Thư giãn cuối tuần
Loài chim ngũ sắc bên bờ vực
SGTT.VN - Cách đây hơn mười năm, hết giờ làm việc là tôi vác balô theo các ghe đánh cá ra khơi để chụp ảnh. Trong một lần từ biển trở về, tôi nhìn thấy một vùng nước biển hồng lên rực rỡ và xa xa ven bờ là một dải đất chạy dài đỏ rực nham nhở nhiều vết sạt lở – thuộc xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Từ đó tôi không đi biển nữa mà dành thời gian khám phá vùng đất này.
Chỉ cách thành phố Phan Thiết khoảng 3km, nhưng nơi đây vô cùng hoang vắng. Hàng chục hố lở chạy dài dựng đứng nối tiếp, có hố sâu trên 100m, rộng vài chục hécta, rất đẹp và nguy hiểm. Vì vậy, có loài chim hàng năm chọn nơi đây di cư đến làm tổ – đó là chim ngũ trảu.
Đây là loài chim có màu lông ngũ sắc, sống ở rừng thưa và rừng già, gồm bốn loại: ngũ trảu đầu hung (tên khoa học: merops orientalis), ngũ trảu đầu vàng (merops viridis), ngũ trảu ngực nâu (merops superciliosus), ngũ trảu họng vàng (merops leschenaulti). Riêng ngũ trảu đầu vàng có vóc dáng nhỏ thì không di cư, thường sống quanh nơi thôn xóm, ruộng vườn, và ở rừng thưa… theo từng đôi một.
Chúng không phải là loài chim săn mồi, nhưng đặc điểm bắt mồi của chúng rất độc đáo, đó là lao đi với tốc độ rất cao trên không trung để bắt các loại côn trùng đang bay (như bướm, chuồn chuồn, các loại côn trùng kể cả ong vò vẽ…).
Đây là loài chim có đặc tính di cư. Trừ ngũ trảu đầu vàng, chúng đều sống ở rừng già, nhưng đến mùa làm tổ vào khoảng tháng 4 thì tụ tập nhau lại di cư về những nơi có vực sâu, vách đất dựng đứng, dùng mỏ đào hang sâu 1 – 1,5m để làm tổ (ảnh 1), mỗi lần đẻ 4 – 5 trứng. Lợi dụng đặc điểm này, những kẻ săn bắt chim đã bất chấp nguy hiểm từ những vách đất cheo leo, dùng thuổng đào hang bắt lấy trứng, chim non… mang bán. Đó là những hình ảnh độc ác, đáng lên án gay gắt! (ảnh 2).
Để tìm hiểu đời sống của chúng ở trong hang, tôi cũng đào hang như chúng để chụp được ảnh từ bên trong và chụp từ vực sâu (ảnh 6).
Con người trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của loài ngũ trảu này, họ vô tâm không biết rằng đây là loài chim ăn côn trùng gây hại… và còn tặng chúng ta vô vàn những khoảnh khắc đẹp đẽ của tự nhiên (ảnh 3).
Bắt đầu đào hang làm tổ vào tháng 3, kết thúc vào tháng 6, chim non trưởng thành còn sống sót thường được bố mẹ và chim đầu đàn tập hợp về một bụi cây nào đó (ảnh 5). Khi “hàng ngũ” đã chỉnh tề, đông đủ thì chúng đồng loạt trở lại rừng già. Nơi chúng đến làm tổ ồn áo náo nhiệt bao nhiêu thì khi chúng đi rồi, vắng lặng bấy nhiêu. Là người chào đón khi chúng di cư đến và cũng luôn là người đưa tiễn chúng về lại rừng già, điều làm tôi đau xót nhất là bầy chim mỗi năm một ít dần, thưa dần vì lòng tham của con người (ảnh 4).
Ảnh 1 |
Ảnh 2 |
Ảnh 3 |
Ảnh 4 |
Ảnh 5 |
Ảnh 6 |
bài và ảnh: Lê Hoài Phương, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn
(Theo Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét