CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ NANO

7:36:00 SA

 


Đến năm 2100, số phận của chúng ta sẽ trở thành giống như những vị thần mà chúng ta từng tôn thờ và kính sợ. Nhưng công cụ của chúng ta sẽ không phải là đũa thần và bình thuốc ma thuật mà là khoa học máy tính, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và hơn hết là lý thuyết lượng tử.

MICHIO KAKU

Lời nói đầu. Danh từ nano, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp νάνος (Latinh nános) nghĩa là “người lùn”, không phải là tên của một loại vật liệu nhất định nào, mà ám chỉ độ nhỏ một phần tỷ (10−9) của cái gì đó, như nanomet (nm) là một phần tỷ của mét. Nanomet cũng chính là cấp nguyên tử, phân tử. Nghiên cứu tạo ra và sử dụng các vật liệu rất nhỏ, cấp nano, được gọi là vật liệu nano, là công việc của khoa học và công nghệ nano. TheoWikipedia : Công nghệ nano là việc sử dụng vật chất ở quy mô nguyên tử, phân tử và siêu phân tử cho các mục đích công nghiệp.

Sự ra đời của công nghệ nano được đánh dấu tại thời điểm bài diễn văn nổi tiếng của nhà vật lý Richard Feynman “Có nhiều chỗ ở miệt dưới” năm 1959 (từ dịch của anh Trương Văn Tân). Nhưng cần đợi đến thập niên 1980 ngành công nghệ nano mới ra đời. Giáo sư Eric Drexler, tác giả của quyển sách The Engines of Creation năm 1986, nhân tố kích thích sự chuyển động công nghệ nano, kể lại, khi ông giảng khóa đầu tiên về công nghệ nano tại ĐH Stanford, “căn phòng và hành lang đã chật cứng vào ngày đầu tiên, và người sinh viên bước vào cuối cùng phải trèo qua cửa sổ.” [1]

Foresight Institute, một tổ chức phi lợi nhuận tại Palo Alto, California, mà Drexler đồng sáng lập, nhằm khuếch trương công nghệ nano và các công nghệ mới nổi, đã tài trợ hội nghị đầu tiên về công nghệ nano tháng 10, 1986. Tại hội nghị, Drexler nhận ra rằng Nhật Bản từ nhiều năm đã xem công nghệ chế tạo (engineering) những hệ thống phân tử là then chốt cho công nghệ thế kỷ 21.

“Nhiều chỗ cho miệt dưới” cũng là nhiều chỗ cho những giấc mơ. Nhiều khái niệm mới ra đời như công nghệ nano, hay tương đương, công nghệ phân tử, robot nano (nanobot), mạch điện nano, máy nano, computer nano …. Sẽ có những cỗ máy dư thừa (sản xuất thực phẩm), những loại vật liệu siêu nhẹ, những cỗ máy chẩn đoán và chữa trị đến tận các tế bào; giấc mơ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và chế tạo nước được khử muối; khả năng làm sạch môi trường khỏi CO2 để trả lại bầu khí quyển về thời kỳ tiền-công nghiệp hóa. Có rất nhiều viễn cảnh đáng và được mơ ước.[2]

Dưới đây TS Trương Văn Tân, tốt nghiệp B. Eng, M. Eng tại Tokyo Institute of Technology, Nhật Bản, và PhD tại University of Adelaide, Úc, nhà khoa học ứng dụng với 70 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế, và là chuyên gia nghiên cứu công nghệ nano 15 năm liền, có nhã ý gửi đến độc giả một bài giới thiệu ngành công nghệ mới này, tập trung vào phần hữu cơ, là phần quan trọng liên quan đến sự sống con người.

Gần mười năm 2008-2016 qua, anh cũng đã bỏ ra công sức và tâm huyết để viết 3 quyển sách về công nghệ nano, rất được ưa chuộng, nhằm quảng bá, đại chúng hóa, và nâng cao hiểu biết về lãnh vực mới và tiềm năng này cho độc giả Việt Nam. Một khối lượng kiến thức to lớn. Trước mỗi một chương đều có một câu nói của danh nhân được gắn vào đó, rất minh triết, từ Aristote đến Einstein đến Trịnh Công Sơn. Anh viết những tác phẩm này trong lúc vẫn còn bận bịu với công việc nghiên cứu, cho thấy độ dấn thân cao của anh.

Ngoài ra năm 2019 TS Tân còn xuất bản thêm quyển sách Bên Lề Khoa Học, đề cập đến rất nhiều đề tài về khoa học và giáo dục, nhân văn và triết lý, cũng như phần Du ký, nơi anh ghi lại những trải nghiệm, quan sát của những chuyến du lịch, để khoa học và thi ca hòa nhịp. Ngòi bút của anh là rất sâu sắc, chắc không phụ lòng người đọc. Thể loại du ký này đã phổ biến ở châu Âu thế kỷ 18, và đã góp phần vào việc thúc đẩy khai minh. Bốn quyển sách có số trang tổng cộng lên tới 1.465. Một công trình đồ sộ của một người. Chẳng phải tác giả là một người thuộc loại đam mê viết hay sao? Nhưng trên hết anh là người đam mê truyền bá khoa học để phục vụ sự phát triển khoa học của đất nước.

Đọc Trương Văn Tân luôn luôn là một điều thú vị, đầy ắp cảm hứng và nhận thức. Anh vừa là nhà khoa học chính xác, rất uyên bác, cũng vừa là một “nhà thơ”. Văn phong anh đầy thi vị, và chất sống. Anh là một người yêu khoa học đích thực. Anh không thấy khoa học với những con số, công thức là buồn tẻ, mà thi vị và làm cho cho cuộc sống trí thức thêm phong phú. Khoa học không phải là con số, mà ý tưởng. Đó là týp người của xã hội hiện đại tương lai. Việt Nam cần một số lượng tới hạn (critical mass) những con người như thế để có thể hình thành nền khoa học nước nhà. Thiếu số lượng đó, khoa học của mọi quốc gia sẽ èo ọt. Khoa học mà èo ọt, quốc gia sẽ không thể nào mạnh mẽ.

Anh Tân có thuyết trình ở Sài Gòn 2 lần (1) tại Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (2009) và (2) tại Đại học Bách Khoa TP HCM (2014). Ngoài ra 1 lần ở Đại học Cần Thơ và 1 lần ở Hà Nội. Tôi có may mắn tham dự hai buổi ở Sài gòn. Thật là thú vị được nghe và thấy phong cách của anh: đầy ắp tri thức và rất dí dỏm. Tôi mong anh sẽ còn có dịp trở lại Việt Nam để diễn thuyết. Có thể nói, các quyển sách của anh là “khai sáng nano“, và anh là một nhà “truyền giáo” rất uyên bác.

Hãy cho dân tộc này nhiều kiến thức, để xây dựng tương lai. Hãy cho dân tộc này nhiều sách, để thông minh hơn. Hãy cho dân tộc này nhiều ánh sáng, để thấy được những chân trời xa.

Với những dòng giới thiệu quá ngắn ngủi này, tôi cảm thấy mình chưa “công bằng” với Trương Văn Tân, một nhà khoa học tự nhiên có chiều sâu trí thức lẫn tâm hồn tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng tôi thấy cần phải giới thiệu công trình tâm huyết của anh hôm nay.

Xin nồng nhiệt giới thiệu, nhất là với các bạn trẻ muốn theo đuổi khoa học, công nghệ, như sự nghiệp tương lai của mình, và như công cụ để thay đổi đất nước tốt đẹp hơn.

NXX, 24. 10. 2020

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.