giòn (mà gia đình người giúp việc cứ 3 giờ lại thay nước sôi một lần, cho dù có khách hay không). Ông chủ về Hà Nội cửa vẫn mở, khách đến thấy sẵn một không gian niềm nở và hòa nhã đang đợi chờ mình.

+. 100 người đến thì cả 100 đều thắc mắc: Đồ cổ cứ bày ra như sỏi thế, không sợ người ta lấy mất à? Quả thật trong Phủ đồ cổ vứt lăn lóc ngoài vườn, phơi mưa phơi nắng cứ như vại sành chum mẻ ở góc vườn nhà quê nào đấy. Tất nhiên, không ai nỡ cầm của Thành Chương dù một viên sỏi trong vườn, khi người ta thấy anh tận tụy đến thế trong khu Phủ này, khi anh đã hào hiệp chia sẻ cùng mọi người cái không gian đầy nghệ thuật nhưng thấm đượm tính gia đình. Nơi đây, như một sự may mắn lớn lao, đã cho chúng ta cảm giác được sống lại với tổ tiên, ông bà mình vậy. Không có những mô hình vô cảm, tất thảy chúng đều thân thuộc, đến nỗi bên một ngôi nhà tranh vách đất trong Phủ, chúng ta như ngửi thấy mùi khói bếp đã bay lên trong một chiều của cả ngàn năm trước, như cảm thấy tổ tiên vừa đi qua cổng, vừa xay lúa giã gạo, vừa uống trà và vừa ngồi đàm đạo.

Niềm đam mê với đồ cổ có lẽ từ trong máu. Hồi bé, mới bằng "cái mắt muỗi" cậu bé Thành Chương đã suốt ngày lẩn mẩn gom nhặt. Đi bộ đội, vào chiến trường lính ta phải tính từng lạng vật dụng sao cho đỡ nặng, khi di chuyển nhanh nhất, thì anh lính Thành Chương đi qua một bản nhỏ, thấy có con voi đá nham nhở khói đất, nhặt bỏ vào ba lô vì tiếc, thế là cứ ôm cứ cõng cái con voi đá ấy khắp chiến trường, cho tới ngày quay ra Bắc…

Phủ là một từ Việt cổ dùng để gọi một khu nhà lớn. Gọi là Phủ Thành Chương, Biệt Phủ Thành Chương hay Việt Phủ Thành Chương đều đúng. Khi mới xây dựng xong, nhà văn Nguyễn Viện lên thăm và đặt tên là Phủ Thành Chương. Nhà văn Kim Lân, cha của họa sĩ lại bảo: "Phủ Thành Chương có nhiều cái đặc biệt, vậy phải gọi nó là Biệt Phủ". Rồi ông lại nhận thấy ở đây lưu giữ nhiều hồn vía của người Việt, vậy gọi nó là Việt Phủ Thành Chương.

+ Việt Phủ Thành Chương giờ là “danh thắng”, trở thành điểm đến trong chùm tour Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trọn vẹn vai trò một chủ nhân hiếu khách, Thành Chương vẫn có thể nhiệt tình làm “guide” dẫn khách đi giới thiệu từng góc Phủ, từng món cổ vật có từ hàng trăm năm đến hàng ngàn năm đã được sắp đặt để tỏa ra hơi thở tươi non và nồng ấm của cuộc sống.

"Người ta thường hay nói, biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng với công trình này, ông là người đã biến hiện thực thành giấc mơ" - Raymond Burghard - cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã nhận xét như vậy. Còn Xiomara Perez, Phó Đại sứ Cộng hòa Panama tại Việt Nam thì nói: "Không gian nơi đây thật là tuyệt diệu, và nội dung chứa đựng nơi đây thật là choáng ngợp. Những ngôi nhà, nhưng đồ gỗ cổ, những bức tượng điêu khắc, những lọ hoa, những đồ gốm và vô số những hiện vật xinh đẹp khác nằm trong sự sắp đặt tổng thể đã khiến cho bảo tàng hết sức đặc biệt này trở thành Ngôi Nhà Lớn Của Nghệ Thuật".

Việt Phủ Thành Chương, vương quốc ấy không phải ở trong những giấc mơ xa xôi và mơ hồ của chúng ta. Vương quốc ấy hiện thực đến mức làm cho chúng ta cảm tưởng mình đang thở cùng hơi thở của ngàn xưa tụ lại, sinh sôi và lan tỏa. Việt Phủ, nơi cho chúng ta thấy gần như đầy đủ tài năng và tầm cỡ, tâm sức và ý chí của một người Hà Nội - họa sĩ Thành Chương.


Huy Quỳnh

( Tham khảo Internet )

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.