Giật mình ca khúc "Happy New Year" của ABBA đã tròn 40 tuổi
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, nhà nhà sẽ lại mở cả một danh sách nhạc mừng tết đến vui cả tai. Và lúc nào cũng vậy, cũng sẽ có 1 ca khúc quốc tế ngồi lọt thỏm giữa một rừng nhạc Việt vang lên, tuy có hơi lạc lõng nhưng năm nào cũng phải có, không có nó thì lại thấy thiếu thiếu điều gì đấy. Đúng vậy, còn bài nào ngoài ca khúc mà có thể gọi là ca khúc mừng Tết quốc dân của Việt Nam ta - "Happy New Year" của huyền thoại ABBA.
Nhân dịp đặc biệt khi năm 2020 sẽ là năm kỷ niệm 40 năm ra mắt của sản phẩm âm nhạc này. Ta sẽ cùng nhau hé mở những sự thật mà có thể bạn chưa biết về nó.
MV Happy New Year - ABBA
1/ "Happy New Year" thực chất lúc đầu mang tựa đề cực kì dài và hài hước...
"Happy New Year" là 1 ca khúc nhỏ nằm trong album phòng thu thứ 7 và cũng là album gần cuối của nhóm trước khi tan rã, mang tựa đề "Super Trouper" ra mắt vào năm 1980. Vào thời điểm ra mắt album, ABBA không hề chú ý mấy đến ca khúc này. Benny Anderson (thành viên của ABBA, người đã sáng tác ra ca khúc) từng chia sẻ như sau: "Một bài hát gần với Giáng sinh nhưng cũng chẳng phải để đón mừng năm mới".
Có lẽ vì vậy, tựa đề lúc đầu của "Happy New Year" lại là "Daddy Don't Get Drunk On Christmas Day". Nhưng sau khi bàn đi tính lại về việc cái tên có bắt tai hay không và cả việc tựa gốc không liên quan mấy phần lời ca nên sau đó đã bị đổi lại là "Happy New Year" như ta biết ngày nay.
2/ Gần 2 thập kỷ sau, "Happy New Year" mới được chọn là single.
Như đã nói ở trên, "Happy New Year" nằm trong album Super Trouper được ra mắt năm 1980. Tuy nhiên, phải đến tận gần 2 thập kỷ sau đó, cụ thê là năm 1999, ABBA mới chịu đưa "Happy New Year" ra làm single.
Cụ thể, "Happy New Year" lúc đầu không hề được ABBA đánh giá cao. Tuy nhiên, sau này, khi tái bản lại những single cũ của mình, ABBA lại thấy được đó là thời cơ để "Happy New Year" toả sáng. Lí do đơn giản là vì đó là năm 1999, năm cuối cùng của thập kỷ 90s và cũng là năm cuối cùng của cả một thế kỷ, bao nhiêu là sự trông ngóng của mọi người cho 1 thế kỷ mới tốt đẹp hơn đang đến phía trước. Vậy nên, còn thời cơ nào đẹp hơn thế này nữa?
Sau 19 năm kể từ lần đầu ra mắt và cũng là sau 17 năm ABBA chính thức tan rã, "Happy New Year" đã bị thị trường Mỹ lãng quên. Không thể thành công như các single khác trong album "Super Trouper" như "The Winner Takes It All" hay "Super Trouper", nó chỉ còn đủ khả năng phủ sóng các nước châu Âu và châu Á.
"Happy New Year" đạt đến hạng 34 trên bảng xếp hạng nước nhà của ABBA ở Thuỵ Điển, hạng 15 ở Hà Lan, hạng 75 ở Đức. Tuy thứ hạng nghe hụt hẫng là vậy, nó vẫn có đủ tầm ảnh hưởng để mỗi năm đều quay trở lại bảng xếp hạng ở các nước châu Âu nhân dịp năm mới đến. Và độ yêu thích của dân châu Á với "Happy New Year" thì ta không còn có thể bàn cãi được nữa. Đó xem như cũng bù lại được phần nào cho nỗi buồn thứ hạng không cao trên các bảng xếp hạng.
3/ Bạn có biết "Happy New Year" cũng có phiên bản nhạc latin chưa?
"Happy New Year" đúng là mất tới tận 19 năm sau mới được ra làm single, nhưng có một phiên bản khác của ca khúc này đã được ra mắt vào năm 1984. Đó là "Happy New Year" phiên bản lời Latin, mang tựa đề là "Felicidad".
Một phiên bản khác...ít người biết đến của "Happy New Year" đây
Phiên bản latin của ABBA được ra mắt vào 1984, trong album tổng hợp hit của nhóm mang tựa đề. Tuy không thành công được như "Happy New Year", "Felicidad" lại rất được khu vực Mỹ Latin yêu mến. Nó lọt vào top 5 của nhiều nước khu vực này.
4/ Lời chia tay đầy tiếc nuối
Nói về ABBA, ta sẽ nghĩ đến ngay thập niên 70s xưa cũ. Và nói đến ABBA, họ còn là những huyền thoại. Cùng với Boney M, Bee Gees hay Donna Summer, ABBA là bộ mặt của thể loại Disco thống trị thế giới giai đoạn từ năm 1975 đến hết thập niên. ABBA và những sản phẩm âm nhạc của họ như "Mamma Mia", "Dancing Queen", "Gimme! Gimme! Gimme!" là mồi lửa bắt đầu cho giai đoạn hoàng kim (nhưng ngắn ngủi) của thể loại nhạc này. Những điều đó đã giúp ABBA có một tầm ảnh hưởng lớn lên những ngôi sao thế hệ sau, thậm chí, cả những ngôi sao thế hệ trước như Cher, Madonna, những cái tên vĩ đại nhất cũng chịu sự ảnh hưởng từ họ.
