Đại thi hào Nguyễn Du

11:36:00 CH
Năm nay là kỷ niệm 250 năm sinh của Nguyễn Du . Không chính xác ngày sinh, chỉ biết ông sinh năm 1765 , đến năm 1820 thì mất .Nguyễn Du được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới,là đại thi hào của văn học Việt nam trong mọi thời đại. Ông còn có những bút danh khác như Tố Như , Thanh Hiên , Hồng Sơn... Quê cha của Ông ở làng Tiên Điền , huyện Nghi Xuân , tỉnh Hà Tĩnh , gia đình nho sĩ và `quan lại nổi tiếng . Quê mẹ Ông ở Băc Ninh , có truyền thống văn hóa nghệ thuật , là cái nôi của dân ca quan họ . Còn Ông sinh ra và lớn lên ở kinh đô Thăng Long và ở Hà Tĩnh quê cha .Đỗ kỳ thi Hương năm 19 tuổi , Ông ra làm quan dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng , và rất trung thành với nhà Lê là triều đình hợp pháp theo đạo đức Nho giáo. Sau đó Ông làm Tham tri bộ Lễ dưới triều Gia Long nhà Nguyễn . Năm 1813 được cử đi sứ sang Trung quốc . Năm 1820 ,trước khi đi sứ lần thứ 2 thì Ông mất , thọ 55 tuổi. Tác phẩm chữ nôm " Truyện Kiều " của Ông là một tiểu thuyết bằng thơ dài 3254 câu , là đỉnh cao của thơ ca cổ điển của dân tộc Việt nam , ngày nay được xếp vào loại " những kiệt tác văn học của nhân loại " . Truyện Kiều mang tính hiện thực , tinh thần nhân đạo - nhân văn cao cả . Câu thơ bằng chữ nôm (không phải chữ Hán ), đầy điển tích , rất hay , mang tính nghệ thuật rất cao . Tác phẩm toát lên tinh thần phản kháng đối với chế độ phong kiến đã nhẫn tâm chà đạp lên số phận con người , nói lên lòng xót thương vô hạn đối với những người bị áp bức đau khổ . Do đó , truyện Kiều đã đi vào lòng người trải qua mọi thế hệ đều được nhân dân yêu mến vô hạn . Truyện Kiều đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dậy cho học sinh . Tôi nhớ ngày xưa ông ngoại tôi - cụ Nguyễn văn Phúc (hậu duệ của Nguyễn Trãi) hay ngồi đàm luận với ông nội tôi - cụ Đỗ Xuân Đạt về truyện Kiều , hai cụ rất tâm đắc . Ông ngoại còn thử dịch ra tiếng Pháp nữa .Còn bà ngoại - cụ Trần thị sâm thì hay " bói Kiều " : cụ thầm khấn điều cần bói , sau cụ khấn " Lạy Vua Từ Hải , lạy vãi Giác Duyên , lạy tiên Thúy Kiều ...cho xin một quẻ lấy ở trang bên phải ( hay trái ) , sau đó cụ mở quyển truyện Kiều được 1 trang ngẫu nhiên , đọc xem nội dung của trang đó đẻ đoán xem việc mình cần xem có được tốt đẹp hay không . Chỉ qua những người thân trong gia đình tôi đã đủ thấy truyện Kiều đã quen thuộc gắn bó trong trái tim của mọi người ra sao , dù thời gian đã trôi qua vài thế kỷ nhưng nhân dân VN vẫn và sẽ gìn giữ kiệt tác bất hủ đó từ đời này sang đời khác như một vốn quý của dân tộc .
Năm 2009 chúng tôi đã đến thăm khu di tích mộ và nhà thờ Nguyễn Du ở Hà Tĩnh . Được ngồi vào bàn án thư , thấy bút nghiên của Ông mà xúc động vô cùng .
Chúng tôi còn đến dâng hương trong nhà thờ Nguyễn Du , xem các ghi chép , văn bia đá và các di tích khác . Băn khoăn tự hỏi : Bao giờ dân tộc ta lại có một Nguyễn Du thứ 2 , thứ 3 ... một con người kiệt xuất như vậy nữa ? Lại nhớ chuyện thời sự xẩy ra hồi tháng 7/2015 , khi Tổng Bí thư ĐCSVN sang thăm Mỹ . Trong bữa tiệc chiêu đãi trọng thể tại Bộ Ngoại giao Mỹ , Phó Tổng thống Joseph Biden đã " lẩy Kiều " của Nguyễn Du , thật đáng ngạc nhiên - khó tin ! PTT đã mượn 2 câu thơ trong truyện Kiều : " Trời còn để có hôm nay , Tan sương đầu ngõ , vén mây giữa trời " để nói lên tinh thần lạc quan về mối quan hệ Việt nam - Mỹ sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao , " Khép lại quá khứ , hướng tới tương lai " .

1 nhận xét:

DI nói...

Thật vinh dự cho Bà Kim Đính đã tới thăm Khu di tích, mộ và nhà tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du ở Hà Tĩnh và viết bài nhân dịp kỷ niệm 250 năm của Đại thi hào.Chúng tôi ở miền Nam chưa rõ có điều kiện tới thăm nơi đây vì tuổi đã cao rồi !!!

Được tạo bởi Blogger.