Tuy nhiên, giai đoạn mà khi album "Super Trouper" được ra mắt, đó cũng là giai đoạn chuẩn bị tan rã của nhóm. Năm 1979, khi đang ở ngay trên đỉnh cao của danh vọng thì bộ đôi Björn Ulvaeus và Agnetha Fältskog - 2 thành viên trong nhóm, đệ đơn li dị lên toà và gây ra bao nỗi xót thương trong cộng đồng fan của họ. Hình tượng 2 cặp đôi hạnh phúc cùng nhau hát ca đang, đã, và chuẩn bị vỡ tan ra. Năm 79 là Bjorn và Agnetha, năm 81 sau đó, cặp đôi còn lại là Benny và Anni-Frid cũng nối đuôi đâm đơn li dị và dẫn đến tình cảnh khó nhìn mặt nhau giữa các thành viên trong nhóm. "Happy New Year" thế nên, cũng có thể là ca khúc nói lời chia tay, báo trước cho mọi người biết rằng thời điểm chia xa của bộ tứ này đang đến rất gần.
5/ "Happy New Year" không hề mang ý nghĩa vui vẻ như bạn nghĩ đâu!
Nhiều người vẫn nghĩ "Happy New Year" của ABBA là một ca khúc vui nhộn, với phần MV có tiệc tùng pháo bông. Tuy nhiên, nói cho đúng, ca khúc là một bản nhạc buồn trên nền nhạc sôi động. Nếu bạn đọc lại phần lời, bạn sẽ thấy một nỗi buồn thoang thoảng từ câu đầu tiên trong bài hát tới tận câu cuối cùng.
Không phải là tiệc tùng ăn chơi mừng năm mới như bạn nghĩ, ca khúc là những tâm tư của 1 thời đại đã qua, một thời đại trải đầy những biến động khắp 5 châu như cuộc chiến tranh Việt Nam, những cuộc biểu tình nhân quyền trải khắp 10 năm đó, Mỹ và Liên Xô chạy đua vũ khí, xung đột ở Trung Đông, diệt chủng Polpot, khủng hoảng kinh tế Mỹ ở những năm 71, 72, nạn đói hoành hành. Rất nhiều những câu chuyện như thế, ẩn khắp những lời ca trong "Happy New Year".
Điển hình như những câu hát sau ở đoạn 2, có thể cho bạn thấy rõ được tinh thần đó: "Đôi khi lòng tự thấy, thế giới này can đảm biết bao. Khi vẫn vươn mình ngày một phồn vinh, tại chính điểm tro tàn của cuộc đời. Ừ phải, loài người thật khờ dại, khi cứ nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Mãi lê những bước chân lạc lối, mà đâu biết rằng mình đang sa vào con đường lầm lỡ. Cứ vẫn mãi tiếp tục tiến bước..."
6/ "Happy New Year" không phải là bài hát mừng năm mới phủ sóng mạnh mẽ nhất thế giới
Và điều cuối cùng, và cũng có thể khiến bạn sốc nhất. "Happy New Year" không phải là ca khúc mừng năm mới có độ phủ sóng lớn nhất thế giới. Không hề. Vị trí số một bấy lâu nay thuộc về ca khúc "Auld Lang Syne" được sáng tác vào năm 1788. Tính đến nay, ca khúc vẫn trường tồn theo thời gian và được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng cover lại. Trong đó, nổi bật là những cái tên như Mariah Carey, Lea Michelle (nữ chính trong series phim học đường được khán giả yêu thích Glee!),...
Auld Lang Syne mới là ca khúc mừng năm mới nổi tiếng nhất. Ca khúc từng được diva Mariah Carey cover lại và rất được yêu thích.
Âm lượng: 32%
MV Auld Lang Syne - Mariah Carey
So về "tuổi tác", thì rõ ràng "Auld Lang Syne" có quá trình tồn tại với lịch sử âm nhạc lâu đời hơn hẳn "Happy New Year". "Auld Lang Syne" hay còn có thể hiểu là "Old Long Since", hay hiểu theo tựa Việt là "Ngày tháng xưa cũ". Ca khúc nói đến việc nhìn lại bản thân một năm đi qua, những nỗi đau hay cả những niềm hạnh phúc, giống như một lời tri ân đến chính bản thân mình đã mạnh mẽ đi qua một năm khó khăn ra sao. Ca khúc được mệnh danh là quốc ca giao thừa, rằng cứ đến giờ bắn pháo phông, nhiều nơi sẽ phát bài này như một truyền thống. Thế nên, "Happy New Year" xui xẻo rằng không thể đọ được với bài này rồi.
Tuy vậy, "Happy New Year" mãi mãi là một ca khúc đi vào bất hủ...
Thế nhưng, ta đã đồng hành cùng "Happy New Year" cũng được một khoảng thời gian rất dài. 40 năm ra mắt, 20 năm hơn được chọn là single, nó cũng để lại dấu ấn lớn của nó ở rất nhiều nước ở khu vực châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc mở lên, hát theo ca khúc này trong đêm 30 Tết, mùng 1 đến có khi hết mùng, vốn cũng đã ăn sâu vào nếp sống của một vài hộ gia đình tại Việt Nam. Giống như, không có "Happy New Year", không có ABBA, thì tết nhất cũng bớt vui ít nhiều đấy, phải không nào?
TheoKenh14.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét